Thứ Ba, Tháng Năm 21, 2024

Được gì khi tham gia sô diễn thời trang?

TUỆ NHÃ –

Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam (VIFW) lần thứ ba do Multimedia JSC tổ chức trở lại với ít nhà thiết kế (NTK) hơn mấy lần trước nhưng lại nhiều thương hiệu, cho thấy đây không chỉ là một “cuộc chơi nghệ thuật” mà những cá nhân tham gia còn phải cẩn thận cân nhắc sự “được-mất” khi bỏ ra một số tiền hàng trăm triệu đồng cho một lần xuất hiện.

cac-thiet-ke-VIFW-2016Các thiết kế tiêu biểu của các NTK sẽ tham gia VIFW năm nay.

Không có nhiều cái tên NTK Việt trong danh sách của VIFW năm nay. Ngoài những cái tên được xem là “người nhà” của ban tổ chức gồm Hoàng Minh Hà, Lý Giám Tiền và Nguyễn Tiến Truyển (các quán quân năm 2013, 2014 và 2015 của Nhà thiết kế thời trang Việt Nam – Project Runway, một cuộc thi cũng do Multimedia JSC tổ chức), danh sách các NTK nội còn lại chỉ có Nguyễn Công Trí, Lê Thanh Hòa, Thủy Nguyễn và một gương mặt mới – Quang Nhật, quán quân cuộc thi Ngôi sao thiết kế thời trang (do Cát Tiên Sa tổ chức, diễn ra một lần duy nhất rồi im ắng cho đến nay).

Thay vào đó là các thương hiệu thời trang và trang sức như PNJ, I hate Fashion, Canifa, IVY Moda, Luala Aterlier, Tiny Ink, áo dài ABC, Harper’s Bazaar… Ngay cả bộ sưu tập (BST) mở màn của NTK Nguyễn Công Trí (BST Lúa từng tham dự Tokyo Fashion Week tháng 3 vừa qua mà Sài Gòn Tiếp Thị đã từng đề cập) thực chất cũng là sự kết hợp quảng bá cho dòng điện thoại mới của một tập đoàn công nghệ đa quốc gia.

So với việc tham gia một sô thời trang truyền hình thông thường (như Thời Trang và Nhân vật, Thời trang và Cuộc sống, Phong cách và cuộc sống…) với chi phí trọn gói 20-30 triệu đồng/sô, thì việc một NTK/nhãn hàng phải bỏ ra tối thiểu 150 triệu đồng/lần để xuất hiện trên sàn diễn VIFW (chưa kể tiền bạc, công sức đầu tư cho một bộ sưu tập từ 30 đến 40 mẫu trang phục “đạt chuẩn” của VIFW) và các chi phí cộng thêm về truyền thông hay các yêu cầu riêng về ê-kip thực hiện, âm thanh ánh sáng hoặc hình ảnh là khá cao…

Theo các NTK, dù được truyền thông rất mạnh, quy mô tổ chức lớn, chất lượng đêm diễn rất chuyên nghiệp, nhưng tất cả những điều đó chưa đủ bảo chứng cho sự thành công về tính thương mại của BST thời trang. Sự tham gia “lần đầu” hay “tái diễn” của các NTK/nhãn hàng phụ thuộc khá nhiều vào nhu cầu quảng bá tại thị trường mới (như Adrian Anh Tuấn tham gia BST Thu Đông 2015 khi anh mở cửa hàng mới tại Hà Nội hay IVY Moda, Luala Aterlier tham gia mùa 2016 này khi họ muốn thâm nhập thị trường TPHCM bằng việc mở các chi nhánh tại đây). Bên cạnh đó, hiệu quả thương mại đạt được từ các tuần lễ thời trang trước là điều mà các NTK tiếp tục tham gia mùa sau. Có thể kể đến như Lê Thanh Hòa, Chung Thanh Phong là những cái tên có BST thành công hay như Thủy Nguyễn, với BST Lúng liếng năm 2015, dù giá mỗi trang phục của họ lên đến hàng ngàn đô la.

Ngay khi vừa ra mắt, Lúng liếng đã thu hút được khách hàng. Gần một năm trôi qua nhưng các mẫu áo dài gấm họa tiết của Lúng liếng vẫn xuất hiện ở nhiều nơi, từ tủ áo của giới chính khách, ngôi sao, doanh nhân đến các tuần lễ thời trang quốc tế Paris, Milan… có lẽ đã đủ chi phí để chủ nhân của nó tham gia đến vài tuần lễ thời trang nữa.

Theo nhận định của một NTK tên tuổi, đối với các NTK Việt, việc tham gia những sô thời trang như VIFW hay các sô thời trang của Đẹp, Elle, F-Fashion không chỉ là chuyện tiền bạc mà đòi hỏi họ có danh tiếng hoặc một tiêu chuẩn chất lượng nhất định. Từ một NTK chưa được công chúng biết đến rộng rãi, sau khi tham gia chương trình The Fashion Show, Tùng Vũ đã nhận được nhiều đơn đặt hàng cho các thiết kế thêu-đính tinh tế, dù giá của mỗi bộ trang phục cũng lên đến hàng ngàn đô la.

Đã đầu tư công sức thiết kế, đã tốn tiền tham gia, nhưng sự thành công về danh tiếng lẫn thương mại lại rất… hên xui, phụ thuộc vào độ đón nhận của công chúng với các thiết kế. Và không phải NTK nào cũng giữ được phong độ “đều tay” trong các BST của mình. Như Thủy Nguyễn chia sẻ rằng chị cảm thấy rất áp lực và không dám nói nhiều về BST mới.

Đón đầu xu hướng “see now buy now” (mua ngay sau khi xem) của thời trang thế giới, VIFW năm nay thu hút nhiều các nhãn hàng thời trang công sở và giới trẻ tham gia với các BST Xuân-Hè mới nhất của họ, nhằm tăng cường hiệu quả thương mại bên cạnh các BST haute couture (trang phục may đo cao cấp) của các NTK nước ngoài. Đó là Eymeric Francois (Pháp), Dany Attrache (Liban), Thim Pisith Sir (Thái Lan – thương hiệu váy cưới và dạ hội KLAR Lov), Nina Naustdal (Anh)… Với các nhãn hàng ứng dụng của nước ngoài, đây cũng là cơ hội để họ tiếp cận khán giả nếu có ý định thâm nhập thị trường Việt Nam hơn 90 triệu dân và rất nhiều khách hàng trẻ này.

Như một NTK đã nói, được hay mất, lời hay lỗ, NTK/nhãn hàng phải tự cân nhắc, vì thời trang đường dài thực chất là câu chuyện tính toán của đầu óc thương mại, chứ không chỉ đam mê.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Những ai cần hạn chế ăn bún?

0
(SGTT) - Bún tươi là thực phẩm quen thuộc của nhiều người. Từ bún, mọi người có thể chế biến đa dạng các món...

Vẻ trầm mặc của lăng Nguyễn Hữu Hào – thân phụ...

0
(SGTT) – Nằm ẩn mình trên một ngọn đồi ở thành phố Đà Lạt, khu lăng mộ Nguyễn Hữu Hào mang vẻ trầm mặc,...

The Vietage by Anantara khai thác thêm 1 toa tàu hạng...

0
Ngày 15-5-2024, The Vietage by Anantara đưa vào khai thác hành trình khứ hồi hằng ngày giữa Nha Trang và Quy Nhơn bằng toa...

Chốn Riêng Café – đi cà phê để tự pha thức...

0
(SGTT) - Không chỉ sở hữu không gian hoài cổ với gam màu ấm cúng, Chốn Riêng Café còn tạo nên sự thích thú...

Chic style – phong cách thời trang sang trọng của những...

0
(SGTT) - Theo ý nghĩa trong tiếng Pháp, “chic” là thông minh và thanh lịch. Một cô nàng theo đuổi chic style thường sử...

Xu hướng cửa hàng truyền thống trở thành trung tâm xử...

0
(SGTT) - Các nhà bán lẻ của Mỹ ngày càng dựa vào cửa hàng truyền thống của họ để xử lý các đơn hàng...

Kết nối