Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Chọn giống nào xây dựng thương hiệu gạo?

TRUNG CHÁNH – 

Thảo luận về đề án xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam vừa được công bố mới đây, một số doanh nghiệp trong ngành băn khoăn về chuyện chọn giống, đồng thời cho rằng chính sách thuế chưa thực sự khuyến khích làm thương hiệu.

Tại hội nghị bàn về đề án nói trên, được tổ chức tại Kiên Giang tuần qua, bà Lê Thị Bích Thu, cán bộ Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết đề án đặt mục tiêu đến năm 2020 có 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu Việt Nam và đến năm 2030 là 50%. Đề án cũng đưa ra ba giống lúa để làm thương hiệu vùng, địa phương và tiến tới thành thương hiệu quốc gia, gồm Jasmine, lúa thơm và nếp đặc sản.

9Gạo được đóng gói, ghi nhãn mác sẽ chịu thuế VAT 5%. Trong ảnh là người tiêu dùng chọn mua gạo của một doanh nghiệp.

Vấn đề chọn loại giống nào, tiêu chí ra sao để xây dựng và phát triển thành thương hiệu gạo quốc gia đã nhận được không ít ý kiến tranh luận của các đại biểu tham dự hội nghị này.

Một số đại biểu đồng tình với hướng đi của đề án và cho rằng nên ưu tiên chọn các giống lúa đặc sản vùng miền, như giống nàng thơm Chợ Đào của tỉnh Long An hay giống ST của tỉnh Sóc Trăng… Tuy nhiên, ông Lê Minh Trượng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam(Vinafood 2), cho rằng mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 6-7 triệu tấn gạo, trong đó phân khúc gạo trắng thông dụng chiếm tỷ trọng lớn nhất, trên dưới 70%, và ông gợi ý: “Dòng gạo thông dụng đang có được vị trí đó, vậy tại sao chúng ta không củng cố cái đang có này?”.

Trên cơ sở đề xuất của mình, theo ông Trượng, vấn đề cần giải quyết là nâng cấp chất lượng sản phẩm ở phân khúc này, đầu tư toàn bộ chuỗi giá trị, từ giống, quy trình canh tác, công tác thu mua, chế biến, cho đến bảo quản, đóng gói và tiêu thụ. “Có như vậy thì chất lượng gạo hàng hóa của chúng ta mới ổn định, có được thương hiệu và từng bước chinh phục được thị trường nước ngoài”, ông nói.

Song song với phân khúc gạo trắng thông dụng, ông Trượng cho rằng đề án có thể chọn xây dựng và phát triển thêm một vài giống gạo thơm và đặc sản khác. Nhưng theo ông, phải thỏa mãn được ba yếu tố: chất lượng phải cao, số lượng phải đủ lớn, phải có giá cả cạnh tranh.

Có cùng quan điểm này, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, cho rằng quá trình chọn giống làm thương hiệu, nhất thiết phải chọn loại giống có nguồn cung và thị trường tiêu thụ lớn, chứ không nên chọn những giống đặc sản nhưng nguồn cung hạn chế. “Một giống lúa tồn tại được phải đáp ứng ba yếu tố: người ăn có chịu không, nông dân có chịu trồng không và xay xát ra có hiệu quả không”, ông Dũng nói.

[box type=”download”] Triển khai năm dự án trọng điểm đến năm 2020 Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 đạt 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu Việt Nam, đề án phát triển thương hiệu gạo sẽ triển khai năm dự án trọng điểm, gồm dự án xây dựng và quản lý thương hiệu gạo quốc gia, dự án phát triển thương hiệu gạo quốc gia đối với một số sản phẩm gạo chủ lực vùng đồng bằng sông Cửu Long, dự án bảo hộ thương hiệu gạo Việt Nam và hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo trên thị trường quốc tế, dự án quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam đến người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng, dự án xúc tiến xuất khẩu và phát triển thị trường cho doanh nghiệp và sản phẩm mang thương hiệu gạo Việt Nam.[/box]

Bên cạnh việc lựa chọn giống, doanh nghiệp cũng tỏ ra thờ ơ với chuyện xây dựng thương hiệu gạo vì ngại thuế. Ông Dũng của Tập đoàn Lộc Trời cho rằng Chính phủ kêu gọi làm thương hiệu, sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm, nhưng khi doanh nghiệp đóng gạo vô túi, ghi nhãn mác lên bao bì sản phẩm, thì sẽ chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) 5%. Còn những đơn vị kinh doanh gạo không bao bì, nhãn mác hay nói cách khác là kinh doanh gạo chợ, thì không phải chịu loại thuế này. “Thời gian vừa qua một số doanh nghiệp cũng làm thương hiệu, tuy nhiên không thể phát triển được vì không thể cạnh tranh với gạo bán ngoài chợ”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, để làm thương hiệu gạo thì nên thay đổi chính sách thuế theo hướng khuyến khích, gia tăng tính cạnh tranh của gạo thương hiệu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Ấn Độ có thể duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo...

0
(SGTT) - Ấn Độ, nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, được dự báo sẽ duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo đến...

Việt Nam đang bán gạo cho thị trường nào nhiều nhất?

0
Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong 7 tháng của năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu gạo đến...

Xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ tập trung tăng chất hơn...

0
Chiến lược xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030 là chú trọng vào việc nâng chất lượng. Trong đó, có mục tiêu là...

Thị trường nào đang chuộng gạo Việt nhất?

0
Bốn tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo tăng trưởng cao nhất trong các loại nông sản chính, đạt mức gần 44% về lượng...

Quản lý thị trường vào cuộc để bảo vệ thương hiệu...

0
(SGTT) - Nhằm bảo vệ thương hiệu gạo Việt Nam - ST25 - từng nhận được giải thưởng gạo ngon nhất thế giới, mới...

Mời người tiêu dùng Úc dùng thử gạo Việt

0
Chương trình xúc tiến nông sản “Việt Nam, vùng đất của gạo ngon nhất thế giới” sẽ diễn ra tại Úc vào ngày 18-8...

Kết nối