Thứ Ba, Tháng Chín 10, 2024

60 phút khám phá Phan Thiết xưa qua vở ‘Huyền thoại làng chài’

 (SGTT) –  Những lát cắt về cuộc sống của người dân làng chài Phan Thiết xưa với phiên chợ tấp nập, cảnh ngư dân ra khơi đánh cá, người dân làm muối, cả những lễ hội dân gian của người Chăm… được tái hiện trong vở diễn Huyền thoại làng chài.

Vở diễn được lấy cảm hứng từ “Làng chài Phan Thiết năm 1762” với nhiều tiết mục như ca múa, vũ kịch, kết hợp với kỹ xảo âm thanh, ánh sáng… đan xen. Chỉ 60 phút xem Huyền thoại làng chài, du khách như được sống cùng cư dân làng chài ven biển Phan Thiết, Bình Thuận.

Màn trình diễn đưa khán giản lạc vào không gian giàu chất nghệ thuật, mở đầu, mượn truyền thuyết “Con rồng cháu tiên” để thấy sự xuất hiện của một cộng đồng dân cư, họ sinh sống và bắt đầu lập làng, ra khơi, kiếm sống.
Đàn ông ra khơi đánh cá.
Người dân nơi đây cũng có thêm nghề làm muối.
Cảnh họp chợ tại làng chài.

Trong chương đầu tiên, tái hiện lại sự kiện cá Ông Nam Hải lụy vào bờ biển Phan Thiết, sau đó phần xác được người dân đem vào dinh Vạn Thủy Tú (1762) và phần hồn của cá Ông hóa thành chàng ngư dân người Kinh, cứu giúp dân chài gặp nạn trên biển. Điển xưa tích cũ này vừa là phần mở đầu câu chuyện, vừa là “xương sống” giúp định hình mạch truyện và đi suốt chiều dài show diễn.

Cá Ông hóa thân thành chàng dân chài người Kinh.
Chàng dân chài lạc vào tháp cổ Poshanư, đắm mình vào không khí trang nghiêm của vương quốc Chăm Pa.
Chàng dân chài gặp gỡ cô gái người Chăm.
Hai người đem lòng yêu nhau, đây cũng là hình tượng hoá của mối giao thoa Kinh – Chăm tại vùng đất nắng gió Phan Thiết.
Chàng dân chài và cô gái Chăm cùng đắm chìm trong ngày lễ Ka tê.
Lễ hội Katê phản ánh sâu sắc những giá trị văn hóa dân gian truyền thống của cộng đồng người Chăm, thể hiện sự thành kính và biết ơn công lao của các vị thần linh, tổ tiên. Lễ hội cũng là nơi thắt chặt tinh thần đoàn kết, mối tương thân tương ái, tinh thần hòa hợp để gắn kết các thành viên trong cộng đồng lại với nhau.

Khi xem Huyền thoại làng chài, khán giả sẽ được thưởng thức một đại tiệc âm nhạc bởi đa dạng các loại nhạc cụ truyền thống và đặc biệt là các phần biểu diễn trực tiếp giàu cảm xúc của các nghệ nhân dân gian, cùng với sự kết hợp kĩ thuật công nghệ nước, giàn đu bay, màn hình LED tái hiện những khung cảnh sinh hoạt đời thường rất đỗi bình dị của cư dân làng chài Phan Thiết.

Sau những ngày vui chơi, gặp gỡ trong các lễ hội, người dân lại tiếp tục ra khơi, bám biển. Nhưng cũng không ít lần họ phải đối mặt nơi đầu sóng ngọn gió, với bão giông và bất cứ lúc nào cũng có thể bị biển cả nhấn chìm.
Cá Ông lại hiện thân và cứu giúp những người ngư dân gặp nạn. Trong tín ngưỡng ngư dân Bình Thuận, họ luôn tin tưởng vào sự hiển linh của cá Ông và coi đây là vị thần cứu trợ trong những chuyến đi biển hiểm nguy.
Sau những hiểm nguy, ngư dân ở làng chài Phan Thiết vẫn bám trụ với nghề.

Huyền thoại làng chài có tổng chi phí đầu tư lên đến hơn 2 triệu USD, sân khấu rộng 600m² với 1.200 chỗ ngồi. Mỗi vở diễn có khoảng 60 người tham gia bao gồm diễn viên, vũ công địa phương, nhóm đạo diễn, biên kịch, biên đạo, thiết kế, phục trang, âm thanh, ánh sáng, hiệu ứng sân khấu, dẫn chuyện, lồng tiếng.

Khán giả chụp hình cùng các diễn viên. Ảnh: Huyền thoại làng chài

Du khách nếu muốn xem vở Huyền thoại làng chài có thể dành thời gian từ 20:00 đến 21:00 tại địa chỉ 360 Nguyễn Thông, TP Phan Thiết, kế bên Bảo tàng nước mắm Làng chài xưa. Lịch hoạt động của sân khấu sẽ được công bố mỗi tháng trên fanpage Huyền thoại làng chài, nếu du khách đến Phan Thiết vào cuối tháng 3 này có thể xem vào các ngày 25-3 và 27-3 với giá vé từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng, tùy vị trí. 

Ngọc Khuyến

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề