Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Khi cải lương tìm đề tài từ kịch nói

Nghệ thuật tuồng cải lương đang tiếp tục lay lắt trong giai đoạn khó khăn. Các đoàn hát ở các tỉnh ĐBSCL vẫn duy trì hoạt động một cách lặng lẽ và chủ yếu phục vụ miễn phí khán giả ở vùng sâu, vùng xa. Và việc biến thể từ kịch nói sang vở tuồng cải lương đang là một tín hiệu mới.

Tại thủ phủ của cải lương là TPHCM, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang – vốn được xem là đầu tàu – mỗi năm cố gắng dàn dựng 2-3 vở mới, nhưng chỉ diễn được vài suất với lượng khán giả ít ỏi rồi lại xếp vào kho. Nguyên nhân của tình trạng hấp hối của bộ môn này có nhiều, trong đó có sự cạn kiệt về nguồn lực sáng tác.

Vắng bóng thầy tuồng giỏi

Vài năm trở lại đây, nhiều vở cải lương mới đã được dàn dựng và cho ra mắt khán giả, nhưng chủ yếu vào dịp Tết Nguyên đán, hoặc tại các liên hoan sân khấu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, một thực tế phũ phàng là hầu như không có vở diễn nào có thể thu hút được lượng khán giả đông đảo đến rạp, vì nội dung không hấp dẫn. Tài năng của một thầy tuồng, người sáng tạo đầu tiên trong quy trình tạo ra vở diễn ngày càng tuột dốc. Lý do có nhiều, nhưng theo những người trong nghề thì sự ra đi hoặc sự già yếu của các bậc tiền bối như nghệ sĩ nhân dân (NSND) Viễn Châu, soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng, Trần Hà, Huỳnh Nga đã tạo nên một khoảng trống lớn và các cây viết thế hệ sau không thể tiếp nối kịp. Nhiều soạn giả được đánh giá là viết đều tay và sung sức như Hoàng Song Việt, Hà Nam Quang, Lam Kiều được ví như những “cánh chim đơn độc” không thể tạo nên mùa xuân cho các sân khấu cải lương.

Lê Tứ (vai Hai Đời lúc già) và các diễn viên nhí trong vở Đời như ý.
Lê Tứ (vai Hai Đời lúc già) và các diễn viên nhí trong vở Đời như ý.

Một câu chuyện khác khá phũ phàng nhưng mang tính thực tế, đó là việc trả thù lao cho các soạn giả quá thấp. Để viết nên một vở tuồng cải lương chỉn chu, một soạn giả đôi khi phải mất một năm, nhưng nhuận bút chỉ hơn 10 triệu đồng, xem ra là không thỏa đáng. Do đó, thay vì dồn sức cho các vở lớn, nhiều soạn giả hiện chọn cách sáng tác các ca khúc đơn lẻ để phục vụ cho những chương trình tổng hợp, các liên hoan đờn ca tài tử. Với cách làm này, họ vừa không quá nhọc công tốn sức, lại có một khoản thu nhập ổn định để có thể sống được với nghề.

Bên cạnh đó, tình trạng khó khăn của các rạp hát, nhà hát cải lương, sân khấu hoạt động cầm chừng, ánh đèn le lói, vậy thì các vở tuồng hay làm sao có nơi để sử dụng? Cái vòng lẩn quẩn thiếu tiền, thiếu rạp dẫn đến thiếu cảm hứng sáng tác cứ tiếp diễn đều đều, đến mức hầu như không còn chỗ đứng cho các tác giả cải lương.

NSND Trần Ngọc Giàu, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang ngậm ngùi nói rằng, bộ môn cải lương hiện tại xem như không còn thế hệ soạn giả chuyên nghiệp. Và, ông cho rằng: “Cải lương vẫn là loại hình nghệ thuật được công chúng yêu mến, bằng chứng là các tuồng cũ của thời hoàng kim từ thập niên 90 trở về trước vẫn được người xem trân trọng. Không có tuồng mới khán giả xem lại tuồng của thế hệ nghệ sĩ lừng danh một thời trên mạng xã hội YouTube và các kênh khác rất lớn. Do đó, với trách nhiệm duy trì và bảo tồn những nét đẹp của bộ môn nghệ thuật dân tộc này, chúng tôi phải cùng chung vai hành động”.

Theo NSND Trần Ngọc Giàu, trước mắt, nhà hát sẽ tổ chức những lớp đào tạo và bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn cho lực lượng sáng tác. Kế đến là việc khánh thành rạp hát Trần Hưng Đạo. “Có địa điểm diễn tốt, được sự ủng hộ kinh phí từ các cơ quan có thẩm quyền, chúng tôi hy vọng thế hệ soạn giả mới này sẽ có động lực sáng tạo để cải lương có được sắc diện tốt hơn”, ông nói.

Chuyển thể kịch bản của bộ môn kịch nói

Trong lúc chờ đợi lực lượng sáng tác mới trưởng thành, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang lựa chọn giải pháp tình thế là tìm những kịch bản hay từ các sân khấu kịch nói, có ý tứ gần với cải lương để chuyển thể. Trong năm ngoái, vở Tiếng vạc sành của nghệ sĩ Trung Dân đã được cho ra mắt công chúng. Vở Dòng nhớ của tác giả Hạnh Thúy cũng xuất hiện tại Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc. Gần hơn, các vở cải lương hài như Rể quý cũng được dàn dựng và phục vụ công chúng vào dịp Tết Âm lịch 2014. Trên thực tế, các vở cải lương được chuyển thể trong giai đoạn ban đầu này có nội dung chưa được đánh giá là hay nên vẫn chưa tạo được tiếng vang và chưa thực sự ghi dấu ấn trong lòng khán giả.

Trong tháng 10 và 11 này, sự xuất hiện của vở Cõng mẹ đi chơi (tác giả và đạo diễn Bùi Quốc Bảo) và vở Đời như ý (tác phẩm văn học Nguyễn Ngọc Tư, chuyển thể kịch nói Bùi Quốc Bảo, chuyển thể cải lương Hoàng Song Việt, đạo diễn Quốc Kiệt) đã nhen nhóm lên một tín hiệu lạc quan. Cõng mẹ đi chơi là một câu chuyện cảm động về tình mẫu tử đã gây xúc động nơi người xem trong các đêm diễn. Còn Đời như ý kể về một gia đình có người cha mù, người mẹ điên và những đứa con ngoan hiếu thảo mang tính chất bi kịch phù hợp với nghệ thuật cải lương nên đã thể hiện khả năng lấy nước mắt người xem còn cao hơn cả vở Cõng mẹ đi chơi. Vở diễn này hay từ cốt truyện, lời ca thấm đẫm tình người, và đặc biệt khả năng diễn xuất vượt trội của các nghệ sĩ nhí đã gây ấn tượng tốt nơi khán giả.

Mặc dù phần lớn khán giả cải lương vốn yêu thích những tuồng cổ hương xa, nhưng hai vở diễn mang hơi thở hiện đại là Cõng mẹ đi chơi và Đời như ý vẫn có thể chinh phục được công chúng nên được xem là một nỗ lực đáng khuyến khích của những người tâm huyết với nghề. Cả hai vở này hiện được lên kế hoạch biểu diễn hàng tuần thay vì hàng tháng như trước kia. Song song đó, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đang tiến hành việc chuyển thể vở Giếng oan hồn, một vở kịch nói khá thành công. Sau đó, lần lượt nhiều kịch bản kịch nói hay khác sẽ tiếp tục đến với khán giả mộ điệu cải lương.

Nguyễn Huy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Người thổi hồn cho bộ môn cải lương giữa lòng xứ...

0
(SGTT) - Ông Phan Thanh Kính, sinh năm 1956, ở thôn Mỹ Thạnh Trung 1, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên có đam mê...

Đam mê giữ lửa đờn ca tài tử

0
(SGTT) - Vợ chồng nghệ sĩ Nguyễn Văn Hưng (nghệ danh là Sáu Hưng) và Đào Song Oanh đã chọn đờn ca tài tử...

Khi cải lương thành thú chơi của đại gia và những...

0
(SGTTO) – Dù hầu như đã vắng bóng trên sân khấu lớn, dòng chảy cải lương vẫn len lỏi vào đời sống người dân...

Đầu tư nhiều hơn cho cải lương sử Việt

0
NGUYỄN HUY -  Đối với những người mê cải lương thì tuồng có màu sắc hương sa, tức tuồng cổ hấp dẫn hơn kịch bản...

Ông già chuyên… vai phụ

0
TẤN PHÚ - Hơn 40 năm đứng chân trên sân khấu cải lương với đủ các loại vai diễn, từ nhỏ đến lớn, thậm chí...

Kết nối