Thứ Hai, Tháng Năm 6, 2024

Ngừng đào tạo vì thiếu sinh viên

BAN CAO –

Đến thời điểm này tại TPHCM, một số trường cao đẳng vẫn chật vật với công tác tuyển sinh vì chưa đủ số sinh viên tối thiểu cho một vài ngành học. Bên cạnh đó, một số trường đã quyết định bắt đầu năm học mới mà ngừng hẳn nhiều ngành đào tạo vì không đủ sinh viên theo học.

IMG_5010Không thiếu các doanh nghiệp cần tuyển dụng lao động có tay nghề không cần qua đào tạo đại học. Ảnh minh họa: Thành Hoa

Trường mất ngành, giảng viên mất việc

Trường Cao đẳng nghề Kinh tế Công nghệ (quận Tân Bình) hiện phải đối mặt với tình trạng không tuyển được sinh viên. Dù đã trải qua ba đợt xét tuyển, nhưng theo ban lãnh đạo nhà trường, mới chỉ đạt 800 sinh viên trên tổng số 1.600 chỉ tiêu. Trong năm học 2015-2016, trường này đã phải cắt bỏ nhiều ngành đào tạo vì thiếu sinh viên.

Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng của trường, cho biết một số ngành chỉ có một, hai sinh viên đăng ký thì nhà trường không dám mở lớp và đành ngừng đào tạo ngành học đó, khuyến khích sinh viên sang học ngành khác hoặc trường khác. Theo ông, một số ngành ít sinh viên theo học có thể kể đến như ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin, Công tác xã hội. Do không tổ chức đào tạo, nhà trường phải giới thiệu các em sang ngành học khác.

Nếu không giới thiệu được ngành học khác, trường đành trả lại học phí cho lượng sinh viên ít ỏi này, sau đó liên lạc với các trường khác có cùng ngành đào tạo để chuyển các em sang trường đó học. “Đó là những ngành chỉ có một vài sinh viên đăng ký. Còn những ngành có trên 10 em, trường vẫn “cắn răng” mở lớp, chấp nhận việc giảm doanh thu và hao tổn chi phí”, ông Lý cho biết.

Không đến thiếu trầm trọng sinh viên đầu vào nhưng trường Cao đẳng Bách Việt (quận Gò Vấp) cũng chỉ tuyển được 1.500 sinh viên trên tổng số 2.400 chỉ tiêu. Bao nhiêu đó sinh viên cũng đủ để trường không phải cắt bỏ ngành nào. “Dù ít, nhưng lượng sinh viên của một số ngành vẫn đủ để nhà trường mở lớp, cái khó là làm sao lo công ăn việc làm cho đội ngũ giảng viên”, ông Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng trường này cho biết.

Theo ông Thành, nhiều ngành trước đây có bốn lớp, giờ chỉ mở được một lớp, giảng viên không có lớp dạy, gây khó khăn cho công tác quản lý của nhà trường. Hiện trường Bách Việt đã phải cử giảng viên đi học thêm các lớp bồi dưỡng, hoặc tăng cường thực hiện các nghiên cứu khoa học để tránh tình trạng “mất việc” của nhiều giảng viên.

Đây chỉ là hai trong số nhiều câu chuyện tuyển sinh xảy ra ở các trường cao đẳng trên địa bàn TPHCM. Theo ghi nhận, còn một số trường chỉ tuyển được một nửa số sinh viên so với chỉ tiêu đề ra, như trường Cao đẳng Xây dựng số 2 (quận Thủ Đức) chỉ đạt khoảng 800 trên 1.500 chỉ tiêu, trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Vinatex (quận Thủ Đức) chỉ đạt 1.600 trên 2.600 chỉ tiêu. Thiếu sinh viên theo học, giảng viên không có lớp đang là mối lo của một số trường. Đại diện của một trường cao đẳng nói: “Sinh viên đều đã nhập học hết, lấy đâu sinh viên mà tuyển dù còn đợt xét tuyển số 4 dự kiến kéo dài đến giữa tháng 11 tới đây?”.

Nâng cao chất lượng đào tạo

Để thu hút sinh viên theo học sau nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh, một số trường tìm ra các biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo. Ông Nguyễn Đăng Lý cho biết, trường Cao đẳng nghề Kinh tế Công nghệ hiện đang ký kết với nhiều doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho sinh viên. Theo đó, toàn bộ sinh viên khi ra trường sẽ đều có việc làm. “Trường cũng sẽ nâng cao cơ sở vật chất và chương trình giảng dạy, đảm bảo kiến thức vững vàng và điều kiện học tập tốt nhất cho sinh viên”, ông nói.

Với trường Cao đẳng Bách Việt thì ông Thành chia sẻ mong muốn xây dựng thương hiệu đào tạo tốt, ổn định, tạo đủ điều kiện cho sinh viên xin việc khi ra trường.

Bên cạnh đó, ý kiến của đại diện một số trường cao đẳng là mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ điều chỉnh hình thức tuyển sinh. Theo họ, hiện nay việc vào đại học là quá dễ dàng do mức chênh lệch điểm xét tuyển thấp. Các trường đại học cũng được quyền tăng chỉ tiêu tuyển sinh nên sinh viên cũng như phụ huynh đều chọn học đại học thay vì cao đẳng. Theo ông Lê Khắc Toản, Trưởng phòng đào tạo trường Cao đẳng Xây dựng số 2, tổng số các trường đại học hiện nhiều hơn các trường cao đẳng. Trong khi nhu cầu tuyển dụng của xã hội lại tập trung chủ yếu vào lao động có trình độ thấp hơn như nghề, trung cấp, cao đẳng. “Điều không thể tránh khỏi là cử nhân đại học vẫn thất nghiệp, xã hội vẫn khát nhân lực, còn các trường cao đẳng, trung cấp thì lại không có sinh viên để dạy”, ông Toản nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nắng nóng kéo dài, Sở GD-ĐT TPHCM đề nghị trường học...

0
(SGTT) - Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đã đề nghị các trường điều chỉnh thời khoá biểu và các hoạt động để...

TPHCM sẽ dành biên chế tuyển công chức, viên chức từ...

0
(SGTT) - TPHCM sẽ điều động, luân chuyển hoặc tinh giản những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, hạn chế...

TPHCM sẽ ưu tiên vốn xây thêm 4.500 phòng học

0
(SGTT) - Từ đây đến năm 2025, TPHCM sẽ tập trung vào giải quyết những vướng mắc về quỹ đất, ưu tiên bố trí...

Mùng 3 Tết thầy

0
(SGTT) - Hơn 10 năm qua, lớp chủ nhiệm đầu tiên của thầy Lê Hữu Phúc vẫn giữ truyền thống "mùng 3 Tết thầy"...

Kỹ năng làm việc và kỹ năng hạnh phúc

0
(SGTT) - Khi thế giới thay đổi, các kỹ năng cần thiết để thành công tại nơi làm việc cũng thay đổi, do đó...

Giấy chứng nhận nghề: cẩn trọng để không trở thành sự...

0
(SGTT) - Khi soạn thảo Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến đưa quy định nhà giáo phải có giấy...

Kết nối