Thứ Ba, Tháng Năm 7, 2024

Du lịch giữa mùa dịch: Nỗi niềm với đường thốt nốt ở An Giang

(SGTT) – Dẫu cuộc sống có muôn vàn khó khăn nhưng những người nông dân ở đây vẫn kiên trì đến cùng trong việc làm đường thốt nốt chân chính.
Những cây thốt nốt được mọc nhiều ở vùng Tịnh Biên, Tri Tôn, tỉnh An Giang

Trong chuyến đi về An Giang gần đây, tôi ấn tượng bởi sự tâm huyết với nghề và thái độ sống tích cực của con người nơi đây. An Giang có nhiều sản vật, một trong số đó không thể thiếu chính là cây thốt nốt.

Biểu tượng văn hóa của người Khmer

Đối với người Khmer, thốt nốt không phải là một loài thực vật thuần túy mà là một loại cây đặc biệt, có tính biểu trưng rất cao. Hiện nay, thốt nốt còn nhiều nhất ở vùng Bảy Núi (Thất Sơn), thuộc hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, tỉnh An Giang.

Một người dân đang leo để lấy nước thốt nốt.

Nếu đi khắp đồng bằng sông Cửu Long, nhất là những tỉnh dọc biên giới Tây Nam như Long An, Ðồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, nơi nào có người Khmer sinh sống thì nơi đó sẽ có cây thốt nốt và ngược lại. Do vậy, sẽ không có gì ngạc nhiên khi thấy cây thốt nốt luôn hiện hữu và là một phần không thể tách rời trong đời sống của người Khmer.

Có thể nói, sự tồn tại ấy dường như mang tính tất yếu. Đó là một sự gắn bó đặc biệt với những nét tương đồng đặc biệt. Bởi khi xét ở nhiều phương diện, cây thốt nốt không những tượng trưng cho tâm hồn, tính cách của người Khmer, mà nó còn tượng trưng cho văn hóa của họ.

Nước thốt nốt được lấy từ phần dịch của nhụy hoa.

Trong đời sống thường nhật, người Khmer chưa bao giờ tách khỏi cây thốt nốt. Nhiều sản phẩm độc đáo như đường thốt nốt, chè thốt nốt, đũa thốt nốt, quạt thốt nốt, thậm chí còn chế biến được cả bia thốt nốt… Những sản phẩm ấy góp phần cải thiện không nhỏ đời sống của một bộ phận người Khmer và lâu dần biến nó thành một loại cây giàu tính biểu trưng về văn hóa.

Bên cạnh đó, cây thốt nốt còn được xem là biểu tượng cho đức tính nhẫn nại, chịu khó của người Khmer. Dù đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt, cây thốt nốt vẫn vươn mình lên không trung, đương đầu với nắng và gió như người dân Khme vẫn cần mẫn với những gì thiên nhiên ban tặng, chấp nhận cải tạo nó để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nước thốt nốt vừa lấy thường sẽ có nhiều cặn nên phải dùng tấm vải mỏng để lọc.

Ngoài ra, người Khmer chân chất, giản đơn nhưng lại vô cùng thân thiện tựa như những cây thốt nốt, tuy có hình thức không đẹp (lớp da thì xù xì lại sạm đi vì nắng, lá không dài và cũng không uốn cong, trái nhỏ với màu đen đặc biệt) nhưng đó lại là một vẻ đẹp hết sức mộc mạc, đáng yêu.

Nỗi niềm với đường thốt nốt

Quả của cây thốt nốt không quá to. Mỗi cây thốt nốt cái cho khoảng 50 – 60 quả và cây thốt nốt đực không có quả. Vỏ quả thốt nốt có màu đen, chia thành nhiều múi và phần thịt bên trong trắng ngần, có vị bùi và béo.

Đối với quả non sẽ mềm và ăn khá mát; quả già ăn cứng hơn, phần thịt có màu vàng và mùi thơm như mít chín. Thường được đem đi giã thành bột trắng như bột gạo nếp để làm bánh ú, bánh tôm hay làm chè.

Thốt nốt rất được ưa chuộng vì giá trị dinh dưỡng của nó mang lại cũng như nguồn cung cấp vitamin C, B1, B2, B3, sắt, canxi, phốt pho và potassium.

Theo y học cổ truyền, nước thốt nốt có vị ngọt và tính bình, nên có tác dụng giải nhiệt, lợi tiểu, tiêu viêm, kiện tỳ và dường như một số bộ phận của cây thốt nốt (cuống cụm hoa, cây non, rễ) còn được dùng để làm thuốc, thậm chí dịch nhựa mà cây thốt nốt lên men cũng có tác dụng bổ dưỡng.

Nước thốt nốt có vị ngọt và tính bình, nên có tác dụng giải nhiệt rất tốt.

Nói về nước thốt nốt là loại nước uống trong đục, ngọt dịu và có mùi thơm. Nước được lấy từ phần nước dịch từ nhị hoa của cây thốt nốt. Vì thế, vừa lấy trên cây xuống sẽ có vị hơi ngọt lợ và nhiều cặn. Nước thốt nốt thu vào buổi sáng sớm, thường có vị ngọt mát hơn.

Để thơm ngon, người dân lọc cặn bằng tấm vải mỏng và đun sôi khoảng 15 – 20 phút, nước lúc này đổi thành màu trắng trong và ngọt lịm, thơm phức.

Cây thốt nốt có hoa quanh năm. Trong đó, hoa đực có nhị hoa dài 30 – 40 phân, thân tròn. Phần nhị hoa này chứa rất nhiều nước ngọt để được chiết ra dùng làm đường thốt nốt.

Những hủ đường thốt nốt.

Quá trình làm đường thốt nốt là câu chuyện dài và cực kỳ công phu không thua kém bất kỳ loại đặc sản nào của ba miền tổ quốc. Cứ 7 lít nước thốt nốt thì mới cô đặc thành 1 ký đường sệt nguyên chất.

Những người dân ở đây mất gần 10 giờ đồng hồ để nấu thành 50kg đường nguyên chất gồm việc đun sôi nước thốt nốt, lọc và chiết qua 3 nồi khác nhau hay còn gọi là nước 3, nước nhì, nước nhất. Loại đường này có vị ngọt thanh, thơm đặc biệt và mát hơn đường mía và đường củ cải.

Sau khi đường đặc quánh lại thì phải đem ra đánh máy khoảng 30 phút cho đường tơi ra và không còn vón cục lại nữa. Lúc này màu trắng đục của nước thốt nốt sẽ chuyển thành màu nâu vàng đặc trưng.

Quá trình làm ra đường thốt nốt truyền thống cũng lắm công phu và tốn nhiều thời gian.

Nhìn nồi đường nhả khói lơ lửng và mùi thơm nồng nàn xông ngào ngạt, nếm thử miếng đường sẽ cảm nhận được vị ngọt dịu và cảm giác đường tan chảy trên đầu lưỡi.

Trong chuyến đi ấy, tôi may mắn vô cùng khi được tận mắt thấy và được thưởng thức thứ đường nguyên chất làm hoàn toàn bằng thủ công bởi những người nông dân chân chất và hiền lành như vậy.

Đường thốt nốt truyền thống nguyên vị là như vậy đó. Nó hết sức nguyên sơ và tinh khiết như những giọt mồ hôi đang hằng ngày tưới cho mảnh đất thất sơn địa linh này.

Thế nhưng hiện nay, bên cạnh những người dân kiên trì đến cùng trong việc làm ra loại đường thốt nốt chân chính thì cũng xuất hiện của một số người nấu đường thốt nốt không trung thực.

Một người dân đang chuẩn bị những chai nhựa để đi lấy nước thốt nốt.

Họ sẵn sàng chạy theo lợi nhuận mà đánh mất hương vị truyền thống của đường thốt nốt; thậm chí là bỏ phụ phẩm hóa chất để giảm giá thành nguyên liệu hay để bảo quản được lâu hơn… Với những gì họ đang làm, tôi liệu rằng không biết khoảng thập kỷ nữa, chúng ta có còn được ăn loại đường thốt nốt truyền thống?

Tạm gác lại những nỗi niềm và tâm tư về điều ấy. Tôi muốn mang thêm niềm tin và hy vọng đến với những người dân thông qua việc kể câu chuyện tốt đẹp để nhiều người biết đến sự cực khổ của những người trót mang phận giữ gìn cái hồn, bản sắc của quê hương.

Trần Quang Duy, CEO Chim Cánh Cụt Travel

Thành viên Sáng kiến Điểm đến an toàn


Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Sáng kiến Điểm đến An toàn cùng doanh nghiệp phát triển...

0
(SGTT) - Sáng kiến Điểm đến An toàn do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức và vận hành, chương trình đang cùng...

Booking.com: Khách Việt ngày càng ưu tiên lựa chọn du lịch...

0
Có đến 96% du khách Việt Nam khẳng định du lịch bền vững đóng vai trò quan trọng trong lựa chọn của họ. Đồng...

Khi rau xanh không chỉ để ăn

0
(SGTT) - Không chỉ cung cấp thực phẩm hữu cơ, an toàn, những vườn rau xanh mướt tại các khu nghỉ dưỡng đang dần...

Các tour du lịch định hướng ‘xanh’ ngày càng được ưa...

0
(SGTT) - Những năm gần đây, du lịch xanh tại TPHCM đang phát triển mạnh và được nhiều du khách ủng hộ, đặc biệt...

Sáng kiến Điểm đến An toàn: Đồng hành cùng doanh nghiệp...

0
(SGTT) - Ngày 5-4, tại TP Châu Đốc, An Giang, chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn của Tạp chí Kinh tế Sài...

Nhà hàng tại Quảng Nam nỗ lực làm du lịch xanh

0
(SGTT) - Tại Quảng Nam, một số doanh nghiệp đang hướng đến việc đầu tư cho du lịch xanh, bền vững, trong đó có...

Kết nối