Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024

Kỹ năng làm việc và kỹ năng hạnh phúc

(SGTT) – Khi thế giới thay đổi, các kỹ năng cần thiết để thành công tại nơi làm việc cũng thay đổi, do đó việc nghĩ về các kỹ năng trong tương lai sẽ mang đến cho con người cơ hội tốt nhất để theo kịp tốc độ đáng kinh ngạc của công nghệ. Những kỹ năng nào sẽ giúp con người theo kịp đà phát triển và làm sao để cân bằng giữa việc làm và hạnh phúc trong tương lai?

Theo định nghĩa của từ điển Wikipedia, từ “work” (làm việc) trong tiếng Anh là hoạt động có chủ ý mà một người thực hiện để hỗ trợ nhu cầu và mong muốn của bản thân, người khác hoặc cộng đồng rộng lớn hơn.

Về mặt kinh tế học, “làm việc” có thể được coi là hoạt động mà con người góp phần – cùng với các yếu tố sản xuất khác – tạo ra hàng hóa và dịch vụ trong một nền kinh tế. Thế nhưng, tra cứu từ nguyên (etymology) thì “làm việc” lại có khái niệm rộng hơn: “work” phát xuất từ gốc tiếng Hy Lạp cổ đại “εργον”, tức là kết quả của một người hoàn thành một việc gì đó theo nghĩa sản xuất vật chất hoặc trí tuệ nhằm thực hiện một mong muốn, một mục đích bên trong.

Biết ngoại suy và áp dụng kiến ​​thức vào tình huống mới lạ

Theo các chuyên gia ngôn ngữ, trên phương diện này, “work” gần với gốc La tinh “laborare” của từ “labour” trong tiếng Anh (thường được dịch sang tiếng Việt là “lao động”) được xem như một thành tựu, sự hiện thực hóa cao đẹp các hoạt động của con người…

Còn rất nhiều cách hiểu khác nhau về “work” nhưng với tôi, định nghĩa bao quát và hữu ích cho phát triển cá nhân có lẽ là của hai tác giả người Mỹ Richard J. Leider và David A. Shapiro nêu trong quyển sách “Work Reimagined:Uncover Your Calling” (tạm dịch: Công việc được mô phỏng lại: khám phá điều mời gọi bạn) theo đó việc làm được chia thành ba phạm trù tùy thuộc vào thái độ của một cá nhân.

Có người chỉ quan tâm đến lợi ích vật chất từ ​​việc mình làm (job) mà không mong đợi nhận được bất kỳ loại phần thưởng nào khác. Ngược lại, những người coi việc họ làm là sự nghiệp (career) sẽ đầu tư nhiều thời gian và công sức vào công việc và đánh dấu thành tích bản thân không chỉ qua đồng tiền mà còn thăng tiến nghề nghiệp. Sự thăng tiến này thường mang lại địa vị cao hơn, quyền lực gia tăng và được đánh giá cao.

Thứ ba là những người xem công việc là một phần quan trọng trong cuộc sống không chỉ vì tiền bạc hay thành đạt nghề nghiệp mà còn vì sự thỏa mãn mà công việc mang lại. Các tác giả gọi đó là “calling” (tạm dịch là “ơn gọi”), một thuật ngữ ban đầu được sử dụng trong bối cảnh tôn giáo, nơi con người được Thượng Đế mời gọi để làm những công việc có ý nghĩa về mặt đạo đức và xã hội.

Những khái niệm như trên đã giúp tôi nhìn lại quãng đường của mình nơi đất khách quê người trong suốt hơn hai thập kỷ rưỡi qua. Xem ra tôi chẳng có sự nghiệp gì cả sau khi rời bỏ ngành ngân hàng với mười một năm kinh nghiệm rồi lăn lóc trên thương trường để thử sức trong nhiều lĩnh vực. Bù lại, tôi luôn cố gắng tìm ý nghĩa của việc mình làm trong hoạt động tư vấn kinh doanh, đào tạo kỹ năng cho doanh nhân, dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, dạy văn cho học sinh Việt Nam theo chương trình tú tài quốc tế.

Nhưng có lẽ hoàn cảnh đặc thù ở một đảo quốc bé nhỏ không có tài nguyên thiên nhiên đã khiến tôi luôn hướng về những hoạt động đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Trong bối cảnh kinh tế hậu đại dịch Covid-19 với tình hình vật giá liên tục leo thang và chi tiêu sinh hoạt ngày càng cao hơn trước, tôi chưa biết đến khi nào thì mới đạt được cái mà nhiều người Singapore mong ước là sự tự do tài chính. Do vậy, cách tốt nhất để tồn tại là có công việc được người khác trả công và để làm được điều đó thì tôi phải luôn đáp ứng yêu cầu bằng kiến thức và kỹ năng phù hợp.

Trong một khảo sát mới đây về việc làm trong tương lai của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), ông Andreas Schleicher, Giám đốc Giáo dục và Kỹ năng, đồng thời là Cố vấn đặc biệt về Chính sách Giáo dục cho Tổng thư ký OECD, nhận định: “Ngày nay, Google biết tất cả mọi thứ. Nền kinh tế tri thức trả tiền cho những gì bạn có thể làm với những gì bạn biết. Thành công không còn là tái tạo lại nội dung kiến ​​thức mà là ngoại suy từ những gì chúng ta biết và áp dụng kiến ​​thức đó vào những tình huống mới lạ”.

Thực tiễn tại Singapore từ nhiều năm qua cho thấy các nhà tuyển dụng ngày càng quan tâm hơn đến việc liệu người lao động có đủ kiến thức và kỹ năng phục vụ cho nhu cầu tổ chức hay doanh nghiệp hay không. Nhìn chung, các kỹ năng kỹ thuật được ưu tiên nhưng “kỹ ​​năng mềm” cũng không kém phần quan trọng như khả năng thích ứng, làm việc trong các nhóm đa văn hóa và giao tiếp hiệu quả. Mặc dù bằng cấp học thuật vẫn luôn quan trọng nhưng các tổ chức hay doanh nghiệp còn tham khảo thêm các chứng nhận nghề nghiệp và nhiều hình thức đánh giá kỹ năng khác khi có nhu cầu tuyển dụng nhân lực mới.

Sáu kỹ năng làm thay đổi cuộc sống vào năm 2030

Theo nhiều chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, khi thế giới thay đổi, các kỹ năng cần thiết để thành công tại nơi làm việc cũng thay đổi, do đó việc nghĩ về các kỹ năng trong tương lai sẽ mang đến cho con người cơ hội tốt nhất để theo kịp tốc độ đáng kinh ngạc của công nghệ. Đó cũng là lý do khiến Bộ Nhân lực Singapore (MOM) nhận định và đưa ra sáu kỹ năng để người dân đảo Sư tử xây dựng một sự nghiệp thành công khi tiến gần hơn đến thập kỷ tới. (Xem sơ đồ bên cạnh).

Trong đó, kỹ năng hàng đầu là sự hiểu biết về kỹ thuật số (digital literacy) sẽ giúp người lao động sẵn sàng cho những bước nhảy vọt về công nghệ trong tương lai mà không bị bỏ lại phía sau. Trí tuệ cảm xúc và xã hội đòi hỏi con người phải biết lắng nghe một cách tích cực để hiểu được mối quan tâm của người khác và đưa ra giải pháp phù hợp cho họ.

Điều đáng mừng là mặc dù trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ máy học (machine learning) sẽ là những công cụ đáng kinh ngạc trong việc tự động hóa các nhiệm vụ cụ thể trong tương lai, nhưng khả năng vượt qua khả năng sáng tạo của bộ não con người là rất ít. Do đó, nếu biết nắm lấy khía cạnh sáng tạo và sử dụng nó để nâng cao công việc, một cá nhân có thể trở thành một nguồn lực vô giá trong doanh nghiệp.

Kỹ năng đa tác vụ (multi-tasking) đòi hỏi người lao động phải ngày càng có khả năng thích ứng với nhiều dự án và tình huống xử lý công việc khác. Tư duy phản biện (critical thingking) là khả năng đặt câu hỏi xem xét lại quy trình hiện tại để cải thiện sao cho tốt hơn. Ngoài ra, người lao động cũng phải biết tự quản lý bản thân và thích nghi với cách làm việc từ xa hay ở bất cứ mọi nơi.

Ikigai: sự cân bằng giữa việc làm và hạnh phúc

Nhưng trở lại với những định nghĩa về việc làm được nêu ra trong phần đầu của bài viết này, thiển nghĩ con người chúng ta không thể có mặt trên hành tinh này chỉ với mục đích kiếm tiền hay vì lợi ích vật chất. Tôi tìm được câu trả lời cho sự cân bằng giữa việc làm và hạnh phúc qua khái niệm “Ikigai”, một thuật ngữ trong tiếng Nhật không có từ tương đương trong tiếng Anh hay bất cứ ngôn ngữ nào khác.

Trong một bài nghiên cứu về Ikigai, ông Akihiro Hasegawa, tiến sĩ tâm lý học lâm sàng và phó giáo sư tại Đại học Toyo Eiwa, khái niệm này bao gồm hai từ “Iki”, có nghĩa là cuộc sống và “Gai” xuất phát từ “Kai” (vỏ) được coi là có giá trị cao và đã xuất hiện trong tiếng Nhật từ thời Heian (năm 794-1185). Theo giải thích của nhiều chuyên gia ngôn ngữ người Nhật, Ikigai có nghĩa là “Hạnh phúc” nhưng có một sự khác biệt tinh tế bởi Ikigai cho phép con người hướng tới tương lai ngay cả khi hiện tại bạn đang đau khổ.

Để diễn giải khái niệm Ikigai, trong quyển sách mang tựa đề “The Ikigai journey: a practical guide to finding happiness and purpose the Japanese way” (tạm dịch: Hành trình Ikigai: hướng dẫn thực tế để tìm thấy hạnh phúc và mục đích sống theo cách của người Nhật), hai tác giả người Tây Ban Nha là Hector Garcia và Francesc Miralles đã dùng sơ đồ Venn với bốn thành tố đan xen với nhau là: a) Đam mê – giao thoa giữa điều bạn yêu thích và điều bạn làm tốt; b) Sứ mệnh – giao thoa giữa điều bạn yêu thích và điều thế giới cần; c) Nghề nghiệp – giao thoa giữa điều thế giới cần và việc bạn được trả công; và d) Chuyên môn – giao thoa giữa điều bạn làm tốt và điều bạn có thể được trả tiền.

Theo hai tác giả, xã hội hiện tại của con người được thiết kế để hướng hành động và suy nghĩ chủ yếu vào việc kiếm tiền, nghĩa là đầu tư năng lượng vào phần thấp nhất của sơ đồ. Tuy nhiên, nếu không lưu ý đến các thành phần khác của sơ đồ mà chỉ tập trung vào việc liên tục kiếm tiền, toàn bộ cuộc sống của chúng ta có thể trở nên vô nghĩa.

Để đạt được hạnh phúc, một cá nhân phải cảm thấy rằng mình có khả năng hợp nhất bốn thành phần nói trên để cuộc sống hòa làm một với các giá trị và mục tiêu mà bản thân đề ra.

Con người cần có kỹ năng để làm việc, kiếm sống và mưu cầu hạnh phúc cho bản thân nhưng còn một thứ kỹ năng quan trọng hơn tất cả mà tôi mới phát hiện và nhận thức rõ hơn sau khi đọc bài viết của nhà báo David Brooks đăng trên tờ New York Times với tựa đề “The essential skills for being human” (tạm dịch: Những kỹ năng thiết yếu để làm người).

Trong bài viết, tác giả cho rằng con người cần có tấm lòng rộng mở là nhân hậu và khôn ngoan nhưng như thế chưa đủ. Ông đưa ra các tình huống trong đó con người phải có các kỹ năng xã hội như xây dựng tình bạn hoặc tạo dựng một cộng đồng và cần thực hiện tốt nhiều hành vi nhỏ và cụ thể như: a) Tò mò về người khác; b) Bất đồng mà không phá vỡ mối quan hệ; c) Bộc lộ tính dễ bị tổn thương ở mức độ thích hợp; d) Biết lắng nghe và e) Biết cách cầu xin và tha thứ.

Theo David Brooks, trên hầu hết mọi nhu cầu khác, con người luôn mong muốn được người khác nhìn vào khuôn mặt mình với tình yêu thương và sự chấp nhận. Qua các trải nghiệm sống, tác giả nhận thấy rằng một số người có khả năng nhìn thấy tốt hơn nhiều so với những người khác.

Tác giả gọi những ai nhỏ mọn quá quan tâm đến bản thân, tầm thường, rập khuôn và chụp mũ người khác là “người thu nhỏ” (diminisher). Ngược lại, “người chiếu sáng” (illuminator) luôn có sự tò mò dai dẳng về người khác nhờ các kỹ năng đã được đào tạo hay đã tự rèn luyện để thấu hiểu người khác, biết cách đặt câu hỏi phù hợp vào đúng thời điểm – để có thể nhìn nhận mọi thứ, từ quan điểm của người khác.

Lê Hữu Huy

Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Đào tạo nhân lực bán dẫn và cuộc ‘chạy đua’ với...

0
(SGTT) - Việt Nam đang đặt mục tiêu đào tạo được 50.000 kỹ sư bán dẫn vào năm 2030, trong khi hiện mới có...

TPHCM sẽ dành biên chế tuyển công chức, viên chức từ...

0
(SGTT) - TPHCM sẽ điều động, luân chuyển hoặc tinh giản những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, hạn chế...

Cơ hội việc làm cho gần 30.000 người lao động dịp...

0
(SGTT) - Vừa qua, TPHCM diễn ra phiên giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến nhằm tuyển dụng lao động với nhu...

Robot giao hàng tạo làn sóng mới cho kinh tế Hàn...

0
(SGTT) - Robot giao hàng đã trở nên quen thuộc trên vỉa hè đường phố ở thủ đô Seoul và các đô thị lớn...

IMF: AI tác động đến 40% việc làm toàn cầu

0
(SGTT) - Sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh có thể tác động đến gần 40% việc làm trên thế...

Những xu hướng tại nơi làm việc

0
(SGTT) - Môi trường làm việc trên thế giới được dự báo sẽ chứng kiến nhiều thay đổi trong năm 2024, với động lực...

Kết nối