Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024

Những ngôi sao một thời chưa bỏ cuộc chơi

NGUYỄN HUY –

Liveshow chủ đề “55 năm – niềm đam mê chưa cạn” của nghệ sĩ Chí Tâm diễn ra tại Nhà hát Bến Thành vào tối 31-7 thu hút khá đông đảo khán giả. Trước đó ít lâu, liveshow “Duyên lắm người ơi!” của NSND Ngọc Giàu cháy vé. Thành công về mặt doanh thu của hai chương trình này cho thấy sức hút vẫn còn khá mạnh của các ngôi sao từng lừng lẫy một thời. Điều này vui ít, buồn nhiều, vì nó cho thấy khoảng trống tài năng sân khấu cải lương còn quá lớn.

Thất thập cổ lai hy vẫn chưa được nghỉ ngơi

Hoàn cảnh khách quan đã khiến cho sự tồn tại của sân khấu cải lương biến đổi sang một tình trạng khác. Thay vì hàng tuần các sân khấu sáng đèn phục vụ như nó vốn thế, thì show diễn tại rạp chỉ còn có thể đếm trên đầu ngón tay, và không định kỳ. Thỉnh thoảng Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang giới thiệu một tuồng mới, và diễn vài suất thì xếp kho vì không bán được vé. Nhóm nghệ sĩ Vũ Luân lâu lâu diễn tại sân khấu công viên Lê Thị Riêng rồi ngưng, âm thầm chuẩn bị cho kế hoạch mới.

Dù đã 70 tuổi nhưng NSND Ngọc Giàu vẫn còn được khán giả hâm mộ một cách đặc biệt.
Dù đã 70 tuổi nhưng NSND Ngọc Giàu vẫn còn được khán giả hâm mộ một cách đặc biệt.

Sân khấu của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang được xây dựng mới nhưng vẫn tiếp tục im hơi lặng tiếng. Ngay tại “thánh đường cải lương” – mảnh đất Sài Gòn, cải lương không còn sân khấu đúng nghĩa. Ngược lại, các nghệ sĩ vẫn chạy show hát tiệc đám cưới, sinh nhật, chương trình tổng hợp, cúng đình… Điều đáng quan tâm là trong số những nghệ sĩ đắt show nhất là những cái tên cây đa cây đề lẽ ra phải nghỉ hưu từ lâu như NSND Lệ Thủy, NSND Ngọc Giàu, NSƯT Út Bạch Lan, quái kiệt Hồng Nga, NSƯT Minh Vương, nghệ sĩ Thanh Tuấn, NSƯT Giang Châu.

“Gia đình tôi không túng thiếu đến mức phải tiếp tục làm việc ở độ tuổi 70 như bây giờ. Dù yêu nghề và tôn kính tổ nghiệp nhưng có lúc cũng cảm thấy mệt mỏi muốn nghỉ ngơi. Thế nhưng, khán giả còn thương còn mời thì vẫn cứ hát”, NSND Lệ Thủy tâm sự. Ở một góc độ khác, có nghệ sĩ trưởng bối buộc phải bám nghề vì nghề hát là lối mưu sinh duy nhất. Nhưng sở dĩ họ vẫn còn có cơ hội để hát là vì người nghe vẫn còn muốn được nghe và xem họ trình diễn, thay vì chọn lớp trẻ.

NSƯT Giang Châu cho biết: “Bây giờ mà tôi không đi hát thì không biết làm gì ra tiền. Già mà còn được mời hát là điều hạnh phúc nhưng nghĩ lại thấy giật mình. Vì rằng nếu lực lượng trẻ đủ giỏi thì có lẽ cơ hội đã không còn tìm đến thế hệ già như chúng tôi”.

Tre già nhưng măng chưa mọc

Một trong những tiêu chí đánh giá ngôi sao cải lương ngày xưa, tức lớp nghệ sĩ nổi tiếng từ thập niên 1950 đến 1970 vẫn còn được xem là thế hệ vàng chưa thể thay thế, được thấy qua lượng khán giả xem liveshow của họ. Trong khi các vở của thế hệ nghệ sĩ mới vốn ít ỏi lại không bán được vé, thì liveshow của NSND Lệ Thủy, NSƯT Minh Vương, NSND Ngọc Giàu, nghệ sĩ Hồng Nga, nghệ sĩ Chí Tâm, nghệ sĩ Phượng Liên hay các vở diễn tái dựng thu hút dàn sao cũ như Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa… luôn đầy ắp người xem.

Nghệ sĩ Chí Tâm thành công đặc biệt trong liveshow đầu tiên ở tuổi 64.
Nghệ sĩ Chí Tâm thành công đặc biệt trong liveshow đầu tiên ở tuổi 64.

Giá vé của các chương trình này luôn đắt gấp 10 lần so với các show của nghệ sĩ trẻ, nhưng khán giả vẫn mua vé vào xem. Theo những người am hiểu cải lương, có nhiều lý do cho sự nghịch lý này. Thứ nhất, ngôi sao ngày xưa đều hát hay diễn giỏi nhưng mỗi người một nét riêng không bị trùng lắp. Thứ hai, dù họ đã lớn tuổi nhan sắc sa sút, nhưng tiếng hát vẫn còn quyến rũ lòng người. Thứ ba, tuồng tích và bài hát ngày xưa quá hay nên đã ăn sâu vào tâm trí khán giả thành một thứ giá trị bền vững.

Trong khi đó, tuồng tích và các bài hát hiện đại thì quá khô khan và kém hấp dẫn. Đa phần nghệ sĩ cải lương trẻ thiếu cá tính riêng và giọng hát cũng không đủ hay để khán giả có thể quên đi những hình ảnh ngôi sao cũ. Ngay cả những ngôi sao thế hệ trẻ có được nhiều người yêu thích như NSƯT Vũ Linh, NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Trọng Phúc, Vũ Luân, NSƯT Thoại Mỹ, Tú Sương, Thanh Ngân thì tài năng của họ vẫn chưa đủ che khuất tài năng thế hệ tiền bối.

Kết quả là khán giả cứ mãi hoài niệm và tiếc nuối thời huy hoàng của cải lương. Nếu không có dịp xem trực tiếp trên sân khấu, họ sẽ lục tìm các tuồng tích cũ đang được phát hành rộng rãi trên Internet hoặc nhiều nguồn khác nhau. Nhiều người bi quan cho rằng tài năng cải lương hiện tại như lá mùa thu, quá ít ỏi và thưa vắng. Tre đã già rồi nhưng măng vẫn chưa kịp cứng cáp để thay thế.

Vậy thì đến thời điểm thế hệ vàng đã về với cát bụi, cải lương sẽ trôi về đâu?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Hà Nội: Gần 80 gian hàng tham gia Lễ hội Ẩm...

0
Sau ba mùa thành công trước đó, Lễ hội Ẩm thực Pháp "Balade en France" sẽ trở lại với quy mô lớn gấp đôi...

Công thức hai món ăn ‘hot trend’: Milo nấm và bánh...

0
(SGTT) - Sau nhiều trào lưu ẩm thực, hai món ăn milo nấm và bánh mì phô mai tan chảy hiện đang là trào...

‘Mùa cỏ cháy’ trên cung đường trekking Tà Năng – Phan...

0
(SGTT) - Tà Năng - Phan Dũng được xem là một trong những cung đường trekking bậc đẹp nhất Việt Nam. Với thảm thực...

Trưa nay ăn gì: Thưởng thức bánh canh khô, món ăn...

0
(SGTT) – Trong văn hóa ẩm thực vùng miền, bánh canh khô là món ăn đặc trưng của người dân xứ Huế. Khi nấu...

Buýt vi vu: Khám phá những mảng xanh ở TPHCM cùng...

0
(SGTT) - Trên hành trình vi vu từ quận 1 đến bến xe An Sương (huyện Hóc Môn) cùng xe buýt số 65, du...

Đề xuất bổ sung nhóm người tham gia bảo hiểm thất...

0
(SGTT) -  Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất mở rộng nhóm người và linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất...

Kết nối