Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Startup đo lường khí thải tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở châu Á

(SGTT) - Trong những năm tới, các cơ quan quản lý chứng khoán ở châu Á sẽ triển khai quy định bắt buộc công ty đại chúng công bố lượng phát thải khí nhà kính trong chuỗi cung ứng của họ. Sự thay đổi này mở ra cơ hội kinh doanh cho các công ty khởi nghiệp (startup) cung cấp công cụ đo lường khí thải carbon.

Doanh nghiệp châu Á đối mặt yêu cầu công bố khí thải

Các công ty lớn đối mặt sức ép ngày càng gia tăng về việc tiết lộ phát thải phạm vi 3 (khí thải nhà kính từ các nhà cung cấp) để tuân thủ yêu cầu báo cáo khí hậu ở khu vực châu Á và trên toàn cầu.

Tháng trước, Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông ban hành quy định yêu cầu các công ty niêm yết lớn báo cáo lượng phát thải thuộc phạm vi 3 trong năm tài chính bắt đầu từ ngày 1-1 năm 2026. Họ cũng phải báo cáo phát thải phạm vi 1 (khí thải nhà kính trực tiếp từ hoạt động kinh doanh) và phạm vi 2 (khí thải nhà kính từ nguồn năng lượng mua từ bên ngoài) trong năm tài chính 2025.

Các công ty niêm yết ở Hồng Kông, Singapore và Trung Quốc đối mặt với quy định yêu cầu công bố phát thải phạm vi 1 (từ hoạt động trực tiếp), phạm 2 (từ năng lượng mua bên ngoài) và phạm vi 3 (từ các nhà cung cấp) trong những năm tới. Ảnh: Diligent.com

Hồi tháng 2, các cơ quan quản lý sàn giao dịch chứng khoán ở Thượng Hải và Thâm Quyến công bố hướng dẫn thực hiện báo cáo bền vững bắt buộc đối với các công ty niêm yết có vốn hóa lớn. Hướng dẫn này, dự kiến thực hiện vào năm 2026, yêu cầu báo cáo một loạt các tiêu chí ESG bao gồm cả phát thải phạm vi 1 và 2. Riêng phát thải phạm vi 3 được khuyến khích báo cáo trên cơ sở tự nguyện.

Tại Singapore, các công ty niêm yết cũng phải báo cáo khí hậu, bao gồm công bố thông tin về phát thải khí nhà kính theo lộ trình từng giai đoạn. Cụ thể, từ năm tài chính 2025, tất cả các công ty niêm yết ở Singapore phải báo cáo về lượng phát thải phạm vi 1 và 2. Từ năm tài chính 2026, các công ty này cần công bố lượng phát thải phạm vi 3. Bắt đầu từ năm 2027, các công ty lớn chưa niêm yết ở Singapore cũng phải báo cáo lượng phát thải của họ theo lộ trình dần dần.

Trong khi đó, Cơ quan dịch vụ tài chính Nhật Bản đang xem xét yêu cầu các công ty niêm yết lớn ở Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo công bố phát thải phạm vi 3.

Startup công nghệ tài chính Stacs ở Singpore và startup tư vấn các tiêu chí quản trị môi trường và xã hội (ESG) Downundered của Pháp đang phát triển các công cụ cho phép các công ty lớn tính toán lượng phát thải carbon từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các nhà cung cấp nằm trong chuỗi cung ứng của họ.

Benjamin Soh, đồng sáng lập và CEO của Stacs cho biết, các yêu cầu thắt chặt công bố thông tin xung quanh phát thải phạm vi 3 có nghĩa là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) cần phải bắt đầu công bố lượng khí thải của họ nếu muốn hợp tác kinh doanh với các công ty lớn nhất.

“Nhiều công ty ở khu vực châu Á chưa hoặc chỉ đang bắt đầu công bố thông tin khí thải lần đầu tiên. Vì vậy, chúng tôi đang nỗ lực cung cấp một giải pháp cho phép tính toán lượng khí thải dọc theo chuỗi cung ứng”, ông nói.

Hỗ trợ doanh nghiệp SME tính toán khí thải

Nền tảng ESGpedia của Stacs cung cấp cho doanh nghiệp SME dịch vụ miễn phí để tính toán khí thải trực tiếp của họ (phạm vi 1) và khí thải gián tiếp từ năng lượng mua từ bên ngoài (phạm vi 2), cũng như các điểm dữ liệu phổ biến khác về ESG. Các công ty lớn cần tổng hợp dữ liệu phát thải phạm vi 3 từ các doanh nghiệp SME và các nhà cung cấp khác trên nền tảng ESGpedia sẽ phải trả phí.

“Dữ liệu phát thải từ các nhà cung cấp được đưa vào một tập dữ liệu chung và được tổng hợp thành một báo cáo ESG toàn diện. Và nền tảng ESGpedia của chúng phải có khả năng bao quát nhiều khu vực pháp lý”, Soh giải thích thêm.

Được thành lập vào năm 2019, Stacs đang nắm hơn 5 triệu điểm dữ liệu bền vững, hơn 700.000 chứng nhận và chứng chỉ bền vững của 150.000 công ty, bao gồm gần 110.000 doanh nghiệp SME trên nền tảng ESGpedia.

Soh cho biết, nền tảng này theo dõi dữ liệu bền vững của khoảng 7.700 công ty niêm yết tại 6 thị trường ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, cùng với Hồng Kông và Đài Loan.

Ông cho rằng, các công ty niêm yết cần các giải pháp đáng tin cậy để hỗ trợ tuân thủ các quy định công bố khí thải trong 2 năm tới.

Tại Pháp, Downundered, một startup tư vấn về ESG, cũng đang hướng tới mục tiêu giúp các công ty xây dựng mô hình kinh doanh và chuỗi cung ứng bền vững hơn.

“Châu Á và Trung Quốc là những nước đi đầu trong lĩnh vực sản xuất và có  rất nhiều công ty cần khử carbon. Trong khi đó, châu Âu và Pháp đã phát triển nhiều phương pháp hiệu quả để đánh giá khí thải nhà kính của các công ty và giúp họ giảm dấu ấn carbon”, Emmanuel Delplanque, đồng sáng lập của Downundered cho biết bên lề một sự kiện ở Hồng Kông vào tháng trước.

Trước tiên, Downundered đo lường lượng phát thải khí nhà kính của các công ty để xác định những hoạt động có thể giảm phát thải. Sau đó, startup này đưa ra các giải pháp giúp họ nâng cấp chuỗi cung ứng để giảm lượng phát thải phạm vi 3.

Các khách hàng hiện tại của Downundered gồm nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật Votat (Pháp) và hãng dịch vụ kho vận PKM Logistics (Anh). Kế hoạch mở rộng kinh doanh tiếp theo của Downundered là giúp cắt giảm lượng khí thải của các công ty trong ngành thời trang và hàng tiêu dùng nhanh ở Trung Quốc và châu Á-Thái Bình Dương.

“Chúng tôi muốn mở rộng hoạt động ở Trung Quốc. Chúng tôi sẽ tập trung vào thị trường này kể từ tháng 8 để phát triển các hoạt động ở Thượng Hải nói riêng và châu Á-Thái Bình Dương nói chung”, Delplanque tiết lộ thêm.

Lê Linh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối