Thứ Tư, Tháng Năm 15, 2024

Thoái hóa cột sống dần phổ biến ở người trẻ

An Minh –

Hiện nay, môi trường làm việc trên máy vi tính ngày càng phổ biến, dẫn đến tình trạng giới văn phòng ngồi nhiều, ngồi lâu với một tư thế, lười vận động…. Hậu quả là, ngày càng nhiều người trẻ mắc bệnh thoái hóa đốt sống, khiến chất lượng cuộc sống suy giảm.

Muôn vẻ thoái hóa cột sống

Anh Ng. Đ. T (33 tuổi) đang làm việc văn phòng tại TPHCM. Gần đây, anh T. có biểu hiện đau nhức, mỏi đốt sống cổ, đau thắt lưng, và đau nhức ống cổ tay. Tình trạng đau kéo dài khiến chất lượng cuộc sống của anh bị giảm sút, hiệu quả công việc không cao.

Đi khám bệnh tại Bệnh viện Đại học Y dược và Bệnh viện Y dược học cổ truyền TPHCM, bác sĩ cho biết anh T. có biểu hiện thoái hóa đốt sống cổ và đốt sống thắt lưng. Anh T. cũng có triệu chứng nhức mỏi ống cổ tay do bị khô khớp và ngồi làm việc quá lâu trong một tư thế. Do đó, anh được chỉ định điều trị ngoại trú, uống thuốc kết hợp với tập luyện dưỡng sinh, xoa bóp bấm huyệt, và châm cứu.

ảnh-bài-thoái-hóa-đốt-sống

Theo các bác sĩ chuyên về chấn thương chỉnh hình, nguyên nhân chính gây thoái hóa cột sống ở người trẻ tuổi là do sự chủ quan, coi thường sức khỏe, coi thường bệnh tật. Nhiều người nghĩ tuổi còn trẻ nên không quan tâm cũng như chăm sóc sức khỏe, từ đó họ không chỉ mắc căn bệnh này mà còn nhiều các căn bệnh khác.

Ngoài ra, yếu tố nghề nghiệp, đặc thù công việc cũng là nguyên nhân gây ra bệnh. Đời sống công nghệ ngày càng tiên tiến, mỗi ngày nhân viên văn phòng, công chức ngồi từ 8-10 tiếng trước bàn làm việc, trước màn hình máy tính, ít vận động.

Hiện nay, nhiều người sử dụng điện thoại thông minh, thiết bị thông minh với thời gian kéo dài, nên ngồi theo một tư thế quá lâu. Đây cũng là nguyên nhân gây thoái hóa cột sống, đau lưng, thoát vị đĩa đệm hay các bệnh tim mạch khác.

Việc ngồi trước bàn vi tính quá lâu, gõ máy tính liên tục, không tập luyện thể thao, không nghỉ ngơi, khiến khớp xương và đĩa đệm dễ bị khô dịch khớp và dễ bị bào mòn, dẫn đến tình trạng thoái hóa khi đang còn trẻ tuổi. Từ sau 30 tuổi là lúc cơ thể bắt đầu có những dấu hiệu lão hóa tự nhiên ở xương khớp, nên hiện nay giới trẻ bị thoái hóa khớp ngày càng nhiều.

Bệnh ngày càng trẻ hóa

Thạc sĩ-bác sĩ Nguyễn Thành Nhân, đang công tác tại Khoa Chấn thương chỉnh thuộc Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho biết, thoái hóa cột sống là tình trạng tổn thương sụn mấu khớp cột sống và đĩa đệm, dẫn đến hình thành gai xương cột sống và có thể gây chèn ép rễ hoặc tủy thần kinh cột sống.

Thoái hóa cột sống thường xảy ra ở những vị trí chịu nhiều áp lực như cổ, gáy, thắt lưng, với biểu hiện chính là đau mỏi cổ thắt lưng nhưng cơn đau sẽ giảm khi nghỉ ngơi. Ngoài ra, người bệnh sẽ bị đơ cứng cổ, tê hoặc dị cảm tay, chân (tức có cảm giác châm chích hoặc tê cóng tay, chân).

Tuy không quá nguy hiểm nhưng cơn đau do thoái hóa cột sống gây ra sẽ ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, công việc, và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nếu tình trạng bệnh trầm trọng nhưng không được chữa trị kịp thời và đúng cách, người bệnh có nguy cơ tàn tật.

Thoái hóa cột sống là căn bệnh về xương-khớp khá phổ biến trên thế giới. Bệnh gặp nhiều ở những người trên 45 tuổi. Càng lớn tuổi, nguy cơ mắc thoái hóa cột sống càng cao. Trong đó, 57% người trên 65 tuổi có triệu chứng thoái hóa cột sống cổ, 89% người ở độ tuổi 60-69 có những dấu hiệu thoái hóa cột sống thắt lưng.

Tuy nhiên, tỷ lệ thoái hóa cột sống ở người trẻ dưới 45 tuổi ngày càng gia tăng, khiến đây không còn là căn bệnh của tuổi già như quan niệm trước đây.

Thạc sĩ-bác sĩ Nguyễn Thành Nhân cho biết: “Hơn 50% người đến khám tại Khoa Chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM gặp vấn đề về thoái hóa cột sống. Thế nhưng, với suy nghĩ thoái hóa cột sống là căn bệnh do tuổi tác gây ra nên họ cho rằng những dấu hiệu đau nhức cổ, lưng là ảnh hưởng của thời tiết”.

“Do đó, người bệnh thường có tâm lý chịu đựng, ‘sống chung’ với cơn đau thay vì tìm đến các cơ sở y tế uy tín để nhận được sự thăm khám và chữa trị chuẩn xác từ các chuyên gia”, bác sĩ Nhân nói.

Bác sĩ Nguyễn Thành Nhân cũng khuyến cáo người bệnh không nên chỉ dựa vào những triệu chứng đau nhức bên ngoài mà tự suy đoán tình trạng bệnh. Việc tự ý sử dụng thuốc giảm đau hoặc các phương pháp khác để điều trị mà không có sự thăm khám, chẩn đoán từ các bác sĩ có chuyên môn sẽ khiến người bệnh mất nhiều thời gian, công sức mà bệnh lại không được điều trị triệt để.

Theo bác sĩ Nhân, trong quãng thời gian làm việc, bàn tay, cổ, và các ngón tay phải hoạt động liên tục, trong khi toàn bộ các bộ phận cơ thể còn lại gần như bất động, khiến cho dây chằng bị suy tổn, yếu dần, dễ bị tổn thương và mỏi cơ. Nếu có thể, mỗi người nên thực hiện các động tác vận động đơn giản như vươn vai, duỗi tay chân, xoay lưng cứ 15-30 phút/lần để giảm bớt các tác động tiêu cực nói trên.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Theo dòng xu hướng, kinh doanh các mặt hàng đan móc...

0
(SGTT) - Bộ môn đan móc len thời gian gần đây đã trở thành trào lưu bởi tính ứng dụng và giải trí cao...

Doanh nghiệp TPHCM khó tuyển lao động vị trí chuyên gia...

0
(SGTT) - Trung tâm dịch vụ việc làm TPHCM cho biết, đã có hơn 3.300 lượt doanh nghiệp thông báo tuyển dụng lao động...

Bảo quản thực phẩm đúng cách trong mùa nắng nóng

0
(SGTT) - Mùa nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn gây hại cho sức khoẻ có trong thực phẩm phát triển....

Mùa sen trắng về trên xứ Huế

0
(SGTT) – Đến thăm cố đô Huế thời điểm này, du khách sẽ có dịp ngắm vẻ đẹp tinh khôi của hoa sen trắng...

Xử lý lừa đảo trực tuyến vẫn khó khăn, hiệu quả...

0
(SGTT) -  Quy trình xử lý các vụ việc lừa đảo còn khó khăn, nhất là phối hợp với các tổ chức tín dụng,...

Ngành đường sắt tăng chuyến, giảm giá vé tàu dịp hè

0
(SGTT) - Ngành đường sắt tổ chức chạy thêm tàu giữa Hà Nội – TPHCM, đồng thời, áp dụng nhiều chính sách về khuyến...

Kết nối