Thứ Ba, Tháng Năm 14, 2024

Được giải cứu, nhưng chưa thoát

Trung Chánh

Cách đây khoảng một tháng, khi giá heo hơi rớt xuống mức 25.000-26.000 đồng/kg, nhiều cuộc giải cứu được triển khai với hy vọng sẽ giúp người chăn nuôi vượt qua khó khăn. Thế nhưng trên thực tế, sau những cuộc giải cứu, người chăn nuôi heo vẫn chưa thoát khỏi sự bế tắc, trong khi những người chăn nuôi gà cũng đang điêu đứng vì giá rớt.

7Sau giải cứu, người chăn nuôi chưa thoát khỏi sự bế tắc. Trong ảnh là thương lái thu mua heo của người chăn nuôi. Ảnh: Trung Chánh

Lúc này, nếu ngồi vào máy tính, vào trang Google gõ từ khóa “giải cứu heo”, thì chỉ trong tích tắc người tra sẽ nhận được khoảng 767.000 kết quả với những đường dẫn (link) liên quan. Điều này phần nào cho thấy độ “nóng” của những chương trình giải cứu liên quan đến ngành chăn nuôi heo. Xét về mặt tích cực, những cuộc giải cứu này đã giúp tiêu thụ được hàng ngàn con heo tồn đọng trong dân.

Chẳng hạn như trường hợp của tỉnh Đồng Nai. Tính đến ngày 6-6 vừa qua, tức khoảng một tháng sau khi triển khai các chương trình giải cứu, đã có 85.000 con heo được tiêu thụ. Chương trình này đã giúp kéo giảm lượng heo tồn đọng của tỉnh này từ 300.000 xuống còn 215.000 con.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị vào thời điểm tỉnh Đồng Nai kêu gọi giải cứu heo, bán kích cầu tiêu dùng, tức cách nay khoảng một tháng, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi địa phương này, cho rằng một trong những lý do khiến người tiêu dùng không “ăn” nhiều thịt heo là vì giá heo hơi trên thị trường lúc bấy giờ đã giảm 60%, xuống mức chỉ còn 25.000-26.000 đồng/kg, nhưng giá thịt trên thị trường chỉ giảm 5%, tức có giá dao động trong khoảng 60.000-90.000 đồng/kg.

Điều được ông Công kỳ vọng từ các chương trình giải cứu lúc bấy giờ là: “kéo giá bán lẻ thịt heo trên thị trường xuống để người tiêu dùng mua nhiều thịt hơn, qua đó giúp người chăn nuôi thoát ra khỏi cảnh khó khăn”.

Trên thực tế, sau những đợt giải cứu, giá thịt heo trên thị trường đã giảm dần và tính đến thời điểm hiện tại, giá thịt heo trên thị trường chỉ còn 30.000-50.000 đồng/kg (tùy nơi và loại), tức đã giảm 30.000-40.000 đồng/kg so với thời điểm trước khi triển khai các chương trình giải cứu. Đây là tính hiệu tích cực, đúng như mong muốn của các chương trình giải cứu. Qua đó đã giúp người tiêu dùng tiếp cận được nguồn thịt với giá thịt rẻ hơn.

Tuy nhiên, có một điều không mong muốn đã xảy ra, đó là sau khi giá thịt heo quay đầu giảm, thì giá heo hơi trên thị trường cũng tiếp tục sụt giảm mạnh hơn. Điều này tiếp tục đẩy người chăn nuôi vào cảnh bế tắc.

Ông Nguyễn Văn Khánh, một hộ chăn nuôi heo ở xã Phú Cường, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cho biết giá heo hơi loại đẹp tại địa phương hiện chỉ còn 19.000-20.000 đồng/kg, tiếp tục giảm 6.000-7.000 đồng/kg so với mức giá cách đây một tháng. Nghĩa là, người chăn nuôi cách đây một tháng đã lỗ nay còn lỗ nặng hơn.

Giải thích lý do khiến giá heo hơi tiếp tục sụt giảm, ông Nguyễn Văn Hậu, một thương lái chuyên kinh doanh heo ở huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, cho rằng khi giá thịt bán ở chợ giảm, bắt buộc thương lái phải giảm giá mua vào từ người chăn nuôi. Ông này cho rằng đó là bài toán hiệu quả kinh doanh, không thể làm khác hơn được.   Không chỉ có heo, những người chăn nuôi gà ở tỉnh Đồng Nai cũng rơi vào cảnh khó khăn do giá sụt giảm. Cụ thể, gà lông màu hiện chỉ còn 34.000-35.000 đồng/kg, gà lông trắng là 24.000-25.000 đồng/kg, giảm 7.000-10.000 đồng/kg so với mức giá hồi cuối tháng 4-2017.

Không chỉ ngành chăn nuôi heo và gà, trước đó hàng loạt mặt hàng nông sản khác được nhiều địa phương lẫn các bộ, ngành lên tiếng kêu gọi giải cứu như chương trình giải cứu thanh long ở tỉnh Bình Thuận, dưa hấu ở miền Trung, giải cứu chuối ở Đồng Nai rồi đến các cuộc giải cứu vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang hay hành tím ở tỉnh Sóc Trăng…

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, trong một bài viết gần đây cho rằng, quy luật ngàn đời của kinh tế thị trường là quy luật cung-cầu và quy luật giá trị chi phối từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ trên thương trường.

Theo ông, cuộc vận động “người Việt dùng hàng Việt” là cần thiết, nhưng không thể cứ kêu gọi mãi việc “giải cứu” nông sản. Một xã hội cứ chạy theo việc “giải cứu” thì còn thời gian và năng lượng nào để phát triển? Nền kinh tế không thể vận hành trên cơ sở lòng hảo tâm phi thị trường! Không giải quyết vấn đề gốc rễ này, thì việc “giải cứu” chỉ là “vuốt ở phần ngọn” mà thôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Xử lý lừa đảo trực tuyến vẫn khó khăn, hiệu quả...

0
(SGTT) -  Quy trình xử lý các vụ việc lừa đảo còn khó khăn, nhất là phối hợp với các tổ chức tín dụng,...

Ngành đường sắt tăng chuyến, giảm giá vé tàu dịp hè

0
(SGTT) - Ngành đường sắt tổ chức chạy thêm tàu giữa Hà Nội – TPHCM, đồng thời, áp dụng nhiều chính sách về khuyến...

Người đi ‘góp’ màu xanh cho đời

0
(SGTT) - Hơn 50.000 người đang được dùng nước sạch, hơn 136.000 cây trồng được phủ xanh thêm cho những cánh rừng và còn...

17 hoạt động nổi bật tại Lễ hội Sông nước TPHCM...

0
(SGTT) - Lễ hội Sông nước TPHCM lần thứ 2 sẽ diễn ra từ ngày 31-5 đến ngày 9-6-2024 với khoảng 17 hoạt động...

Mùa mưa sắp đến, những lưu ý khi bảo dưỡng ô...

0
(SGTT) - Thời gian gần đây, nhiều trung tâm bảo dưỡng ô tô bắt đầu tiếp nhận nhiều xe đến để bảo dưỡng các...

Cách chăm sóc bàn tay khô và nứt nẻ tại nhà

0
(SGTT) - Tình trạng sức khỏe, thời tiết, thói quen sinh hoạt... là những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng da tay...

Kết nối