Thứ Ba, Tháng Năm 14, 2024

Body painting, những rào cản vô hình

Quỳnh Nga –

Xuất hiện ở Việt Nam đầu những năm 2000 nhưng mãi đến khoảng năm 2010, nghệ thuật body painting ở Việt Nam mới tiến một bước dài với nhiều hoạt động mang tính chuyên nghiệp của các họa sĩ. Tuy nhiên, cho đến nay, con đường phát triển của body painting ở Việt Nam vẫn còn là ẩn số.

Cũ người mới ta

vh_1Tiết mục múa chim công tại triển lãm cưới 2016.

Body painting (BP) là hình thức hội họa sử dụng chính cơ thể sống của con người để làm chất liệu thể hiện khả năng sáng tạo của người họa sĩ. Qua thời gian, hình thức vẽ cơ thể này phổ biến hơn và trở thành một môn nghệ thuật được biết đến trên khắp thế giới. Du nhập vào Việt Nam từ hơn 10 năm trước, nhưng nếu như ở các nước phương Tây, BP đa phần được thực hiện trên cơ thể khỏa thân 100% của cả những người mẫu nam lần nữ thì ở Việt Nam, người mẫu nữ vẫn chiếm đa số và không nhiều người có đủ can đảm để khỏa thân. Thêm nữa do chạm phải rào cản văn hóa và thuần phong mỹ tục nên một số họa sĩ chấp nhận thực hiện trên các người mẫu có một lớp trang phục màu da ôm sát cơ thể hoặc mặc bikini.

Hình thức BP phổ biến nhất ở Việt Nam khi bắt đầu được chú ý là vẽ các nhân tượng để tạo sự thu hút trong các sự kiện của các công ty, khách sạn, nhà hàng. Thời gian đầu, các nhân tượng  thường được phủ một lớp sơn bạc trên cơ thể và trang phục, tạo những tư thế độc đáo để thu hút sự chú ý của mọi người. Sau đó để sinh động hơn, các nhân tượng được vẽ thêm những họa tiết, màu sắc kèm theo các loại trang sức, phụ kiện, phục trang để tạo hình nhân vật hoặc thời trang ấn tượng. Nhiều dự án quảng cáo và sô trình diễn thời trang thời gian gần đây đã sử dụng nghệ thuật BP để tạo điểm nhấn.

Một số hình ảnh BP từng gây ấn tượng cho công chúng như nhân vật Avatar (sự kiện của khách sạn Sofitel), nhân vật rừng xanh (trong sự kiện Công ty HP trong buổi ra mắt căn hộ mẫu dự án Riviera point), thời trang ấn tượng-biển gọi (Q.Mobile), bộ ảnh quảng bá cho một sản phẩm game được vẽ theo phong cách 3D của họa sĩ Mực Tàu và nhóm cộng sự. Mới đây, sự xuất hiện của các diễn viên được vẽ BP thay cho trang phục trong tiết mục múa chim công, mở màn triển lãm cưới tại The Adora cũng gây được nhiều ấn tượng cho công chúng.

vh_5Ảnh body painting của người mẫu Nguyễn Thanh Hằng.

Ngoài những tên tuổi người mẫu quen thuộc của nghệ thuật BP như Kim Trúc, Hani Nguyễn, Nga Tây, Thy Na, thời gian qua cũng đã có khá nhiều người đẹp nổi tiếng đã xuất hiện ở nghệ thuật BP như bộ ảnh của diễn viên Hồng Ánh, ca sĩ-người mẫu Đàm Thu Trang, diễn viên Phi Vân, hay bộ ảnh BP của Nguyễn Thanh Hằng, thí sinh vòng chung kết siêu mẫu 2011.

Lối đi nào?

vh_3

“Đến nay ở Việt Nam, BP vẫn chỉ phát triển mạnh ở khía cạnh giải trí nhiều hơn nghệ thuật. Nghệ thuật này ở Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn phôi thai, tự phát và ở một chừng mực nào đó vẫn chưa được công chúng, xã hội thừa nhận một cách chính thức”, họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ Thuật TPHCM cho hay.

Đây là một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của các họa sĩ theo đuổi BP. Nhiều họa sĩ trẻ khi được hỏi về BP đều có chung suy nghĩ, đại ý “không chỉ công chúng, dư luận mà ngay cả một số người thân, bạn bè cũng nhìn những họa sĩ theo đuổi nghệ thuật BP bằng ánh mắt thiếu thiện cảm”.

Với những lý do đó, số họa sĩ đang cố gắng theo đuổi nghệ thuật BP hiện chỉ đếm được trên đầu ngón tay, có thể kể như Ngô Lực, Phương Vũ Mạnh, Trương Tân, Bùi Công Khánh, Mực Tàu, Miên Thảo…

Thời gian gần đây, giới họa sĩ yêu thích nghệ thuật BP đã tổ chức khá nhiều buổi giao lưu, trao đổi và thực hành BP, nhưng hầu hết các hoạt động này thường chỉ diễn ra theo kiểu nội bộ và các tác phẩm sau đó vẫn hiếm khi được lưu hành rộng rãi trong công chúng, dù đó chỉ là những tấm ảnh được chụp lại. Một số bộ ảnh do vừa thiếu không gian, thiếu sự công khai nên sự sáng tạo của các họa sĩ ít nhiều cũng bị hạn chế. Thêm vào đó, việc thực hiện các tác phẩm bằng màu vẽ acrylic, màu bột thay cho màu vẽ chuyên dụng của BP ảnh hưởng không nhỏ đến các tác phẩm. So với các màu thông thường, màu chuyên dụng cho BP có giá cao hơn gấp ba lần và phải đặt mua từ nước ngoài. Không chỉ co giãn tốt, không bị gãy nứt khi người mẫu cúi gập người, loại màu này còn có tác dụng giúp nét vẽ, hình ảnh sắc sảo, tinh tế hơn và diễn tả được ý tưởng của tác giả tốt hơn màu vẽ thông thường.

Việc sử dụng cơ thể người làm chất liệu khiến lằn ranh giữa nghệ thuật và khoe cơ thể trở nên mong manh hơn bao giờ hết, nhất là trong thời điểm xu thế khoe thân để đánh bóng tên tuổi đang trở thành đề tài nóng trong giới showbiz. Hầu hết các họa sĩ khi được hỏi đều thừa nhận, trong xu hướng hiện đại, khi cảm nhận về vẻ đẹp, về nghệ thuật và phi nghệ thuật đã cởi mở và đa chiều hơn, nên nếu ai đó lợi dung BP để quảng bá tên tuổi càng khiến sự nhập nhằng giữa BP và mốt khoe thân khó nhận dạng hơn.

Tuy vậy, họa sĩ Nguyễn Như Huy, nhà giám tuyển nghệ thuật cho rằng: “BP nghệ thuật hay phi nghệ thuật tùy thuộc vào cách tiếp cận của mỗi người và không có tiêu chuẩn chung để đánh giá cái đẹp mà chỉ có thể đánh giá đẹp xấu, nghệ thuật hay phi nghệ thuật dựa vào hoàn cảnh, điều kiện xuất hiện của tác phẩm BP đó”. Đây là lý do khiến BP cần có một không gian trình diễn riêng với đầy đủ các nguyên tắc, quy định cho những người muốn tham gia.

Trong thực tế, có không ít họa sĩ thực hiện BP và người mẫu loại hình nghệ thuật này đều có chung một quan điểm là rất hiếm khi muốn “sô” tác phẩm của mình trước công chúng, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt. Những người mẫu thì e ngại mình bị nhìn nhận, đánh giá sai lệch; còn các họa sĩ vẫn âm thầm thực hiện cho những dự án riêng của mình hoặc chỉ sáng tác để thử nghiệm.

Dù vẫn chịu cái nhìn khắt khe từ xã hội, dù không được thừa nhận một cách chính thức, nhưng rõ ràng dòng chảy BP vẫn đang âm thầm phát triển, bằng chứng là các buổi giao lưu, nói chuyện nghệ thuật này được tổ chức ngày một nhiều hơn.

“Để BP phát triển tự do theo hướng tích cực trong sự kiểm soát nhất định là cách làm tốt nhất hiện nay”, họa sĩ Uyên Huy khẳng định. Tuy vậy để BP phát triển một cách đúng hướng, được xã hội, cộng đồng công nhận không chỉ là trách nhiệm về mặt quản lý mà còn ở ý thức của mỗi họa sĩ. Còn theo họa sĩ Nguyễn Như Huy thì “bản thân người họa sĩ cũng phải trau dồi chuyên môn, tri thức để vươn lên thay vì chỉ “hớt” vội vàng phần ngọn mà không đủ sức đi xa. Người họa sĩ cũng cần có đủ tri thức, bản lĩnh và năng lực, biết chọn lọc, phát huy những giá trị thẩm mỹ của những xu hướng nghệ thuật mới để xóa mờ định kiến của xã hội. Con đường đối thoại giữa quản lý và các họa sĩ để phát triển một hình thức nghệ thuật dù “cũ người mới ta” đòi hỏi ở cả hai phía”.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Người đi ‘góp’ màu xanh cho đời

0
(SGTT) - Hơn 50.000 người đang được dùng nước sạch, hơn 136.000 cây trồng được phủ xanh thêm cho những cánh rừng và còn...

17 hoạt động nổi bật tại Lễ hội Sông nước TPHCM...

0
(SGTT) - Lễ hội Sông nước TPHCM lần thứ 2 sẽ diễn ra từ ngày 31-5 đến ngày 9-6-2024 với khoảng 17 hoạt động...

Mùa mưa sắp đến, những lưu ý khi bảo dưỡng ô...

0
(SGTT) - Thời gian gần đây, nhiều trung tâm bảo dưỡng ô tô bắt đầu tiếp nhận nhiều xe đến để bảo dưỡng các...

Cách chăm sóc bàn tay khô và nứt nẻ tại nhà

0
(SGTT) - Tình trạng sức khỏe, thời tiết, thói quen sinh hoạt... là những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng da tay...

Những thông tin thú vị về cơm tự chín

0
Gần đây, một doanh nghiệp Việt cho ra mắt thị trường sản phẩm cơm tự chín với mức giá dự kiến từ 100.000 -...

Hiểu hơn về tác dụng của rau húng quế

0
Là loại rau gia vị thường xuyên có trong các món Việt, húng quế vừa giúp hương vị món ăn thêm đặc sắc, vừa...

Kết nối