Chủ Nhật, Tháng Năm 12, 2024

Nghiên cứu lộ trình cấm xe máy vào khu trung tâm

Lê Anh

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đang nghiên cứu lộ trình cấm xe máy vào khu trung tâm thông qua đề án “tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng xe cá nhân”. Bước đầu, đề án đưa ra từng giai đoạn thực hiện và dự kiến đến năm 2030 sẽ ngưng toàn bộ xe máy đi vào một số khu vực trung tâm và nơi thường xảy ra ùn tắc.

Làm theo giai đoạn

Đề án do Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải xây dựng, nghiên cứu theo đơn đặt hàng của Sở GTVT TPHCM. Viện này cho rằng, cần phải hạn chế xe ô tô cá nhân, xe công vụ, xe mô tô, xe gắn máy hai bánh, ba bánh và cả xe đạp. Trong danh mục xe cá nhân cần hạn chế còn có cả xe chở hàng gồm xe tải các loại, xe chuyên dụng.

Viện này chỉ ra rằng, hiện nay TPHCM đang mất cân đối giữa phát triển giao thông cá nhân với hạ tầng giao thông. Theo thống kê của Sở GTVT TPHCM, tính đến ngày 15-6-2017, TPHCM đang quản lý 8.062.426 xe, trong đó có 652.389 xe ô tô và 7.410.037 xe máy. So với cùng kỳ năm 2016, lượng xe tăng 5,67%. Trong khi xe cá nhân tăng nhanh thì lượng người đi xe buýt chỉ tăng nhẹ. Sáu tháng đầu năm 2017, số người đi xe buýt đạt 139,8 triệu lượt hành khách, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2016 và đạt 40% so với kế hoạch năm 2017.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bùng nổ xe cá nhân, theo đơn vị nghiên cứu đề án, là do hệ thống vận tải hành khách công cộng kém phát triển khi chỉ có xe buýt mà chưa có các loại hình vận tải công cộng khác như BRT (xe buýt nhanh), metro (tàu điện ngầm). Hơn nữa, tình hình ùn tắc giao thông ngày càng lan rộng trên toàn thành phố.

Tại buổi làm việc giữa Sở GTVT TPHCM với Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải hôm 14-7, hai bên đã thảo luận và đưa ra các nhóm giải pháp để thực hiện hạn chế dần việc sử dụng xe cá nhân, tăng cường phát triển xe buýt.

Cụ thể, việc thực hiện được chia làm hai giai đoạn với từng giải pháp cụ thể. Trong đó, giai đoạn 2017-2020 sẽ kiểm soát sử dụng xe cá nhân bao gồm lập đề án thu phí đối với ô tô con, phí ô nhiễm môi trường, thống kê số lượng phương tiện xe máy.

Các giải pháp hành chính được nghiên cứu là kiểm soát xe cá nhân lưu hành theo biển số chẵn-lẻ (theo ngày và theo giờ), hạn chế dừng đỗ, hạn chế và cấp phép cho xe đi vào nội thành, giới hạn đăng ký xe ở từng quận/huyện.

Giải pháp về tài chính gồm thu phí chống ùn tắc, đấu giá biển số. Đặc biệt là đăng ký, bán đấu giá biển số xe taxi và quy định chỉ có 1-2 màu với loại xe này để dễ nhận dạng, phân biệt được với các loại xe cá nhân khác. Song song đó, giải pháp về kỹ thuật cũng được thực hiện, bao gồm việc trồng cọc tiêu mềm, đặt hộp phân cách, tạo bậc thềm không cho xe cá nhân, đặc biệt là xe máy đi vào một số tuyến đường.

Giai đoạn 2020-2030 cũng sẽ nghiên cứu việc kiểm định khí thải đối với xe máy chạy trên năm năm và chu kỳ kiểm định lần kế tiếp là hai năm sau đó. Theo dự báo của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, đến năm 2020 xe cá nhân ở TPHCM vẫn chiếm trên 81% thị phần vận tải, trong khi đó vận tải công cộng chỉ chiếm khoảng 15-18%. Giai đoạn này cần nghiên cứu phân vùng lưu thông, thống kê số lượng và dự kiến đến năm 2030 sẽ ngưng toàn bộ xe máy đi vào một số khu vực trung tâm và nơi thường xảy ra ùn tắc.

 xemaySở GTVT TPHCM đang nghiên cứu lộ trình cấm xe máy vào khu trung tâm thành phố. Ảnh: Lê Anh

Có xe thay thế mới cấm

Phản biện và đóng góp ý kiến cho đề án này, nhiều chuyên gia cho rằng, để hạn chế xe cá nhân, TPHCM phải có lộ trình. Quan trọng nhất là tập trung phát triển giao thông công cộng đi vào từng ngõ ngách, để khi cấm xe máy thì người dân có xe thay thế để đi.

Ông Lương Hoài Nam, một chuyên gia kinh tế, cho rằng vấn đề người dân quan tâm nhất là việc đến năm 2030 nếu cấm xe máy thì họ đi bằng gì. Từ nay đến năm 2030 giao thông công cộng chủ lực vẫn là xe buýt thì cần làm rõ xe buýt sẽ phát triển như thế nào, chiến lược đầu tư ra sao. Nếu phát triển giao thông công cộng bằng xe buýt thất bại thì đề án trên cũng thất bại.

Ông Nam cho rằng, TPHCM phải xác định mục tiêu là khi người dân đi xe công cộng thì phải rẻ hơn xe cá nhân thì khi đó người dân mới chọn. Đồng thời cần phải có lộ trình và chiến lược cụ thể để phát triển xe buýt cũng như nghiên cứu thay đổi giờ học, giờ làm việc. Bên cạnh đó, cấm xe máy phải gắn liền với cải tạo đô thị, dần dần tiến tới xóa bỏ nhà phố, xây dựng đô thị cao tầng. Nên hạn chế phương tiện cá nhân theo vành đai hạ tầng, áp dụng tại các quận trung tâm trước.

Theo ông Nam, đó là điều kiện cần và TPHCM phải coi xe buýt là chiến lược chủ lực, lúc đó mới tạo điều kiện và môi trường cho xe buýt phát triển. “Chúng ta cứ đi vào vòng luẩn quẩn bao giờ đủ giao thông công cộng thì hãy nói chuyện hạn chế và dừng hẳn xe máy. Tôi trả lời luôn là không bao giờ. Bởi có người mua vé, người đầu tư xe buýt đâu mà giao thông công cộng phát triển”, ông Nam phát biểu.

PGS.TS. Phạm Xuân Mai, giảng viên Đại học Bách khoa TPHCM, tính toán muốn hạn chế xe cá nhân, TPHCM cần 21.000 chiếc xe buýt lớn, nhỏ cho người dân đi lại. Theo ông, do đặc điểm TPHCM có nhiều hẻm nhỏ nên cần phải có xe buýt nhỏ để trung chuyển hành khách ra các tuyến xe buýt lớn. Bên cạnh đó, để giúp người dân mưu sinh thì phải cho xe tải nhỏ loại 500 kg được di chuyển trong thành phố cả ngày lẫn đêm để người dân vận chuyển hàng hóa.

Theo ông Mai, đề án nên đi vào cụ thể, phân tích về bối cảnh của TPHCM so với các thành phố khác thế nào. Nguyên nhân gây ra kẹt xe nên đưa ra cụ thể, không nên nói chung chung, chỉ rõ cái gì gây ra ùn tắc thì mới có giải pháp tháo gỡ.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết đề án mới chỉ là bước đầu. Trước mắt, sở sẽ phối hợp Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải và các quận, huyện khảo sát để nắm bắt nhu cầu, thói quen đi lại cũng như quan điểm về các chính sách quản lý giao thông để tiếp tục xây dựng đề án kiểm soát xe cá nhân. Dự kiến trong tháng 7 này sẽ phát khoảng 30.000 phiếu khảo sát đến từng hộ gia đình.

Nói về lộ trình cấm xe máy, ông Cường cho biết, từ nay đến năm 2030, TPHCM không cấm xe máy mà chỉ nghiên cứu cũng như thực hiện các biện pháp kiểm soát việc sử dụng xe cá nhân khác. “Chỉ khi nào chứng minh được có đủ phương tiện giao thông công cộng cho người dân đi lại thì TPHCM mới tính đến việc cấm xe máy”, ông Cường cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Muôn sắc hoa Xuân ở Interlaken, Thụy Sĩ

0
(SGTT) – Là điểm du lịch nổi tiếng ở miền Trung Thụy Sĩ, Interlaken vào mùa Xuân được tô điểm bởi muôn sắc hoa,...

Tàu cao tốc TPHCM – Côn Đảo chạy từ 13-5

0
Từ ngày 13-5, Công ty Cổ phần tàu cao tốc Phú Quốc sẽ đưa vào hoạt động tuyến vận chuyển hành khách cố định...

Ngắm hoàng hôn trên đồi Vọng Cảnh

0
(SGTT) – Đồi Vọng Cảnh nằm ở phía Tây nam thành phố Huế, chân đồi tiếp giáp bờ sông Hương. Với khung cảnh thanh...

Dấu xưa trên bến Bình Đông

0
(SGTT) - Bến Bình Đông được ví như một “không gian di sản” với các dãy nhà đậm nét kiến trúc đặc thù của...

Chọn thịt gà, tôm làm điểm nhấn cho mâm tiệc trưa...

0
(SGTT) – Thịt gà và tôm là hai loại thực phẩm quen thuộc trong bữa cơm gia đình hay mâm tiệc. Hôm nay, chúng...

Bữa sáng Sài Gòn: Phở sườn bò cổng trường Trần Bình...

0
(SGTT) - Sườn bò là một trong những phần ăn kèm của món phở bò mà chỉ một số ít quán bán. Theo đó,...

Kết nối