Thứ Hai, Tháng Năm 13, 2024

Mùa cuối năm, mùa săn nhân sự

Vân Oanh –

Trong vòng một tháng qua, một loạt các công ty công nghệ lớn trong nước liên tục tổ chức các buổi hội thảo hướng nghiệp tại các trường đại học chuyên ngành kỹ thuật tại TPHCM và Hà Nội. Giới chuyên gia thường nói vui với nhau rằng cuối năm, ngoài chuyện lương thưởng, doanh thu, quyết toán thuế… còn là mùa bận rộn của doanh nghiệp trong ngành về việc tuyển dụng.

tuyendung-2Một số công ty công nghệ đến tận trường đại học để tìm nhân sự.  Ảnh: Vân Ly

Câu chuyện thiếu nhân lực đã kéo dài trong nhiều năm qua nơi các công ty công nghệ thông tin (CNTT) và được dự báo vẫn tiếp diễn trong tương lai. Để đối phó với thực trạng này, các doanh nghiệp trong ngành thời gian gần đây đã tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện để thu hút người lao động.

Đến trường để tìm người

Ngày 3-12 vừa qua, Tập đoàn Công nghệ CMC đã phối hợp cùng Khoa Toán Tin thuộc trường Đại học Thăng Long (Hà Nội) tổ chức cuộc hội thảo mang tên “Hội quán công nghệ – Tuyệt chiêu xin việc”. Bà Lê Thị Thanh Vân, Trưởng ban Nhân sự của CMC, và ông Nguyễn Hoàng Tùng, chuyên gia thuộc Công ty cổ phần An ninh An toàn thông tin CMC (CMC InfoSec) – một đơn vị trực thuộc CMC, đã dành nhiều giờ đồng hồ để giải đáp những ý kiến thắc mắc của hơn 300 sinh viên về cơ hội nghề nghiệp. Trước sự kiện này, CMC cũng đã tổ chức một loạt buổi giao lưu với chủ đề tương tự ở các trường đại học có chuyên ngành công nghệ thông tin ở TPHCM.

Một công ty công nghệ lớn khác là FPT trong những năm gần đây đã liên tục tổ chức những buổi giao lưu về nghề nghiệp cho sinh viên các trường đại học chuyên ngành kỹ thuật. Ban giám đốc Công ty cổ phần Phần mềm FPT (FPT Software), một thành viên của tập đoàn FPT, nói rằng để giải quyết “cơn khát” nhân lực, doanh nghiệp không chỉ đến tận các trường đại học tổ chức các cuộc tọa đàm vào dịp cuối năm mà còn tổ chức các ngày hội tuyển dụng tại trụ sở công ty để mời sinh viên đến tham quan môi trường làm việc thực tế, trong mục tiêu thu hút người tài.

Giữa tháng 11 vừa qua, khoảng 3.000 sinh viên của 20 trường đại học tại Hà Nội và TPHCM có chuyên ngành công nghệ thông tin đã được mời đến trụ sở của FPT Software tại hai thành phố này trong Ngày hội Hướng nghiệp và tuyển dụng (Open Doors Day 2016). Tại sự kiện, các sinh viên được tạo cơ hội tìm hiểu và tiếp cận những tác vụ thực tế, trao đổi thông tin trực tiếp với ban lãnh đạo FPT Software, tham gia các cuộc hội thảo hướng nghiệp và hội thảo chuyên sâu về những giải pháp công nghệ.

Nhân dịp này, FPT Software đã tuyển dụng trực tiếp hơn 500 ứng cử viên là các sinh viên năm cuối của các trường cho các vị trí lập trình viên ngôn ngữ Java, .NET, C++.  Điều đáng nói là cơ hội việc làm này đến trước một năm đối với các sinh viên. Những ứng cử viên phù hợp sẽ được tham gia khóa đào tạo chuyên sâu về khối kiến thức phục vụ cho các dự án tại FPT Software ngay sau khi tốt nghiệp đại học.

[box type=”info”] Trong bảng xếp hạng 10 công ty hàng đầu được người lao động chọn là nơi muốn làm việc nhất ở Việt Nam năm 2016 vừa được mạng việc làm JobStreet.com công bố, có tới 4/10 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ là Samsung, FPT, Viettel và Intel, các công ty còn lại là Unilever, Vinamilk, Vingroup, Nestlé, P&G và Pepsico.

Bảng xếp hạng nêu trên được mạng việc làm JobStreet.com tại Việt Nam thu thập, tổng hợp trên cơ sở tiến hành cuộc khảo sát với 2.535 người lao động trong quí 2-2016.[/box]

Doanh nghiệp, nhà trường cùng chung sức

Ông Trần Xuân Khôi, Giám đốc phụ trách nguồn lực của FPT Software, cho biết ngày hội tuyển dụng được tổ chức với mục đích tạo cơ hội cho sinh viên tìm hiểu môi trường, văn hóa, cơ hội việc làm tại công ty, đồng thời, giúp các học viên có thông tin về ngành phần mềm, qua đó có thể định hướng sự nghiệp sau khi rời giảng đường.

Một thành viên thuộc ban giám hiệu Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, nơi mỗi năm đều gửi hàng trăm sinh viên đến tham gia các sự kiện về tuyển dụng nhân sự của FPT Software, nói rằng những hoạt động do các doanh nghiệp tổ chức mang tính chất định hướng nghề nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng. Nó không chỉ giúp các sinh viên có thêm những điều trải nghiệm thực tế ngay khi còn đi học mà còn giúp nhà trường có thể nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, từ đó có những sự điều chỉnh về chương trình đào tạo để có thể phù hợp hơn với nhu cầu nhân lực thực tế trong xã hội.

Hiện FPT Software có hơn 9.000 nhân viên. Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, trong giai đoạn 2017-2020, công ty này cần tuyển 20.000 nhân sự ở nhiều vị trí như nhân viên kiểm thử phần mềm, lập trình viên, kỹ sư cầu nối, biên dịch, quản trị viên dự án. Chỉ riêng những tháng cuối năm 2016 và đầu năm 2017, FPT Software cần tuyển khoảng 1.500 người, bao gồm cả sinh viên mới ra trường và những người đã có kinh nghiệm làm việc.

Doanh nghiệp này không chỉ đưa ra mức thu nhập hấp dẫn mà còn quảng cáo về những cơ hội đi làm việc tại nước ngoài. Chẳng hạn, đối với ứng cử viên là sinh viên năm cuối hoặc mới ra trường có kỹ năng chuyên môn về ngôn ngữ lập trình C++, Java, .NET sẽ nhận được mức lương khởi điểm từ 350 đô la Mỹ (khoảng 8 triệu đồng) mỗi tháng. Còn đối với các ứng cử viên có kinh nghiệm chuyên môn về phát triển phần mềm ứng dụng cho thiết bị di động, sẽ có mức thu nhập khoảng 1.500 đô la (34 triệu đồng) mỗi tháng. Tuy nhiên, ban giám đốc công ty đang lo lắng không thể tuyển dụng đủ người theo kế hoạch nêu trên.

Tại cuộc hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực CNTT theo chuẩn kỹ năng Nhật Bản”, ông Phạm Huy Hoàng, Phó viện trưởng Viện Công nghệ thông tin – Truyền thông, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết 50% số sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo Việt-Nhật được đánh giá là giỏi chuyên môn và thành thạo tiếng Nhật đều được tuyển dụng sang làm việc ở Nhật Bản, với mức lương kỹ sư khoảng 50-60 triệu đồng/tháng.

Còn theo ông Nguyễn Đoàn Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ hợp tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản, trong vòng bốn năm tới, Nhật Bản có nhu cầu tuyển 30.000 kỹ sư CNTT người nước ngoài, chủ yếu từ Ấn Độ và Việt Nam.

Những câu chuyện kể trên đang cho thấy một thực trạng các công ty công nghệ Việt Nam không chỉ phải cạnh tranh gay gắt ở thị trường trong nước mà còn phải đối mặt với những thách thức đến từ các doanh nghiệp nước ngoài trong việc thu hút và giữ chân nhân sự có năng lực.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nhiều nước bắt đầu đánh thuế xe điện

0
(SGTT) - Các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu đang triển khai các loại thuế phí mới đối với xe điện. Động...

Dự kiến tháng 6 chọn xong nhà thầu trạm dừng cao...

0
(SGTT) - Theo kế hoạch, 8 trạm dừng trên cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 mở thầu vào...

Hơn 90.000 chứng chỉ ngoại ngữ cấp sai quy định của...

0
(SGTT) - Theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các chứng chỉ tiếng Anh Aptis và IELTS cấp sai quy...

Toàn cảnh depot Long Bình với góc nhìn từ trên cao

0
(SGTT) - Depot Long Bình nằm tại thành phố Thủ Đức, có diện tích trên 20 hec-ta. Đây là trung tâm điều khiển và...

Trưa nay ăn gì: Bữa trưa đầu tuần đơn giản cùng...

0
(SGTT) – Trong bữa trưa đầu tuần, một món ăn đơn giản, kết hợp thịt heo và sợi bún quen thuộc, thêm it rau...

Chuỗi đồ uống ngoại cạnh tranh giữ chỗ đứng, tìm “gu...

0
(SGTT) - Những thương hiệu đồ uống ngoại đầu tiên đã có mặt ở Việt Nam hơn 15 năm trước, tạo nên làn sóng...

Kết nối