Thứ Ba, Tháng Ba 19, 2024

Làm đẹp bằng máu: nhiều rủi ro

VŨ YẾN –

Làm đẹp bằng máu, liệu pháp tiêm “huyết tương giàu tiểu cầu” (Platelet Rich Plasma – PRP) đang được khá nhiều người tin tưởng, chi số tiền lớn để thực hiện với mong muốn cải thiện da mặt, làm trẻ lại. Tại TPHCM, phương pháp làm đẹp này được nhiều phòng khám thẩm mỹ và spa giới thiệu, tư vấn cho khách hàng. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia y khoa, hiện chưa có một căn cứ khoa học nào khẳng định tác dụng thực tế của nó, đồng thời lại tiềm ẩn rủi ro trong quá trình thực hiện.

6aLiệu trình làm đẹp PRP được cho là có thể chữa sẹo rỗ, làm se khít lỗ chân lông, mịn da, trẻ hóa da…

 “Phát sốt” với làm đẹp bằng máu

Cách đây khoảng một tháng, chị L.T. ở quận 8, TPHCM đã bỏ ra gần 22 triệu đồng cho liệu trình làm đẹp năm lần bao gồm laser mặt và PRP mặt. Theo lời bác sĩ, sau liệu trình chị sẽ có làn da được trẻ hóa, không còn bị nám hay lỗ chân lông to như hiện tại.

Chia sẻ trên Facebook cá nhân, chị L.T. cho biết đã thực hiện được ba lần và thấy rõ những tác dụng trên da. Chị cho rằng vì lấy máu của mình làm đẹp nên không có gì nguy hiểm, lượng máu lấy ra không nhiều nên không có vấn đề gì với sức khỏe.

Trước chị L.T., một số người mẫu, diễn viên, người dẫn chương trình cũng đã làm đẹp bằng phương pháp PRP. Ngoài ra, không chỉ phụ nữ mà còn có một số nam giới cũng đang theo phương pháp làm đẹp này.

Anh H.N.N., phóng viên mảng văn hóa giải trí tại TPHCM, cũng vừa mới chi ra 42 triệu đồng để làm một liệu trình gồm 6 lần PRP và 6 lần laser mặt tại một viện thẩm mỹ. Anh cho biết, mặt anh bị một ít sẹo rỗ và vì muốn da mặt mịn màng, căng đẹp hơn nên khi được tư vấn tác dụng của phương pháp PRP anh đã quyết định làm.

“Sau bốn lần theo liệu trình tôi thấy có những cải thiện trên bề mặt da. Khi làm xong liệu trình này tôi sẽ tiếp tục đi làm nữa nhưng ở một thẩm mỹ viện khác vì nghe giới thiệu bên đó rất tốt”, anh N. nói thêm.

Tìm hiểu tại một số thẩm mỹ viện, phòng khám thẩm mỹ và spa tại quận 1, quận 10…, phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị được tư vấn viên và bác sĩ thuyết phục rằng phương pháp này “an toàn tuyệt đối, không có tác dụng phụ, không chống chỉ định với bất cứ ai; các dụng cụ, máy móc hiện đại, được khử trùng sạch sẽ; những người trực tiếp thực hiện là những bác sĩ có tay nghề cao trong ngành thẩm mỹ”. Các bác sĩ ở đây giải thích thêm, làm đẹp bằng máu (PRP) là phương pháp sử dụng một số thành phần có trong máu của chính mình để hồi phục các tổn thương của tế bào, của các chất nền trong da, làm chậm quá trình lão hóa sinh lý của cơ thể, phục hồi, trẻ hóa nhan sắc.

Cũng theo các bác sĩ này, liệu trình làm đẹp PRP thường được kết hợp với làm đẹp bằng laser, thường kéo dài 5-6 tuần trở lên. Nhưng với cùng một tình trạng da, có nơi chỉ áp dụng phương pháp PRP và kéo dài số lần làm PRP.

Liệu trình này thường được giới thiệu có các tác dụng kết hợp như chữa sẹo rỗ, làm se khít lỗ chân lông, mịn da, xóa tàn nhang, vùng da thâm-xỉn màu, trẻ hóa da 1-2 tuổi. Thời gian tác dụng thường là 12-18 tháng, sau đó, theo thời gian, da sẽ xuất hiện những vấn đề mới và lại cần được chăm sóc. Theo lời bác sĩ, “thời gian tác dụng của phương pháp phụ thuộc vào quá trình sau đó trong việc chăm sóc da, nghỉ ngơi, sử dụng mỹ phẩm… của khách hàng”.

Giá tiền làm PRP, áp dụng liệu trình gồm PRP – laser tại các nơi không giống nhau. Ví dụ, tại một phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ ở quận 10, giá một lần PRP là 12 triệu đồng. Liệu trình làm sáng da, làm se khít lỗ chân lông, mịn màng, trẻ hóa 1-2 tuổi sẽ kéo dài 4 lần. Tổng chi phí là 48 triệu đồng. Trong khi đó, tại một phòng khám thẩm mỹ và spa ở quận 1, giá PRP gần 3,8 triệu đồng/lần. Liệu trình có tác dụng giống như trên sẽ bao gồm 5 lần PRP và 5 lần laser, giá tiền tổng cộng khoảng 28 triệu đồng. Còn tại một phòng khám thẩm mỹ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, giá PRP mỗi lần là 7 triệu đồng. Liệu trình có tác dụng như trên sẽ bao gồm PRP 5 lần, laser 15 lần. Tổng chi phí xấp xỉ 70 triệu đồng…

6bPhương pháp làm đẹp PRP sử dụng huyết tương nhiều tiểu cầu.

Tiềm ẩn nguy hiểm

TS.BS. Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Tạo hình-Thẩm mỹ của Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, Phó chủ tịch Hội phẫu thuật bàn tay TPHCM, cho biết PRP là phương pháp tiêm “huyết tương giàu tiểu cầu” trực tiếp lên da mặt. Tức là máu sau khi được ly tâm sẽ tạo ra tiểu cầu, bạch cầu và huyết tương. Phần được sử dụng trong phương pháp làm đẹp PRP chính là huyết tương nhiều tiểu cầu.

Theo bác sĩ Tuấn, về mặt lý thuyết khoa học, tiểu cầu là thành phần có yếu tố tăng trưởng, có tác dụng tích cực lên quá trình tạo mô, chống lão hóa. Yếu tố tăng trưởng này được áp dụng trong nhiều lĩnh vực như điều trị vết thương, chữa biến dạng, khiếm khuyết hay tổn thương của mô. Chính vì vậy, trong thẩm mỹ, tiểu cầu được dùng trong nhiều chỉ định, đặc biệt trong phương pháp PRP.

Tuy nhiên, lý thuyết khoa học là thế nhưng trong thực tế, nếu xét theo mức độ chứng cứ (LOE), tức mức độ tin cậy của lý thuyết khoa học thì tác dụng của phương pháp PRP được xếp ở mức độ 4-5, tức mức độ tin cậy thấp. Hiện chưa có một công trình nghiên cứu, báo cáo chính thức, khách quan nào nghiên cứu, so sánh có đối chứng về tác dụng thực sự của PRP. Những tác dụng của PRP hiện chỉ được nêu ra bởi các thẩm mỹ viện nơi thực hiện nó, hay những người mẫu, diễn viên quảng cáo, đại diện cho phương pháp đó.

“Việc lấy máu mình, ly tâm huyết tương giàu tiểu cầu để bôi trở lại trên da tưởng như an toàn vì nó là của tự thân mình, nhưng tiềm ẩn nguy cơ gây biến chứng, nhiễm trùng vì máu đã ra khỏi cơ thể không còn giống như lúc ban đầu nữa”, bác sĩ Tuấn nói.

Cũng theo bác sĩ Tuấn, với phương pháp này, người thực hiện sẽ phải sử dụng một dụng cụ chuyên dụng đó là lăn kim để tạo nên những vết lõm nông sâu nhất định trên khuôn mặt, da mặt, nhằm giúp huyết tương thấm sâu hơn dưới bề mặt da. Quy trình lăn kim sẽ gây thủng da, chảy máu, theo đó tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng cao. Đó là chưa kể quá trình lăn kim sẽ tác động cả vào những mô lành trên da, sẽ có nguy cơ lây nhiễm các bệnh như viêm gan siêu vi B, C, HIV… nếu dụng cụ lăn kim được sử dụng cho nhiều người khác nhau.

Bác sĩ Tuấn phân tích thêm, trong quá trình đưa huyết tương vào dưới da mặt, có thể các bác sĩ sẽ trộn thêm một số loại vitamin, collagen, theo đó có thể làm biến đổi tính chất của huyết tương, làm kết tủa một số chất, dẫn đến nguy cơ dị ứng, tác dụng xấu thêm trên da. Phần huyết tương bác sĩ cho mang về nhà bôi, đáng lẽ phải được để trong môi trường vô trùng thì có thể bị cho vào tủ lạnh, để chung với thực phẩm khác như thịt, cá… nên khả năng nhiễm trùng tăng lên nhiều lần.

“Theo tôi được biết, phương pháp PRP hiện chưa được cấp phép tại Việt Nam. Thế nào là trẻ hóa, thế nào là tác dụng 70-80%, thế nào là trẻ 1-2 tuổi so với tình trạng da ban đầu, nếu muốn khẳng định phải có sự đối chiếu, so sánh theo bảng quy chuẩn y khoa quốc tế chứ không chỉ nhìn mặt, đoán bệnh thông thường”, TS.BS. Nguyễn Anh Tuấn nói.

ThS.BS. Nguyễn Văn Thanh, Trưởng đơn vị tạo hình thẩm mỹ của Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết hiện nay chưa có công trình hay một nghiên cứu khoa học tổng kết lại tác dụng phương pháp PRP trên da. Biện pháp lăn kim thực tế cũng gây tranh cãi. Lăn kim tức tạo tổn thương trên da sau đó sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu bôi lên để nhằm trẻ hóa, nhằm xóa vết thâm nám, vết rỗ… Nhưng trên thực tế, hiệu quả mà nhiều người sử dụng ca ngợi chỉ là cảm giác, cảm nhận ngoài da chứ chưa có một sinh thiết da để thấy cụ thể.

“Vai trò của PRP là hỗ trợ cho quá trình liền vết thương và tái tạo mô mới, vì vậy với những tổn thương thiếu hụt các yếu tố tăng trưởng tiểu cầu thì vai trò của PRP mới phát huy tác dụng”, bác sĩ Thanh lưu ý.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thị trường mỹ phẩm chuyển dịch với làn sóng tiêu dùng...

0
(SGTT) - Làn sóng tiêu dùng mỹ phẩm theo xu hướng mạng xã hội ở Việt Nam đang thúc đẩy sự xuất hiện loại...

Tia UV có làm biến dạng filler?

0
(SGTT) - Chất làm đầy filler đang là trào lưu làm đẹp trong thời gian gần đây. Là một phương pháp thẩm mỹ không...

Top 5 xu hướng nổi bật trong tuần lễ thời trang...

0
(SGTT) - Các xu hướng làm đẹp của tuần lễ thời trang thu đông New York 2024 đều có vẻ mang nét đẹp gắn...

6 công dụng chính của toner pads

0
(SGTT) - Toner pads hay nước hoa hồng dạng miếng là xu hướng chăm sóc da mặt được giới làm đẹp Hàn Quốc lăng...

5 kênh youtube hướng dẫn ‘cách để đẹp hơn’

0
(SGTT) – Những trang tin, tạp chí chia sẻ mẹo chăm sóc da, cải thiện hình thể… là nguồn tham khảo được các tín...

Matcha hay cà phê, lựa chọn nào có ích cho sức...

0
(SGTT) - Matcha được biết đến là một loại thức uống nổi tiếng của “xứ sở hoa anh đào” và đây cũng là một...

Kết nối