Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024

Tiềm năng thị trường kho lạnh

NHẬT LINH –

Sau thành công trong kinh doanh Kho lạnh SATRA (đặt tại Trung tâm Thương mại Bình Điền) mới đây, Tổng công ty thương mại Sài Gòn – TNHH Một Thành viên (SATRA) tiếp tục đầu tư xây dựng thêm kho lạnh có quy mô 6.000 m² tại quận 8, TPHCM. Việc mở rộng kho lạnh này còn nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng lớn của khách hàng trong lĩnh vực này.

Vượt sự mong đợi

Gặp ông Ngô Thanh Điền Sơn, Giám đốc kho lạnh Satra, vào một buổi sáng cuối tuần tại văn phòng của kho lạnh ở khu thương mại Bình Điền, tọa lạc trên đường Nguyễn Văn Linh, quận 8, TPHCM. Trong khoảng sân rộng của kho lạnh, 10 chiếc xe đang xếp hàng chờ tới lượt đưa hàng vào kho lạnh, 19 cửa nhận hàng tấp nập xe chuyển hàng ra – vào.

10 Ảnh: M.K

Chỉ tay về phía những chiếc xe, ông Sơn cho biết, từ đầu năm đến nay, tình trạng các xe phải xếp hàng, chờ đợi như thế diễn ra thường xuyên. “Hệ thống kho lạnh của chúng tôi luôn chạy hết công suất, và hiện đang quá tải trước nhu cầu của thị trường”, ông Sơn nói.

Ông Sơn cho biết, mức lãi ròng 800 triệu đồng/tháng quả là một thành công ngoài mong đợi của Satra, song ông khẳng định thành công ấy không phải “từ trên trời rơi xuống” mà là nhờ tầm nhìn và chiến lược đầu tư đón đầu của ban lãnh đạo tổng công ty. Bên cạnh chuỗi siêu thị bán lẻ, việc đầu tư xây dựng hệ thống kho lạnh nằm trong kế hoạch phát triển dịch vụ hậu cần (logistics) của tổng công ty.

Vào thời điểm Satra đưa vào hoạt động kho lạnh (tháng 12-2013), số lượng các công ty khai thác lĩnh vực này tại TPHCM mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thế nhưng, nhu cầu thị trường tăng nhanh khiến nhiều người bất ngờ. “Chúng tôi xác định sẽ mất 3 năm để thu hồi vốn. Thế nhưng chỉ sau bốn tháng đi vào hoạt động, kho lạnh đã được lấp đầy và sau sáu tháng, kho lạnh đã bắt đầu có lãi”, ông Sơn cho biết.

Theo ông Sơn, hệ thống kho lạnh giữ vai trò quan trọng không chỉ đối với Satra mà còn đối với nhiều doanh nghiệp khác. Đây là nơi dự trữ, tập kết hàng hóa, giúp doanh nghiệp chủ động trong quá trình luân chuyển hàng hóa, nhờ đó hạn chế tình trạng khan hiếm hàng hóa, cũng như tránh cho việc hàng hóa bị hư hỏng.

Nắm bắt nhu cầu

Ông Sơn cho biết 30% khách hàng của kho lạnh Satra là tiểu thương tại trung tâm thương mại (hay còn gọi chợ) Bình Điền. Sự hình thành của kho lạnh đã giúp công sức và chi phí của tiểu thương tại chợ giảm đi khá nhiều. Các tiểu thương không còn phải lo không có chỗ trữ lạnh hàng hóa, bởi kho lạnh này có thể trữ từ vài chục đến cả trăm thùng hàng. Kho hoạt động 24/24 nên các tiểu thương an tâm với việc bảo quản hàng hóa của mình.

“Kho lạnh đi vào hoạt động đã mang lại lợi ích thiết thực cho hàng ngàn tiểu thương tại chợ Bình Điền”, ông Sơn cho biết. Chi phí cho mỗi chuyến xe để tiểu thương đi gửi hàng ở các kho lạnh xung quanh, trung bình khoảng 200.000 đồng. Có kho lạnh tại chợ, các tiểu thương không mất chi phí này, lại thuận tiện luân chuyển hàng hóa, qua đó đảm bảo chất lượng hang hóa. Ông Sơn cho biết, trung bình mỗi đêm, chỉ tính riêng mặt hàng thủy sản, khối lượng giao dịch của thương nhân chợ Bình Điền tại kho lạnh lên đến 200 tấn, chưa kể các sản phẩm nhập khẩu khác như thịt bò, thịt gà, táo, lê, nho…

Bên cạnh các tiểu thương ở chợ, kho lạnh Satra còn là điểm trữ hàng cho các đối tác, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng, phân phối gửi hàng hóa. Một phần là nhờ vị trí thuận lợi, nằm ở cửa ngõ phía Nam của TPHCM, trên trục đường Nguyễn Văn Linh – điểm giữa của cung đường vận chuyển từ các tỉnh miền Đông Nam bộ đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Sơn cho biết trong số các công ty lớn chọn kho lạnh Satra là địa điểm lưu trữ hàng hóa có Công ty cổ phần Tập đoàn thủy hải sản Minh Phú, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty Trần Hưng… Đây là những công ty chuyên xuất khẩu hàng hóa vào thị trường khó tính như EU, Nhật, Mỹ.

“Khoảng 30% công suất hoạt động của kho lạnh dành cho tiểu thương tại chợ Bình Điền, 70% công suất là của các công ty kể trên. Để đáp ứng được nhu cầu trữ đông thực phẩm xuất khẩu của các công ty này không phải là điều đơn giản, bởi chất lượng sản phẩm là yếu tố hàng đầu khi hàng vào các thị trường lớn, khó tính”, ông Sơn nói.

Ông Sơn cho biết hiện tại kho lạnh đã luôn ở trong tình trạng quá tải. Sắp tới đây, trong bối cảnh Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), hàng hóa nước ngoài sẽ được nhập khẩu vào Việt Nam nhiều hơn, và ngược lại hàng hóa trong nước cũng sẽ có cơ hội xuất khẩu ra các nước thì tình trạng quá tải còn ở mức cao hơn gấp nhiều lần. Do vậy, đầu tư thêm một kho lạnh chắc chắn là việc phải làm. Theo kế hoạch, trong năm 2016, Satra sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện kho lạnh mới quy mô 6.000 m².

[box type=”download”] Satra đã đầu tư khoảng 250 tỉ đồng để xây dựng hệ thống kho lạnh tại khu thương mại Bình Điền nằm trên đường Nguyễn Văn Linh, quận 8, TPHCM. Kho lạnh có sức chứa hơn 22.000 pallet (kệ hàng), với năm phòng lạnh được cài đặt nhiệt độ phù hợp cho việc lưu trữ, bảo quản nhiều chủng loại hàng hóa, từ thủy sản đến thực phẩm, rau quả. Việc giao nhận hàng ở kho lạnh thuận tiện và an toàn nhờ có kho đệm rộng 1.700 m² với 19 cửa xuất nhập hàng được trang bị hệ thống bàn nâng hạ thủy lực và túi đệm khí hoạt động liên tục 24/24. Hàng hóa xuất nhập kho được kiểm soát bằng mã vạch, với phần mềm quản lý kho chuyên nghiệp cập nhật số liệu hàng hóa theo thời gian thực. Phần mềm sẽ giúp thao tác xuất nhập hàng nhanh chóng, đảm bảo tính chính xác và an toàn. Nhiệt độ các phòng chứa được cài đặt và kiểm soát tự động qua máy tính phù hợp với nhiều chủng loại hàng hóa. Kho lạnh được trang bị công nghệ chống cháy, cách nhiệt giúp hàng hóa lưu trữ an toàn. Đồng thời kho lạnh này cũng đã được kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm để lưu trữ hàng đông lạnh. Bên cạnh đó, kho lạnh này còn có các khu phụ trợ, cung cấp thêm các dịch vụ cho khách hàng như phòng kiểm hàng, phòng bao bì đóng gói, văn phòng cơ quan thú y, phòng nghỉ cho khách hàng và tài xế.[/box]

Ông Sơn cho biết thêm, ở thời điểm hiện tại, trong lúc chờ đợi sự chấp thuận của các cấp có thẩm quyền, ban giám đốc kho lạnh Satra đang gấp rút hoàn thành phân xưởng sơ chế rộng 700 m² ngay bên hông kho lạnh. Dự án này có tổng vốn đầu tư 21 tỉ đồng, công suất tối đa đạt 20 tấn/ngày. Phân xưởng có hệ thống máy làm đá vảy để ướp hải sản. Hàng hóa của thương nhân bán không hết sẽ được đưa vào xưởng sơ chế, đóng gói trước khi gửi vào kho lạnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Mẹo chế biến thực phẩm ngon hơn bằng nước lạnh

0
Để làm chín thực phẩm, mọi người thường chọn lựa hình thức nấu sôi nước rồi thả thực phẩm vào nấu chín. Tuy nhiên,...

Sản xuất bền vững – ‘visa’ để gia nhập thị trường...

0
(SGTT) - Một trong những thách thức của ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) là sức ép cạnh tranh và khả năng chuyển...

Vượt qua rào cản, mở rộng thị trường F&B: lời sẻ...

0
(SGTT) - Vào ngày 11-1-2024, Diễn đàn CEO “Phá vỡ rào cản và mở rộng thị trường ngành F&B” sẽ được tổ chức tại TPHCM....

Kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 600 tỉ đô la,...

0
(SGTT) - Tính chung 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 322 tỉ đô la, giảm 5,9% so...

Mỹ lần đầu tiên cho phép bán thịt nuôi cấy trong...

0
Hôm 21-6, hai công ty khởi nghiệp (startup) Upside Foods và Good Meat xác nhận là đã được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cấp...

Nestlé hợp tác cùng Warner Bros tạo sân chơi cho trẻ...

0
(SGTT) - Nhằm tăng cường kết nối và tạo sân chơi cho trẻ trong mùa Hè này, nhãn hàng bánh ngũ cốc ăn sáng...

Kết nối