Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Dù thế nào cha mẹ cũng phải lắng nghe trẻ

(SGTT) – Tâm lý của trẻ em non nớt, dễ có cảm giác lo sợ và chưa hiểu hết những vấn đề phức tạp. Cha mẹ cần có cách truyền đạt thích hợp, biết cách lắng nghe, xử lý, ổn định tâm lý cho trẻ nếu chẳng may xảy ra tình huống xấu như trẻ bị thương, đi lạc, bị đụng chạm vào cơ thể…

Theo các chuyên gia tâm lý, trong mọi trường hợp, cha mẹ cần giữ bình tĩnh để có cách xử lý tình huống phù hợp.

Bình tĩnh

Cha mẹ cần dạy cho trẻ tình yêu thương, sự hòa đồng, chịu khó học hỏi… Ảnh: Ngọc Khánh

Chẳng hạn, nếu không nhìn thấy trẻ khi ở nơi đông người, cha mẹ không nên hoảng sợ mà cần tìm đến những nơi có phát loa, phòng bảo vệ của siêu thị, trung tâm mua sắm… để thông báo nhờ phối hợp tìm kiếm.

Khi ở nơi đông người, cha mẹ có thể cho con mặc bộ đồ bắt mắt, sáng màu để có thể nhận biết nhanh vị trí của con. Với trẻ nhỏ, cha mẹ nên bế trên tay.

Với trẻ lớn hơn, cha mẹ không nên cho trẻ đi khỏi tầm mắt mình quá xa có thể cho trẻ dùng đồng hồ định vị.

Cha mẹ cũng nên có thói quen giữ ảnh con trong ví, trong điện thoại để những lúc khẩn cấp có thể sử dụng, nhờ hỗ trợ.

Trẻ có thể dễ dàng bị thu hút bởi cảnh vật, đồ vật trên đường đi và quay lại ngắm nhìn chúng, dẫn tới bị lạc, bị đám đông che khuất.

Cha mẹ có thể đứng lại 5-7 phút gọi tên con thật to, sau đó mới đi tìm và nhờ tới sự trợ giúp của nhân viên an ninh hay nhân viên khu vui chơi, khu trung tâm thương mại.

Nếu cha mẹ không tìm thấy con thì phương án cuối cùng là báo công an ở trụ sở gần nhất.

Không quát mắng, trừng phạt trẻ

Dù tình huống nào xảy ra, ví dụ chẳng may trẻ bị lạc, bị thương, bị người lạ đụng chạm, trước tiên cha mẹ phải kiềm chế cảm xúc đau đớn, giận dữ của bản thân và không trút những cảm xúc đó lên con của mình.

Cha mẹ cần nhẹ nhàng xoa dịu con, chữa trị vết thương tùy mức độ, khơi gợi cho con kể lại tình huống đã gặp phải.

Cha mẹ cố gắng ôm trẻ, vỗ về và khen trẻ đã kể. Trẻ cần biết là chúng đã làm một việc đúng đắn là đã kể về tình huống xấu.

Trong trường hợp đau lòng là trẻ có khả năng đã bị xâm hại, người lớn cần khẳng định với trẻ là đó không phải là lỗi của trẻ và cha mẹ không giận, không trách hay đánh mắng trẻ.

Nói với trẻ điều này bằng sự dịu dàng, yêu thương nhất để trẻ không cảm thấy chúng có lỗi hoặc đã làm gì sai.

Cha mẹ sau đó cần cách ly trẻ với kẻ lạm dụng trẻ, song song đó là hỗ trợ tâm lý cho con. Nếu cần, gia đình hãy tìm đến các chuyên gia tâm lý để cả trẻ và cha mẹ được hỗ trợ.

Với những vật chứng liên quan vụ xâm hại như quần áo, ga trải giường, quà tặng… phải giữ lại và không tắm, không thay quần áo cho trẻ khi phát hiện ra sự việc.

Khi ghi nhận thông tin từ trẻ, cha mẹ cần ghi âm lại để sau này có tư liệu làm việc với các cơ quan chức năng, tránh cho con mình phải kể đi kể lại nhiều lần gây tổn thương.

Cha mẹ nên đưa con đến cơ quan công an nơi gần nhất để tố cáo và yêu cầu thực hiện các quy trình giám định pháp y, cần trình báo vụ việc cho công an ở nơi kín đáo.

Yêu cầu cán bộ công an tiếp xúc với trẻ phù hợp, nữ công an gặp trẻ em gái, nam công an tiếp xúc với trẻ em trai. Cha mẹ hoặc người giám hộ cần ở bên trẻ khi trẻ tiếp xúc với bất kỳ ai.

Phụ huynh cần kiểm tra sức khỏe cho con càng sớm càng tốt nhằm phát hiện và điều trị các chấn thương về thể chất. Nếu có thể, hãy để luật sư giúp đỡ gia đình khi tiếp xúc với các cơ quan điều tra, báo chí.

Nếu gia đình khó khăn, cha mẹ cần sự trợ giúp từ các tổ chức xã hội, nhân viên công tác xã hội trong việc hỗ trợ gia đình liên hệ với luật sư hay tìm kiếm các nguồn lực trợ giúp từ cộng đồng để hỗ trợ trẻ và các vấn đề liên quan.

Gần gũi con nhiều hơn

Thực tế, làm cha, làm mẹ là việc phải học cả đời và học từng phút, từng giây, không thể lơ là. Vì biết đâu, một phút lơ là sẽ gây hậu quả đáng tiếc cho con mình.

Trong đó, việc cha mẹ có thể thực hiện hàng ngày là chơi với con nhiều hơn, tâm sự, chia sẻ, dạy con từ những kỹ năng đơn giản đến phức tạp.

Cha mẹ cũng nên không ngừng học hỏi kiến thức để làm gương, truyền đạt lại cho con.

Khi đọc hoặc biết được những kiến thức, thông tin bổ ích, cha mẹ có thể kể cho con nghe: từ thông tin về cách thức những bạn nhỏ nước ngoài đi lạc nhưng tìm được đường về cho đến những thông tin về cách bỏ rác đúng đắn, cách dọn dẹp nhà cửa, cách yêu thương người thân, hòa đồng với bạn bè…

Đứa trẻ được dạy dỗ một cách nhẹ nhàng, có lòng tốt, năng động và chịu khó học hỏi sẽ sống khỏe mạnh, vui tươi và có tính cách linh hoạt để xử lý những tình huống không mong muốn.

Khi cần hỗ trợ đối với các trường hợp trẻ em bị bạo hành, xâm hại, người thân có thể liên hệ đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ trẻ em:– Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (111).– Lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh (113).– Trung tâm công tác xã hội trẻ em TPHCM (1900 545559).– Hội bảo vệ quyền trẻ em TPHCM 1800 9069.

Vũ Yến

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Trưa nay ăn gì: Bữa trưa thơm lừng cùng diềm bò...

0
(SGTT) – Trong nhiều phong cách ẩm thực nướng, các món nướng của người Hàn Quốc luôn có những "tín đồ" riêng bởi sự...

Dừng nghỉ, đổ xăng ở đâu trên suốt tuyến cao tốc...

0
(SGTT) - Trên dữ liệu ghi nhận thực tế, Sài Gòn Tiếp Thị tóm lược các vị trí trạm dừng tạm, cây xăng và...

Singapore thu hồi ba loại thực phẩm có xuất xứ từ...

0
Cơ quan Quản lý Thực phẩm Singapore thông báo thu hồi một số thực phẩm có xuất xứ từ Việt Nam gồm nem cuốn...

‘Giải nhiệt’ tại những dòng suối, thác nước gần Hà Nội...

0
(SGTT) - Những dòng suối, thác còn khá hoang sơ ở Hoà Bình, Tuyên Quang hay Thái Nguyên... là gợi ý để du khách...

Cao tốc từ TPHCM ra Nha Trang có 5 trạm dừng...

0
(SGTT) - Gần 400km cao tốc từ TPHCM đến Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà đã được bố trí 5 trạm dừng nghỉ tạm. Các...

Du khách đổ về bán đảo Sơn Trà ‘săn’ hoa tím...

0
(SGTT) - Những ngày cuối tháng 4, cây thàn mát mọc tự nhiên trên bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng lại nở...

Kết nối