Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Đam mê giữ lửa đờn ca tài tử

(SGTT) – Vợ chồng nghệ sĩ Nguyễn Văn Hưng (nghệ danh là Sáu Hưng) và Đào Song Oanh đã chọn đờn ca tài tử là cái nghiệp mà mình gắn bó. Trải qua hành trình hơn 40 năm, tiếng đàn và lời ca cùng nhip phách song lang dường như thấm vào từng nhịp thở, từng dòng suy nghĩ để đến ngày hôm nay, khát vọng lan tỏa loại hình nghệ thuật dân tộc này vẫn còn vẹn nguyên ở trong họ.
Đôi nghệ sĩ Văn Hưng (Sáu Hưng) và Song Oanh.

Chú Sáu Hưng và cô Song Oanh thuộc thế hệ học viên đầu tiên (năm 1976) của bộ môn âm nhạc dân tộc ở Trường Nghệ thuật Sân khấu II (nay là Trường Đại học Sân khấu – Điện Ảnh TPHCM). Chú Hưng học chuyên về đàn kìm, còn cô Oanh chuyên về đàn tranh.

Cung đờn chắp mối tơ duyên

Chú Hưng kể hồi đó, người ta hay nhìn đờn ca theo kiểu “xướng ca vô loài”, nói nghề rày đây mai đó, lăn lộn đủ nơi và không ổn định. Đây vốn là công việc không được coi trọng. Do đó, những gia đình thời đó chẳng ai thích con cái mình đi theo cái nghiệp này.

Tuy nhiên, lúc nhỏ, chú Hưng đã bén duyên với tiếng đờn để rồi yêu thích, đam mê từ đó. Cuối cùng, chú đã giấu gia đình, âm thầm đăng ký thi vào trường nghệ thuật, giữa cái lúc mà chú có cơ hội chọn một hướng đi an toàn và được khuyến khích hơn là thi vào Bách khoa học làm kỹ sư.

Lớp nhạc cụ dân tộc khóa đầu tiên ở Trường Nghệ thuật Sân khấu II. Ảnh: NVCC

Từ đây, cải lương đã cho chú sống với niềm đam mê. Và đặc biệt hơn, cũng chính cải lương đưa chú gặp cô, rồi nảy sinh tình cảm hồi nào không hay. Cô chú kể hồi đó, nội quy là cấm sinh viên yêu đương trong trường, nhưng nghệ thuật là tình cảm mà, với lại đâu có ai cấm… yêu ngoài trường nên là học trò như cô chú vẫn bày đủ trò để ra hiệu, hẹn hò nói chuyện với nhau.

Khi được hỏi về việc cô chú có tình cảm từ bao giờ thì cô Oanh cười và nói về những ngày không quên đó: “Có bữa kia, sau khi tan lớp chính trị, chú đến xin cô cho quá giang về nhà. Được một lần cái những hôm sau, chú cứ xin quá giang miết. Phải mấy tháng sau, cô mới biết thật ra nhà chú đâu có gần nhà cô, thế là mỗi lần “tiện đường quá giang” là chú phải lội bộ về. Kể cũng thương!”.

Theo dòng ký ức, cô kể tiếp: “Thời đó, cô chú có xem một bộ phim tình cảm của Liên Xô tên là Bản Sonata bên hồ. Thấy bộ phim lãng mạn quá nên chú “bày đặt” bắt chước theo. Một hôm, tự nhiên chú chở cô vô khu Nhà Bè, chỗ cầu Rạch Đĩa rồi nói là cho cô xem bản Sonata bên hồ. Cô vẫn chưa biết chuyện gì đang xảy ra cho tới lúc chú dẫn cô xuống chiếc ghe mượn của người quen, chèo ra giữa con rạch và bảo cô tưởng tượng đi”.

Chú Hưng và cô Oanh có mối duyên nợ với đờn ca tài tử. Ảnh: Quốc Bảo

Cứ như thế, thời sinh viên của cô chú trôi qua một cách êm đềm. Cứ như thế, cô chú đã yêu nhau như cái cách mà họ yêu tiếng đờn, dù có ngăn cấm nhưng không thể ngăn cản. Cũng không biết là duyên hay nợ mà cô chú cũng học hết 4 năm, cùng nhau tốt nghiệp, cùng nhau gắn bó với sân khấu rồi… về ở với nhau.

Cung đờn một thuở vàng son

Từ lúc học ở trường, chú Sáu Hưng đã đi diễn ở một vài địa điểm nhỏ, một phần để tích lũy kinh nghiệm, một phần để kiếm thêm thu nhập. Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp, chú được nhận ngay vào nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, chơi ở vị trí đờn kìm.

Chú kể hồi đó, có rất nhiều sân khấu cũng như đoàn hát cải lương hoạt động. Suốt tuần, khán giả đều có thể đến rạp hát để xem cải lương, chỉ trừ ngày thứ hai là rạp nghỉ. Những khi rạp mở cửa, trung bình có hai suất diễn một ngày nhưng với những dịp đặc biệt, có tác phẩm hay, nghệ sĩ nổi tiếng thì số suất diễn còn tăng cao hơn nữa.

Chú Sáu Hưng tự hào khi được sống với nghề đờn ca trong giai đoạn vàng son. Chú yêu cái không khí của rạp hát thời đó, yêu sự nô nức chờ đợi của khán giả trước mỗi vở diễn và yêu những tràn vỗ tay không nghỉ khi nghệ sĩ vừa dứt câu vọng cổ. “Khán giả hồi đó đông lắm. Họ yêu cải lương. Họ háo hức để được nghe cải lương”.

Vào những tháng mưa ở miền Nam, đoàn của chú thường ra miền Trung biểu diễn. Và cũng chính từ những dịp đó, khán giả miền Trung đã thành một dấu ấn đậm nét trong ký ức của người nghệ sĩ đờn kìm. “Một khoảng sân không quá rộng mà có tận ba, bốn ngàn người chen chúc nhau để được xem biểu diễn. Chú không ngờ là họ lại mê cải lương nhiều đến vậy, có khi chẳng thua kém gì người dân Nam bộ”.

Chú Sáu Hưng (phải) chơi cùng ban nhạc cổ. Ảnh: NVCC

Cô Song Oanh không đi theo nghiệp diễn vì muốn lo chuyện trong gia đình. Sau khi kết hôn với chú, cô có thời gian đi dạy âm nhạc ở trường cấp 2, rồi sau đó về dạy đàn tranh tại nhà.

Tuy nhiên, không vì thế mà cái duyên với sân khấu đờn ca của cô chấm dứt. Cô nói những lần chú đi diễn, cô thường hay đi theo bởi vì sân khấu mang đến một cảm xúc khó diễn tả lắm, một thứ cảm xúc có thể khiến mình quên đi những chuyện buồn phiền.

Đúng thật là tiếng nhạc, lời ca là một phương thức để người ta tạm quên đi những âu lo, trăn trở. Nhưng đến một giai đoạn, chính tiếng nhạc, lời ca lại trở thành trăn trở, âu lo của người nghệ sĩ.

Vào những năm 90, chú Sáu Hưng quyết định “gác đờn”, tìm kiếm công việc khác để trang trải cho cuộc sống. Khi được hỏi về lý do, chú bộc bạch “Giai đoạn đó, chú thấy cái nghề này khó phát triển thêm nữa. Những kịch bản không đủ sức để khiến khán giả trầm trồ, những nghệ sĩ trẻ cũng chưa thể tạo một làn gió mới vì cái bóng quá lớn của thế hệ trước. Dần dà, khán giả không còn ngóng đợi để tới rạp. Mà rạp vắng khách, thì nghệ sĩ, ban nhạc lấy gì mà sống”.

Ngoài ra, chú cũng muốn ổn định hơn để lo chuyện học hành cho hai người con trai, không thể rày đây mai đó rồi để cô ở nhà một mình chăm con suốt được.

Cung đờn viết tiếp lời ca

Với những người nghệ sĩ, nghệ thuật là ước nguyện suốt đời, là tình yêu, là lẽ sống không thể rời xa. Chú Hưng và cô Oanh cũng như vậy. Rời xa ánh đèn sân khấu gần một thập kỉ, khi cuộc sống đã ổn định, chú Hưng chủ động tìm thông tin liên lạc của những người bạn học chung trường ngày xưa để kiếm dịp hội ngộ, ôn lại kỉ niệm xưa.

“Một ngày ngồi nhìn lại, tự nhiên thấy nhớ quá. Cái nỗi nhớ và khát khao này nó thôi thúc mình đi tìm các bạn”. Vào những năm 2000, việc tìm lại những người bạn đã lâu không giữ liên lạc là chuyện không phải dễ. Chú đã phải len lỏi trong nhiều ngóc ngách của thành phố, hỏi thăm người dân để tìm kiếm thông tin. Mỗi khi tìm được một người thì tự khắc lại có “manh mối” để tìm thêm người khác.

Kết quả của sự miệt mài tìm kiếm đó là sự thành lập của ban đờn ca tài tử Sáu Hưng. Thoạt đầu, mục đích của cô chú chỉ đơn giản là sinh hoạt, giao lưu với bạn bè cho đỡ nhớ nghề. Về sau, với tâm huyết dành cho bộ môn nghệ thuật này, đặc biệt là sau khi UNESCO công nhận Đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2013, cô chú muốn đóng góp nhiều hơn nữa.

Cô chú cùng bạn bè diễn tại chương trình Đêm hoa lệ năm 2018 do Trác Thúy Miêu làm biên kịch. Ảnh: NVCC

Tình cờ được người quen giới thiêu, cô chú được mời diễn cho gánh hát cải lương Phụng Hoàng Ban do MC Trác Thúy Miêu thành lập. Kể từ đó, nhiều bạn trẻ biết tới đôi vợ chồng này và ngỏ ý mời cô chú tham gia vào những dự án bảo tồn, gìn giữ và lan tỏa giá trị của đờn ca tài tử.

Những dự án nổi bật mà cô chú tham gia như Hiếu Văn Ngư (Cultura Fish) – dự án Kể chuyện văn hóa Việt cho người trẻ, Thư Viện Diễn Xướng Nam Bộ Lục Tỉnh Cầm Ca…

Chú Hưng chia sẻ rằng chú có rất nhiều tiếc nuối khi có giai đoạn phải gác lại công việc đờn ca. Chưa kể bây giờ, mỗi lần đi ngang qua rạp Hưng Đạo (nhà hát cải lương Trần Hữu Trang) – rạp hát cải lương duy nhất còn lại ở thành phố, chú lại thấy buồn vì sự đi xuống của cải lương. Vì vậy, khi có cơ hội, chú cùng cô luôn sẵn sàng để góp một chút sức lực để lan tỏa bộ môn nghệ thuật này, cũng như truyền nghề cho những bạn trẻ có đam mê.

Cô chú biểu diễn giao lưu với giới trẻ trong chương trình Lục tỉnh cầm ca năm 2020 tại Đường sách TPHCM. Ảnh: NVCC

Thật sự, người nghệ sĩ luôn muốn sống một cuộc đời nghệ thuật. Với những con người mà tiếng đờn, lời ca ăn vào máu, nhịp phách song lang thấm vào tim, bảo họ phải đứng nhìn bộ môn nghệ thuật mà mình theo đuổi cả đời dần đi vào quên lãng quả là điều không thể.

Tất nhiên một cánh én không thể làm nên mùa xuân. Họ chỉ có thể dạy đờn, dạy ca và động viên lứa trẻ theo đuổi đam mê. Nhưng ước mong của cặp vợ chồng này là muốn sân khấu cải lương trở thành một “thánh đường”, được đầu tư bài bản và đẹp mắt như cách những nước phương Tây gìn giữ bộ môn nghệ thuật truyền thống của họ. Đơn giản hơn, họ chỉ muốn được sống lại những ngày không quên của cải lương, của đờn ca tài tử.

Thư viện Diễn Xướng Nam Bộ Lục Tỉnh Cầm Ca được xây dựng dưới sự hỗ trợ của Hội đồng Anh thông qua Quỹ FAMLAB (phim, âm nhạc và lưu trữ). Đây là quỹ dành cho các cá nhân, các nhóm thực hành nghệ thuật và các tổ chức tại Việt Nam hoặc Vương quốc Anh có tiềm năng tạo ra ảnh hưởng bền vững và lâu dài cho các cộng đồng di sản văn hóa cũng như nghệ thuật và có những hướng tiếp cận mới và sáng tạo trong quá trình tương tác với khán giả.

Bài và ảnh: Quốc Bảo

Bài viết trên là một trong số 30 bài thi xuất sắc lọt vào vòng Bán kết Cuộc thi Báo chí DEEP ZOOM do CLB Phóng Viên Trẻ, Khoa Báo chí – Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức. Theo đó, thông điệp của cuộc thi là sự thật phản ánh trên báo chí không chỉ là những gì diễn ra trên bề mặt vấn đề mà người làm báo phải thâm nhập, tìm hiểu để từ đó mang đến những thông tin trung thực nhất cho công chúng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Họa sĩ dành 30 năm quảng bá du lịch Nha Trang

0
(SGTT) - Họa sĩ Phạm Minh Hồng, 54 tuổi, đã dành gần 30 năm để vẽ lại các danh lam, thắng cảnh nổi tiếng...

Mới lạ tranh sơn dầu trên vải mùng

0
(SGTT) - Trong nghệ thuật đương đại, tranh sơn dầu thường được gắn liền với hình ảnh người họa sĩ vẽ màu lên vải...

Giám tuyển nghệ thuật: Hấp dẫn, mới mẻ và đầy thách...

0
(SGTT) - Việc nhà đấu giá nổi tiếng Sotheby’s tổ chức 2 cuộc triển lãm trong 2 năm liên tiếp tại TPHCM, với sự...

Triển lãm tranh giấy tre tại Đà Nẵng

0
(SGTT) - Triển lãm nghệ thuật trúc chỉ mang tên “Năng” diễn ra từ ngày 14-7 đến 23-7 tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà...

Sân khấu xiếc, múa rối: vẫn loay hoay bài toán nguồn...

0
Ba tháng hè luôn là mùa cao điểm doanh thu của nhà hát với loại hình biểu diễn xiếc, múa rối tại Việt Nam....

Chiêm ngưỡng phong cách kiến trúc nghệ thuật đầu thế kỷ...

0
Ngày 29-4, người dân và khách du lịch lần đầu tiên được tham quan, chiêm ngưỡng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc...

Kết nối