Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Yên Tử, hành trình từ Tây sang Đông

HẢI DƯƠNG –

Quần thể di tích và thắng cảnh Yên Tử trải dài trên một vùng đất rộng lớn thuộc bốn huyện (Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động) của tỉnh Bắc Giang và hai huyện, thành phố (Đông Triều, Uông Bí) của tỉnh Quảng Ninh. Chúng tôi đã thực hiện nhiều cuộc hành trình dài ngày về những vùng đất đã in đậm dấu ấn của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, cùng vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ mà thiên nhiên đã ban tặng.

KỲ 2:   

MÊNH MÔ NG HỒ CẤM

Nằm giữa vùng vải thiều lớn nhất Việt Nam, Cấm Sơn, Lục Ngạn như một bức tranh hồ trên núi tuyệt đẹp. Chúng tôi có được những trải nghiệm lý thú khi ngồi thuyền lênh đênh trên hồ, lang thang vào những thôn bản nhỏ Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chỉ…

Những chiếc thuyền đôi của ngư dân đi thả lưới đánh cá.
Những chiếc thuyền đôi của ngư dân đi thả lưới đánh cá.

Trước khi xuống bến thuyền tại xã Sơn Hải, Lục Ngạn, chúng tôi được bí thư xã là ông Đăng cho những chỉ dẫn ban đầu. Ông giới thiệu như một hướng dẫn viên du lịch: “Hồ Cấm Sơn có diện tích rộng lớn, với các hòn đảo hoang sơ. Xung quanh hồ và trên một số đảo tập trung nhiều dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời như Tày, Nùng, Sán Chỉ, Cao Lan… có nét văn hóa phong phú. Nơi đây có thể phát triển du lịch nhưng vẫn chưa được khai thác đầu tư nên mới ở dạng tiềm năng”.

Tạm biệt ông bí thư xã, chúng tôi xuống thuyền vãn cảnh trên hồ. Ở đây du lịch chưa phát triển nên mọi người quyết định vào nhà dân để hỏi thuê thuyền. Những chiếc thuyền chạy máy vốn là phương tiện đi đánh cá của dân bản địa. Anh Long, chủ thuyền chúng tôi thuê, mời mọi người lên thuyền bắt đầu khám phá lòng hồ.

Hồ Cấm Sơn thật rộng lớn, với diện tích trên 3.000 ha. Thuyền đi ra giữa hồ, nước trong xanh vời vợi. Trong buổi sáng, mặt hồ như một chiếc gương khổng lồ phản chiếu bức tranh núi rừng thơ mộng. Những hòn đảo nhỏ không có dân sinh sống, chỉ thấp thoáng những bụi cây ẩn hiện xa xa. Anh Long vừa lái thuyền vừa kiêm nhiệm vụ hướng dẫn viên bất đắc dĩ. Anh kể ở vùng này các dân tộc Nùng, Tày, Cao Lan có nhiều sự tích gắn với các địa danh như núi Ba Hòn, suối Cấm, suối Mọc, suối Vảy Rồng, đảo Lăn Lóc… Theo anh Long, những nhóm khách thuê thuyền như chúng tôi khá hiếm hoi. Thường nơi này chỉ có khách du lịch bụi, dân phượt hoặc những sinh viên tình nguyện lên đây giúp bà con, trẻ nhỏ.

Trường học và những ruộng bậc thang bên hồ làm cho cảnh sắc đẹp như một bức tranh.
Trường học và những ruộng bậc thang bên hồ làm cho cảnh sắc đẹp như một bức tranh.

Thuyền chúng tôi lướt qua những chiếc thuyền nhỏ chở hai người, có thể là vợ-chồng, anh-em, bố-con, đứng trên mặt hồ thả lưới đánh cá. Cứ một người cầm mái chèo còn người kia thả lưới… Ngày nào trên hồ Cấm Sơn cũng có hàng trăm ngư dân ở các xã vùng ven đi đánh cá mưu sinh như thế. Ông Hà Văn Ngân, một người đánh cá lâu năm ở hồ này, ghé gần thuyền chúng tôi trò chuyện: “Ngày nào chú cũng ra hồ đánh cá. Ở hồ này đánh được con cá chép 3-4 kg là chuyện bình thường”. Nói là vậy nhưng ông Ngân cũng cho biết đang lo trước việc nguồn thủy sản ngày một cạn kiệt.

Sau một buổi sáng lênh đênh sông nước, chúng tôi nhờ anh Long ghé thuyền cập vào một số thôn bản ven hồ. Thôn Đồng Mậm thuộc nơi khó khăn nhất ở đây là điểm cả nhóm chọn để dừng chân.

Đồng Mậm là một thôn, hay nói đúng hơn là một đảo nhỏ nằm tách biệt. Đến Đồng Mậm chỉ có cách duy nhất là đi thuyền từ trung tâm xã ra. Trên đảo, các hộ dân hầu như chỉ trồng trọt được một vụ trên những thửa ruộng bậc thang thoai thoải. Còn lại khi mùa mưa tới, nước hồ Cấm Sơn dâng sẽ ngập toàn bộ đồng ruộng của bà con. Tuy cuộc sống ở nơi chưa có điện, có đường nhưng người dân Đồng Mậm khá hiếu khách.

Có rất ít hộ gia đình ở đây xây được nhà gạch chứ chưa nói gì đến nhà tầng. Người dân vẫn chung thủy với nhà trình tường, một loại nhà đặc trưng của người dân tộc thiểu số vùng cao. Nhà trình tường làm bằng đất, mái lợp ngói thấp lè tè, nhưng bà con cho biết nó rất mát vào mùa hè, ấm cúng khi trời lạnh và cũng bền theo thời gian. Tình cờ khi chúng tôi đến đây, có một hộ dân đang làm nhà trình tường, và chúng tôi có dịp xem những công đoạn như trộn, nhào đất, cho đất vào khuôn để làm thành từng bức tường… Cũng có nhiều căn nhà trình tường lâu năm đã bị bỏ hoang khi người dân xây được nhà gạch mới.

Rất thích thú với cuộc sống cùng cảnh vật vùng lòng hồ Cấm Sơn nên chúng tôi đã quyết định ngủ lại qua đêm ở đây. Buổi tối chúng tôi được người thầy giáo dạy trẻ nhỏ trong bản đãi món cá chép đánh bắt ở hồ Cấm Sơn. Cá chép ở hồ này có con nặng 4-5 kg, được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, nhưng ấn tượng và ngon miệng nhất với chúng tôi là đĩa trứng cá chép rán.

Buổi tối ở thôn nghèo chỉ có ánh điện le lói từ một số nhà có bình ắc quy. Nhưng không khí rất vui. Mọi người tập trung lại nhà ông bí thư chi bộ để xem phim miễn phí. Chúng tôi, những du khách từ xa đến, còn được mấy cô gái Nùng trong bản hát tặng những câu hát soong hao, cùng nụ cười tình tứ…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM có đủ các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng...

0
(SGTT) - Theo Sở Y tế TPHCM, các cơ sở thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn đã có đủ...

Lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp có hướng dẫn phát triển...

0
(SGTT) - Lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tài liệu tập huấn phát triển mô hình du...

Yêu cầu bàn giao 8 dự án cao tốc Bắc –...

0
(SGTT) - Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án hoàn thiện các thủ tục liên quan để sớm bàn...

Nha Trang sẽ bắn pháo hoa ba đêm cuối tuần đến...

0
Bắt đầu từ ngày 3-5, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà sẽ bắn pháo hoa tầm thấp vào 3 đêm cuối tuần tại...

Trưa nay ăn gì: Bữa trưa thơm lừng cùng diềm bò...

0
(SGTT) – Trong nhiều phong cách ẩm thực nướng, các món nướng của người Hàn Quốc luôn có những "tín đồ" riêng bởi sự...

Dừng nghỉ, đổ xăng ở đâu trên suốt tuyến cao tốc...

0
(SGTT) - Trên dữ liệu ghi nhận thực tế, Sài Gòn Tiếp Thị tóm lược các vị trí trạm dừng tạm, cây xăng và...

Kết nối