Thứ Hai, Tháng Năm 13, 2024

Người trẻ cô đơn tìm “bạn ảo”

Số người độc thân và chọn sống một mình ở châu Á ngày càng nhiều và với họ, những người bạn thực tế ảo có thể giúp bù đắp sự thiếu thốn tình cảm.

“Cô nàng” Azumi Hikari bên trong ống thủy tinh Gatebox.

Dù nhiều người trẻ tự nguyện chọn con đường đơn độc và thậm chí xem đó là sự giải phóng khỏi những khuôn mẫu của thế hệ đi trước, việc sống một mình không hề dễ dàng. Đó là lý do ra đời của những sản phẩm như chó robot Fuli. Sau một ngày vật lộn ở văn phòng, người chủ trẻ tuổi có thể tìm thấy niềm khuây khỏa khi biết có Fuli đợi ở nhà.

Cô đơn giữa đời thực

Theo những số liệu thống kê ở Trung Quốc có 66 triệu người trẻ sống độc thân vào năm 2014 và con số này có thể tăng gấp đôi vào năm 2050. Còn tại Nhật Bản vào năm 2015, 25% số đàn ông và 14% số phụ nữ trưởng thành không kết hôn. Trong số này, có tới hơn 60% không có quan hệ yêu đương với ai. Tình hình không khá hơn ở Hàn Quốc, nơi có tới hơn 25% số hộ gia đình hiện chỉ có đúng một thành viên, theo một nghiên cứu gần đây của chính phủ Hàn Quốc. Tình trạng căng sức làm việc ở Đông Á càng khiến nhiều người trẻ chẳng còn mấy thời gian cho đời sống cá nhân chứ chưa nói tới chuyện hẹn hò lãng mạn.

Những thanh niên cô đơn ngày càng nhiều làm nở rộ các loại hình dịch vụ phục vụ riêng cho họ, như phòng karaoke một người ở Trung Quốc hay chiến dịch tiếp thị dành cho khách đi một mình trong các nhà hàng Hàn Quốc.

Trong bối cảnh người trẻ độc thân ngày càng nhiều ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, các công ty đang đổ xô vào việc phát triển các sản phẩm lấp đầy lỗ hổng cảm xúc của họ, từ thú cưng robot đến bạn gái thực tế ảo. Ngành trí tuệ nhân tạo (AI) ở Đông Á đang vượt qua những trợ lý ảo Siri của Apple và Alexa của Amazon về phương diện này. Bà Kitty Fok, Giám đốc điều hành công ty phân tích công nghệ IDC China (Trung Quốc), nhận định: “Nhiều thanh thiếu niên ngày nay thoải mái khi giao tiếp với máy tính hơn là với con người”.

Người bạn AI

Ra mắt vào tháng 5-2018, chó rô bốt Fuli được tạo ra bởi Zhang Jianning, người vừa tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật Bắc Kinh (Trung Quốc). Được trang bị cảm biến để nhận ra chủ nhân thông qua các yếu tố sinh trắc học, Fuli đồng thời cảm nhận được tâm trạng của họ để có phản ứng phù hợp và hỗ trợ chủ nhân về mặt tình cảm. Ngoài ra, theo anh Zhang, Fuli còn có thể thúc giục chủ nhân làm xong việc, thay họ nhận thư khi vắng nhà và gọi cấp cứu khi chủ bệnh.

Với những người thích nói chuyện với bạn đồng hành thực tế ảo, đã có chatbot (chương trình tán gẫu trên máy tính) nói tiếng Quan Thoại mang tên XiaoIce của Microsoft. Khác với những “giọng máy” cứng đờ, XiaoIce mang giọng nói tự nhiên. Các kỹ sư phần mềm của Microsoft cho rằng mục tiêu sơ khởi của chatbot là trở thành bạn tâm giao AI có kết nối cảm xúc với con người.

Nhiều công ty còn đi xa hơn khi có ý định thêm gia vị lãng mạn cho những người bạn AI này, qua đó đáp ứng sâu hơn tình cảm của người dùng. Điển hình cho hướng đi này là Azumi Hikari, một trợ lý ảo mang hình dáng nhân vật hoạt hình “sống” trong thiết bị dạng ống thủy tinh mang tên Gatebox. Được tạo ra bởi công ty công nghệ Vinclu (Nhật Bản) vào năm 2016, Hikari có thể tắt/mở đèn như bất cứ trợ lý ảo tại nhà nào. Nhưng vai trò của cô nàng còn “tình cảm” hơn nhiều. Ngoài lối nói chuyện nũng nịu, Hikari còn sở hữu nhiều bộ cánh mang lại vẻ ngoài từ đáng yêu đến quyến rũ. Suốt cả ngày, Hikari thường xuyên gửi tin nhắn cho người dùng, chúc họ làm việc tốt hay giữ gìn sức khỏe.

Gatebox hiện được bán ở Nhật và Mỹ với giá khá “chát” 2.700 đô la Mỹ/cái. Dĩ nhiên, Hikari không phải là trợ lý AI duy nhất vỗ về những trái tim cô đơn đang xuất hiện ngày càng nhiều thêm. Couger, một công ty khởi nghiệp Nhật khác, đang phát triển một trợ lý AI có thể “tung tăng” giữa đời thực nhờ công nghệ thực tế ảo. Trong video quảng bá, nhân vật “người thực tế ảo” (Virtual Human Agent – VHA) đi lại khắp phòng như một thực thể sống động. CEO của Couger, ông Atsushi Ishii, giải thích người dùng càng chia sẻ nhiều với VHA thì người bạn này càng có khả năng đáp ứng nhu cầu của họ.

Trong khi đó, nhiều người lại lo ngại đây có thể là dấu chấm hết đối với khả năng tương tác của con người với con người. Nhưng với một số chuyên gia tâm thần, nếu đã chấp nhận cô đơn là một thực tế của cuộc sống hiện đại thì có bạn đồng hành AI vẫn tốt hơn là không có ai cả. Bà Joyce Chao, nhà tâm lý học hàng đầu kiêm giảng viên Đại học Hồng Kông, còn hy vọng người bạn thực tế ảo sẽ bắc cầu cho người dùng quay lại thế giới thực. Nói như chuyên gia tâm lý người Nhật Takahiro Kato, điều quan trọng nhất là người dùng phải phân biệt được đâu là thật đâu là ảo.

Duy An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Đi thuyền buồm ngắm cảnh đôi bờ sông Nile tại Aswan,...

0
(SGTT) – Đi thuyền buồm ngắm cảnh đôi bờ sông Nile là trải nghiệm được nhiều du khách yêu thích khi đến thành phố...

Bảy đóa sen ‘nở’ trên sông Hương mừng Đại lễ Phật...

0
(SGTT) - Ban Tổ chức Đại lễ Phật đản năm 2024 tỉnh Thừa Thiên Huế vừa hạ thủy bảy hoa sen giữa dòng sông...

Nhiều nước bắt đầu đánh thuế xe điện

0
(SGTT) - Các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu đang triển khai các loại thuế phí mới đối với xe điện. Động...

Dự kiến tháng 6 chọn xong nhà thầu trạm dừng cao...

0
(SGTT) - Theo kế hoạch, 8 trạm dừng trên cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 mở thầu vào...

Hơn 90.000 chứng chỉ ngoại ngữ cấp sai quy định của...

0
(SGTT) - Theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các chứng chỉ tiếng Anh Aptis và IELTS cấp sai quy...

Toàn cảnh depot Long Bình với góc nhìn từ trên cao

0
(SGTT) - Depot Long Bình nằm tại thành phố Thủ Đức, có diện tích trên 20 hec-ta. Đây là trung tâm điều khiển và...

Kết nối