Thứ Hai, Tháng Năm 13, 2024

Bệnh viêm não mô cầu gây lo lắng

BAN CAO –

Ca tử vong do viêm não mô cầu ở Hải Dương thời gian gần đây, cộng với một số ca mắc ở Hà Nội và Đắk Lắk đang dấy lên mối lo ngại về sự nguy hiểm của căn bệnh này. Trong khi đó, vắc xin tiêm phòng não mô cầu lại đang khan hiếm.

Bệnh dễ lây

hinh-trang-7----chu-thich-(TiOm-v_c-xin-la-m_t-trong-nh_ng-cßch-ph_ng-b_nh-viOm-n_o-m(-c_u-hi_u-qu_Tiêm vắc xin là một trong những cách phòng bệnh viêm não mô cầu hiệu quả.

Hải Dương là tỉnh đầu tiên ghi nhận có viêm não mô cầu trong năm 2016. Chỉ trong hai ngày nhập viện, bệnh nhân đã tử vong. Trong khi đó, hai địa phương Hà Nội và Đắk Lắk liên tục ghi nhận các ca dương tính với viêm não mô cầu. Sở y tế các tỉnh, thành này đã phải thực hiện khoanh vùng, giám sát người tiếp xúc gần với bệnh nhân, dùng thuốc dự phòng bệnh.

Trong công văn gửi sở y tế các tỉnh, thành ngày 4-3, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016 nhiều tỉnh, thành đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh viêm não mô cầu như Sơn La, Hòa Bình, Gia Lai, Nam Định, Lạng Sơn, Hải Dương, Hà Nội, Đắk Lắk và TPHCM. Số ca mắc bệnh không nhiều nhưng điều đáng lo ngại là những di chứng nặng nề mà căn bệnh này để lại như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt, với tỷ lệ lên tới 10-20%; tỷ lệ tử vong cũng ở mức rất cao, có thể 8-15%.

Thông tin trên trang web của Cục Y tế dự phòng dẫn lời ông Cục trưởng Trần Đắc Phu cho biết trong năm năm qua cả nước có 610 trường hợp viêm não mô cầu, trong đó 25 ca tử vong. Riêng năm 2015 có 102 ca bệnh, bốn người tử vong. Ông Phu cho biết, trong cộng đồng, tỷ lệ người mang vi khuẩn không có triệu chứng lâm sàng ở mũi, hầu, họng chiếm 5-25%. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn tại khu vực ổ dịch.

Theo Bộ Y tế, bệnh viêm não mô cầu có thể lây truyền qua đường hô hấp. Khi tiếp xúc thông thường giữa người với người sẽ lây truyền qua nước bọt, dịch tiết đường hô hấp, ho, hắt hơi. Khi nhiễm vi khuẩn não mô cầu, thời gian ủ bệnh là từ 2 đến 10 ngày. Bệnh nhân có các biểu hiện sốt, đau đầu, buồn nôn, gáy cứng (trẻ nhỏ có thóp phồng), lơ mơ, nhạy cảm với ánh sáng, có thể xuất hiện ban xuất huyết hình sao hoặc biểu hiện sốc nhiễm khuẩn.

Ngoài ra, người bệnh mắc viêm não mô cầu cũng có ban hoại tử trên da nên dễ nhầm với bệnh liên cầu khuẩn. Bệnh còn rất khó phát hiện sớm vì biểu hiện ban đầu như viêm họng thông thường nhưng diễn biến cấp tính, có thể tử vong trong vòng 24 giờ sau khi có biểu hiện bệnh.

Viêm não mô cầu rất dễ lây lan do vi khuẩn não mô cầu nằm ở dịch mũi họng. Chỉ cần dính chút dịch mũi họng của người phát bệnh là có thể nhiễm theo. Do vậy, khi có trường hợp mắc bệnh não mô cầu cần nhanh chóng cách ly người bệnh. Khi tiếp xúc, hai bên phải đeo khẩu trang, không dùng chung các dụng cụ sinh hoạt, kể cả những vật dụng mà người bệnh đã cầm nắm.

Nhiều nơi thiếu vắc xin

Hiện nay có hai loại vắc xin phòng bệnh nhiễm não mô cầu có số đăng ký lưu hành còn hiệu lực là vắc xin Polysaccharide meningococcal AC và vắc xin VA-MENGOC-BC.

Tại thời điểm hiện tại, theo ghi nhận tại TPHCM, nhiều cơ sở y tế cho biết đã hết vắc xin ngừa viêm não mô cầu loại AC. Các bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Viện Pasteur TPHCM cũng thông báo đã hết loại vắc xin này và chưa biết khi nào sẽ có lại.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho biết trước tình hình có một số ca mắc viêm não tại phía Bắc, lượng người dân đến tiêm vắc xin viêm não mô cầu tại TPHCM có cao hơn trước, nhất là vào thứ Bảy và Chủ nhật. Ông Dũng cũng cho hay, hiện trung tâm chỉ còn vắc xin loại BC để tiêm, còn vắc xin AC đã hết từ lâu.

Nói về tình trạng khan hiếm vắc xin, ông Dũng cho rằng khi xảy ra bệnh người dân đổ xô đi tiêm ngừa nên ngành y tế không thể nào chuẩn bị kịp. Hơn nữa, thời gian sử dụng của vắc xin chỉ có 18 tháng nên không thể nhập về số lượng lớn, trong khi nhu cầu tiêm phòng của người dân không cao. “Do đó, người dân cần chủ động đi tiêm phòng, tránh tình trạng đổ xô đi tiêm khi có dịch”, ông Dũng nói.

Theo báo cáo của các công ty nhập khẩu gửi cho Cục Y tế dự phòng, từ tháng 7-2015 đến nay đã có hơn 490.000 liều hai loại vắc xin trên được nhập khẩu về Việt Nam. Hiện tại, kho của Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 còn khoảng 150.000 liều vắc xin VA-MENGOC-BC.

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, trong tháng 4 tới sẽ có 160.000 liều vắc xin nữa do Công ty Sanofi Pasteur của Pháp phân phối và Công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 1 nhập khẩu để cung ứng theo nhu cầu của người dân.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, để phòng chống viêm não mô cầu, người dân nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh. Ngoài ra, người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Đồng thời, cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc. Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bảy đóa sen ‘nở’ trên sông Hương mừng Đại lễ Phật...

0
(SGTT) - Ban Tổ chức Đại lễ Phật đản năm 2024 tỉnh Thừa Thiên Huế vừa hạ thủy bảy hoa sen giữa dòng sông...

Nhiều nước bắt đầu đánh thuế xe điện

0
(SGTT) - Các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu đang triển khai các loại thuế phí mới đối với xe điện. Động...

Dự kiến tháng 6 chọn xong nhà thầu trạm dừng cao...

0
(SGTT) - Theo kế hoạch, 8 trạm dừng trên cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 mở thầu vào...

Hơn 90.000 chứng chỉ ngoại ngữ cấp sai quy định của...

0
(SGTT) - Theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các chứng chỉ tiếng Anh Aptis và IELTS cấp sai quy...

Toàn cảnh depot Long Bình với góc nhìn từ trên cao

0
(SGTT) - Depot Long Bình nằm tại thành phố Thủ Đức, có diện tích trên 20 hec-ta. Đây là trung tâm điều khiển và...

Trưa nay ăn gì: Bữa trưa đầu tuần đơn giản cùng...

0
(SGTT) – Trong bữa trưa đầu tuần, một món ăn đơn giản, kết hợp thịt heo và sợi bún quen thuộc, thêm it rau...

Kết nối