Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Doanh nghiệp thờ ơ với quảng cáo xe buýt

LÊ ANH –

Chính quyền TPHCM cuối cùng cũng đã quyết định cho phép thí điểm quảng cáo trên xe buýt. Thế nhưng, một số doanh nghiệp khi được hỏi, thay vì hồ hởi, lại tỏ ra thờ ơ với loại hình quảng cáo này, một phần là do đã cảm thấy nản lòng sau gần chục năm chờ đợi.

Không mặn mà với thí điểm

Đem thông tin thành phố chấp thuận cho quảng cáo trên xe buýt đến trao đổi với các doanh nghiệp quảng cáo, một số người lại không mấy quan tâm đến kênh quảng cáo mà một thời gian dài họ đề nghị và chờ đợi. Ông Đỗ Kim Dũng, Giám đốc Công ty TNHH quảng cáo An Tiêm, thẳng thắn cho biết, việc quảng cáo trên xe buýt tại TPHCM đã được nói đến quá nhiều, đã lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần mà chưa thực hiện.

7aViệc quảng cáo sẽ được thí điểm trên 10 tuyến xe buýt trong một năm, và dự kiến sẽ thu về 9,8 tỉ đồng. Ảnh: Anh Quân

“Giờ nghe đến quảng cáo trên xe buýt tại TPHCM là doanh nghiệp vô cảm”, ông Dũng cho biết. Theo ông, đây chỉ là 1 trong 45 phương tiện để quảng cáo, không có quảng cáo trên xe buýt doanh nghiệp cũng không “chết”.

Ông Đặng Văn Sơn, Tổng giám đốc Công ty TNHH quảng cáo Phước Sơn, cũng cùng nhận định, cho rằng dường như doanh nghiệp đã không còn để ý đến việc quảng cáo trên xe buýt tại TPHCM nữa. Theo ông, đã nhắc đến quá lâu rồi mà chưa thực hiện được, bây giờ lại mang ra thí điểm thì khó có thể thu hút doanh nghiệp tham gia.

Qua ghi nhận của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, một số doanh nghiệp quảng cáo khác cũng không mấy mặn mà với việc thí điểm, cho rằng những điều kiện đặt ra chưa phù hợp. Cụ thể, như thời hạn cho thuê quảng cáo tối đa là một năm, hay diện tích quảng cáo, sản phẩm quảng cáo không được vượt quá 50% diện tích mỗi bề mặt của thân xe buýt.

Một số điều kiện khác cũng được coi là quá chặt chẽ. Chẳng hạn như yêu cầu các màu sắc chủ đạo (màu nền) không trùng lắp với các hệ thống biển báo giao thông và hạn chế màu đỏ. Chính những ràng buộc được cho là khó đáp ứng này đã khiến doanh nghiệp quảng cáo nản lòng. 7bMất thời cơ

Tại hội thảo giao thông TPHCM 40 năm nhìn lại và hướng đến tương lai diễn ra ngày 28-10, ông Lê Trung Tính, nguyên giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, tiếp tục nhắc lại tình hình quảng cáo trên xe buýt.

Theo ông Tính, đến bây giờ TPHCM mới cho quảng cáo trên xe buýt là quá muộn và đã mất thời cơ. Trước đây, đề án mà ông làm từ năm 2008 dự kiến thu khoảng trên 100 tỉ đồng mỗi năm từ quảng cáo. Nay khởi động lại nhưng thời cơ không còn tốt thì không biết con số này có đạt được không.

Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị về tiến độ của đề án trên, ông Phạm Đình Đức, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ thuộc Sở GTVT TPHCM, cho biết sau khi đề án thí điểm được phê duyệt Sở GTVT sẽ làm việc với Sở Tài chính để thuê đơn vị tư vấn nghiên cứu, đề xuất mức giá cho thuê quảng cáo trên xe buýt đối với từng nhóm xe.

Sau đó, Sở Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với Sở GTVT xét duyệt, xác định giá sàn để tổ chức đấu giá, nếu có nhiều doanh nghiệp tham gia. Thời gian thực hiện các thủ tục và đấu thầu, nếu có, sẽ mất khoảng 3-4 tháng, sau đó đề án sẽ bắt đầu được thực hiện. Nguồn thu từ quảng cáo trên thân xe buýt sau khi trừ các chi phí quảng cáo (tư vấnthẩm định giá, tư vấn đấu giá) sẽ được nộp vào ngân sách thành phố.

[box] Ngày 21-10, chính quyền thành phố đã chính thức phê duyệt đề án thí điểm quảng cáo trên xe buýt tại TPHCM. Theo đó, việc thí điểm quảng cáo sẽ được thực hiện trên 10 tuyến xe buýt có trợ giá. Việc cho phép quảng cáo bên ngoài xe buýt là nhằm tăng nguồn thu, giảm kinh phí trợ giá xe buýt từ ngân sách thành phố, đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá các sản phẩm chất lượng cao được sản xuất trong nước. Theo đề án thí điểm được Sở GTVT TPHCM xây dựng, việc thí điểm quảng cáo ở 10 tuyến xe buýt dự kiến sẽ thu về 9,8 tỉ đồng trong thời gian thí điểm. Trong ba năm trở lại đây, mỗi năm ngân sách thành phố phải chi khoảng 1.500 tỉ đồng cho trợ giá của xe buýt. Điều đáng nói là số tiền trợ giá lại tăng tỷ lệ nghịch với số hành khách đi xe buýt. Năm 2014, số người đi xe buýt của thành phố đạt 593 triệu lượt, giảm 4,7% so với năm 2013. Trong sáu tháng đầu năm 2015, lượng hành khách đi xe buýt chỉ đạt gần 271 triệu lượt, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2014.[/box]

Kế hoạch là vậy, song những người trong ngành cho rằng với sự triển khai chậm trễ lại còn mang tính chất thí điểm khiến nhiều doanh nghiệp quảng cáo đang lạnh nhạt với đề án. Các ý kiến này cũng cho rằng sẽ rất khó thấy lại cảnh doanh nghiệp xếp hàng chờ được quảng cáo trên xe buýt như trước đây.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Quảng cáo di động, ưu thế giá thấp

0
LÊ ANH - Một năm trở lại đây, quảng cáo trên các phương tiện giao thông xuất hiện ngày càng nhiều. Chi phí thấp, độ...

Quảng cáo trên xe buýt: Có gì mà khó!

0
Lê Anh Trong khi các sản phẩm quảng cáo đang xuất hiện ngày càng nhiều trên xe taxi thì việc quảng cáo trên xe buýt...

Kết nối