Thứ Hai, Tháng Năm 13, 2024

Gà Đông Tảo không còn lạ

Thái Giang

Dù xuất xứ là một giống gà tương đối khó nuôi của các tỉnh phía Bắc nhưng hiện nay gà Đông Tảo đã dần phổ biến ở khu vực phía Nam.

Đưa gà vào Nam

Năm 2011, trong một lần tình cờ tham quan các mô hình sản xuất tại tỉnh Hưng Yên, ông Phan Văn Hài, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Đất Việt (Đồng Nai) đã thấy một giống gà lạ, có trọng lượng lớn, hình dáng ngộ nghĩnh. Theo lời ông, qua tìm hiểu mới biết đó là giống gà Đông Tảo (có nơi gọi là gà tiến vua). Người nuôi cho biết, giống gà này có giá trị dinh dưỡng cao cũng như giá bán khá đắt, 400.000-800.000 đồng/kg, tại thời điểm năm 2011. Ngay lập tức, ông Hài đã có ý tưởng đưa giống gà này vào nuôi ở khu vực phía Nam để cung cấp con giống, thịt, trứng cho người tiêu dùng các tỉnh Nam bộ.

Ông Hài và chú gà mà theo ông có giá thị trường hiện khoảng 20 triệu đồng.
Ông Hài và chú gà mà theo ông có giá thị trường hiện khoảng 20 triệu đồng.

Sau khi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai và được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh này đồng ý, ông Hài đã mở trại gà ở xã Xuân Đường (huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai). Hiện tại, trại gà quy mô trên 1 ha của ông đã có đàn hơn 2.000 con. Để tạo thêm nhiều nguồn thu cũng như đề phòng sự lên xuống bất thường của thị trường, ông cũng nhân rộng thêm các loại gia cầm “độc” khác như chim trĩ, vịt trời. Với quy mô đó, ông Hài cho biết mỗi năm ông thu nhập khoảng 900 triệu đồng từ trang trại này.

Ông Hài thuộc dạng có tiếng tăm thì tại TPHCM, trang trại của ông Nguyễn Hữu Minh (phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9) cũng được nhiều người biết đến. Ông Minh hiện sở hữu trại gà Đông Tảo Hưng Yên quy mô khoảng 2.000 m2 và là nơi cung ứng chủ yếu gà giống, gà thịt cho thị trường.

Còn tại Tiền Giang, ông Trần Minh Linh từ chỗ tập tành nuôi loại gà này vài năm thì nay cũng có trang trại với tên gọi Thành Minh (ấp 3, xã Phú Cường, huyện Cai Lậy). Ông Linh cho biết, từ lần đầu thăm một trại gà ở TPHCM, ông đã quyết tâm đưa giống gà này về Tiền Giang. “Hiện nay ở Tiền Giang khá nhiều hộ dân nuôi loại gà này. Trại gà của tôi rộng khoảng hơn 500 m2 với đàn gà hơn 400 con. Hiện trại gà của tôi đã nhân giống và cho ấp thành công”, ông Linh nói.

Qua nhiều năm nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo tại Đồng Nai, ông Hài nhận định rằng, khí hậu miền Nam ấm áp nên rất thích hợp cho loại gà này sinh sống. Cụ thể, trọng lượng tối đa gà Đông Tảo nuôi ở miền Nam thường cao hơn gà nuôi tại miền Bắc.

Không phải dễ

Ông Linh nói rằng, trang trại ông hiện cung cấp gà giống cho các trang trại khác, gà thịt thì các nhà hàng đặt hàng quanh năm. Hiện nay, loại gà này có giá bình quân khoảng 3-5 triệu đồng/con. Tùy vào độ lớn và đẹp của đôi chân mà giá một con gà Đông Tảo có khi lên đến 10 triệu đồng. Hoặc có nhiều con chân đẹp, thô, to sù sì, vảy thịt dày, lông mượt, nặng gần 7 kg có giá lên tới cả chục triệu đồng. Lợi nhuận cao là lý do khiến nhiều người thích nuôi loại gà này. Tuy nhiên, để nuôi gà Đông Tảo thành công lại là câu chuyện hoàn toàn khác.

Theo những người có kinh nghiệm trong việc nuôi gà Đông Tảo, để nuôi thành công loại gia cầm này, cần nắm rất rõ về kỹ thuật. Từng thất bại trong những lứa gà đầu tiên, ông Minh Linh kể về câu chuyện của mình: “Thấy gà lạ và lợi nhuận cao nên tôi nhập một lượng lớn gà về nuôi. Tuy nhiên khi gà nuôi được hơn 2 kg là đổ bệnh và chết, nhiều người khuyên tôi bỏ cuộc, nhưng những lúc như thế, tôi lại càng quyết tâm để nuôi được loại gà này”.

Từ thất bại đầu tiên, ông Linh thận trọng hơn khi quyết tâm thực hiện lại ý định nhân giống gà. Ông tiếp tục lao vào nghiên cứu, tìm tòi nhiều kỹ thuật nuôi gà Đông Tảo trong những môi trường khác nhau. Ông đi nhiều trại gà để học hỏi kinh nghiệm, nghe các bậc tiền bối chia sẻ nhiều bí quyết. “Giống gà này tuy ít khi bị cúm, khả năng kháng bệnh tốt, nhưng lại hay bị căn bệnh về đường hô hấp, đây chính là nguyên nhân khiến gà chết nhanh nhất”, ông Linh đúc kết.

Sau những chuyến thăm thú và học hỏi kinh nghiệm, về Tiền Giang, ông Linh thiết kế lại chuồng đủ ấm cho gà khi có mưa gió, tránh mưa tạt, nhiệt độ chuồng chênh lệch không cao giữa đêm và ngày. Giống gà này không quen nuôi nhốt nên chuồng trại phải rộng rãi để gà bay nhảy thì chất lượng gà mới đạt giống tốt. Bên cạnh đó, ông bắt đầu xây dựng quy trình nuôi có hệ thống để phòng chống bệnh tật cho gà, đảm bảo vệ sinh chuồng trại, khử trùng khu vực nuôi liên tục, cho gà uống vắc-xin. Thức ăn cho gà cũng phải đảm bảo dinh dưỡng, dễ tiêu hóa. Ông thực hành phương pháp nuôi riêng biệt gà trống, gà mái và chọn những con có chất lượng tốt, khỏe mạnh nhốt chung trong một khoảng thời gian nhất định để đạt tỷ lệ cho giống tốt.

Nói về những câu chuyện thành công và thất bại từ việc nuôi gà Đông Tảo, ông Hài cho rằng đây là giống gà đem lại lợi tức cao, nhưng không phải ai cũng nuôi được. “Hiểu rõ kỹ thuật là yếu tố quyết định trước khi áp dụng vào thực tế, như thế mới mong thành công”, ông Hài nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Gà Đông Tảo cũng giả!

0
AN NGUYỄN - Thời gian qua, tại một địa phương vùng sâu của tỉnh Đồng Nai, có xuất hiện một vài người bán gà, và...

Kết nối