Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Khám phá cụm tháp Chăm chưa nhiều người biết ở Bình Thuận

(SGTT) - Tọa lạc dưới chân núi Ông Xiêm, thuộc địa phận xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, di tích Nhóm đền tháp Chăm Pô Dam (hay còn gọi là Pô Tầm) là một trong những phong cách kiến trúc nghệ thuật sớm của Vương quốc Chăm Pa được công nhận là Di tích Văn hóa - Lịch sử cấp quốc gia vào năm 1996.
Nhóm đền tháp này bao gồm 6 tháp, hiện nay chỉ còn lại 4 tháp đã được trùng tu. Ảnh: Nguyễn Phong
Một vài dấu tích còn sót lại của cụm tháp đã sụp đổ. Ảnh: Nguyễn Phong
Nhóm đền tháp Po Dam đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1996. Ảnh: Nguyễn Phong
Tuy đã được các nhà khảo cổ nghiên cứu nhiều nhưng hiện tại thì khoảng thời gian Pô Dam được xây dựng vẫn chưa xác định rõ được. Có giả thiết cho rằng, cụm tháp được xây dựng vào nửa cuối thế kỷ VIII đầu thế kỷ IX, Ảnh: Nguyễn Phong
Khi đến tháp Pô Dam, ắt hẳn du khách sẽ nhận ra cụm tháp này có sự tương đồng về kỹ thuật xây dựng lẫn nghệ thuật kiến trúc của các nhóm tháp Chăm. Ảnh: Nguyễn Phong
Tuy vậy, nơi đây cũng có một điểm khác biệt hơn so với các nhóm tháp Chăm khác, vì nó được xây dựng dưới chân đồi thay vì ở trên đồi như ta thường biết, các cửa chính quay về hướng Nam. Ảnh: Nguyễn Phong
Ảnh chụp bên trong tháp. Ảnh: Doãn Thụy
Một số vật thờ bên ngoài tháp. Ảnh: Nguyễn Phong
Điều đặc biệt khác nữa là cả 6 tháp trong nhóm tháp Pô Dam đều nhỏ và thấp hơn các tháp Chăm khác (cao nhất 7- 8m, mỗi cạnh đáy 3-3,5m). Ảnh: Nguyễn Phong
Ảnh: Nguyễn Phong
Họa tiết trên tháp. Ảnh: Nguyễn Phong
Đây là nơi người Chăm thực hiện những lễ nghi tôn giáo quan trọng như: lễ Cầu đảo, lễ Tống ôn, lễ Cầu mưa, trong đó có Ka-tê là lễ hội lớn nhất của người Chăm. Ngoài phần lễ còn có các hoạt động như thi đấu thể thao và múa hát để chào mừng của thanh niên nam nữ làng Chăm tại thôn Phú Lạc. Ảnh: Nguyễn Phong
Nếu đến đây vào tháng 8, tháng 9, từ cụm tháp, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm những ‘thảm’ lúa chín vàng, xa xa là cánh đồng điện gió Tuy Phong. Ảnh: Nguyễn Phong
Từ quốc lộ 1A, du khách men theo con đường nhỏ, ghập ghềnh đất đá khoảng 6km là đến tháp. Đường đi khá xấu nhưng đủ rộng để xe ô tô 7 chỗ vào. Ảnh: Nguyễn Phong
Trên đường vào cụm tháp, du khách sẽ có dịp ngắm nhìn cánh đồng lúa chín vàng, vườn thanh long, những đàn bò ung dung gặm cỏ… và cả sự nhiệt thành, hiếu khách của bà con người dân tộc tại đây. Ảnh: Nguyễn Phong

Nguyễn Phong

2 BÌNH LUẬN

  1. 1. “Nhóm đền tháp này bao gồm 6 tháp, hiện nay chỉ còn lại 3 tháp tương đối nguyên vẹn, còn 3 tháp khác bị sụp đổ” <== Hiện nay ở cụm tháp Po Dam đang có 4 ngôi tháp.
    Nếu nói là ở cụm tháp Po Dam có 3 ngôi tháp, thì phải nói là trước tháng 9/20013, bởi trong đợt "trùng tu" tiến hành từ tháng 9/2013, người ta đã "phục dựng" thêm ngôi tháp thứ 4 nằm sát 2 ngôi tháp nhỏ phía Nam, vốn trước 9/2013 chỉ còn là phế tích với 2 mảng tường gạch nhỏ vuông góc với nhau. Trước 9/2013 cũng không thể nói là 3 ngôi tháp còn lại ở cụm tháp Po Dam "tương đối nguyên vẹn", bởi 2 ngôi tháp phía Nam không còn nhìn ra nổi hình hài ban đầu, và đầu tháng 3/2013, Cục Di sản văn hóa sau khi đi kiểm tra thực tế tại đây, đã kết luận rằng ngôi tháp phía Tây Nam (tháp bên trái của tấm ảnh đầu tiên trong bài) là "bị mưa nắng bào mòn đã làm rơi rụng gạch xây tháp, phần liên kết còn lại rất yếu và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào". Sau đó cụm tháp này đã được trùng tu bắt đầu từ tháng 9 năm ấy.

    2. Việc ở cụm tháp Po Dam có một số ngôi tháp cửa được mở về phía Nam có thể chính là sự khác biệt rõ nhất so với các tháp/ cụm tháp Chăm khác. Chỉ có thể nói là đa số các tháp Chăm có cửa chính mở về hướng Đông, chứ không phải tất cả, vì ngay tại Mỹ Sơn đã có nhiều ngôi tháp có cửa chính không mở về phía Đông rồi.
    Hơn nữa, chắc chắn không phải tất cả các ngôi tháp ở cụm Po Dam có cửa chính mở về hướng Nam, vì hiện tại ngôi tháp thứ 4 được phục dựng trong đợt trùng tu 2013-2014 có cửa chính mở về hướng Đông, còn trước đó thì không biết nó mở về hướng nào (bởi chỉ còn góc tường phía Tây Nam với 2 mảng tường phía Tây và phía Nam tựa vào nhau, không còn bất cứ cửa hay cửa giả, hay nóc, mái gì hết), tuy nhiên nó không thể mở về hướng Nam, bởi hướng Nam của nó bị chặn sát rạt hoàn toàn bởi 2 ngôi tháp trong tấm ảnh đầu tiên của bài này.

    3. "Điều đặc biệt khác nữa là cả 6 tháp trong nhóm tháp Pô Dam đều nhỏ và thấp hơn các tháp Chăm khác (cao nhất 7- 8m, mỗi cạnh đáy 3-3,5m)" <== Khi người Pháp đến để nghiên cứu và khảo tả cụm tháp Po Dam vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX thì ở đây chỉ còn 3 kiến trúc, nên họ cũng chỉ nói tới 3 ngôi tháp còn lại, chứ không nói cả 6 tháp. Chưa kể là đợt trùng tu 2013-2014 còn phát hiện ra nền móng một số công trình khác (ngoài "6" ngôi tháp đã được nhắc đến từ lâu), cũng rất có thể là nền móng của các ngôi tháp khác nữa – bức ảnh thứ 2 trong bài viết.
    Tuy nhiên, nếu chỉ nói kích thước các tháp ở cụm Po Dam nhỏ và thấp (so với "các tháp Chăm khác") để cho rằng đó là điều đặc biệt, thì chưa đủ, bởi trong số các tháp Chăm còn tồn tại ở miền Trung và Tây Nguyên thì không thiếu tháp thấp nhỏ như ở cụm Po Dam, như ngôi tháp Đông Nam ở cụm Po Nagar (Nha Trang) hay nhiều tháp ở Mỹ Sơn.

    4. "Đây là nơi người Chăm thực hiện những lễ nghi tôn giáo quan trọng như: lễ Cầu đảo, lễ Tống ôn, lễ Cầu mưa, trong đó có Ka-tê là lễ hội lớn nhất của người Chăm" <== Phải xem lại thông tin về việc lễ Kate được tổ chức ở tháp Po Dam.
    Chính người Chăm tại thôn Phú Lạc nói rằng lễ Kate họ không tổ chức ở tháp Po Dam mà chỉ tổ chức ở làng. Và, lễ Kate của người Chăm chỉ được tổ chức tại 3 cụm đền tháp: Po Klaung Garai, Po Rome ở Ninh Thuận và trước kia là ở cụm tháp Po Nagar (Nha Trang), mà sau này đã dời về đền Po Nagar cũng ở Ninh Thuận.

  2. Xin cảm ơn anh Ngô Hòa Nam, người dành sự quan tâm và nghiên cứu về tháp Po Dam, đã có những góp ý, bổ sung để cung cấp thông tin toàn diện, đầy đủ hơn cho bài viết đến độc giả.

    Trong quá trình thực hiện nội dung, tác giả cũng có tìm hiểu thông tin ở : http://www.vista.net.vn/le-hoi/le-hoi-po-dam-po-tam.htmlhttps://baobinhthuan.com.vn/nguoi-co-cong-dau-trong-trung-tu-thap-podam-va-po-sah-inu-18660.html. Bên cạnh đó, tôi cũng xin ghi nhận, trân trọng những đóng góp, cập nhật từ anh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối