Thứ Ba, Tháng Năm 14, 2024

Tùy tiện chữa bệnh: Coi chừng mất mạng

Khánh Ngân –

Mặc dù y học liên tục có những cải tiến trong điều trị bệnh, kể cả ung thư, thế nhưng, nhiều người vẫn lo sợ về tác dụng phụ của thuốc hay quan niệm “ung thư là không dao kéo” nên đã từ chối những phương pháp điều trị hiện đại, và tìm đến thảo dược với niềm tin hết bệnh, an toàn, không tác dụng phụ. Tuy nhiên, đã có người không chỉ tiền mất tật mang, mà thậm chí còn mất mạng.

Mới đây, L. – sinh viên một trường nghệ thuật đã từ giã cõi đời khi mới 20 tuổi. Không ai tin được L. lại ra đi sớm như vậy, nhất là khi được phát hiện bệnh khối u bạch huyết vùng xương chậu ở giai đoạn không quá muộn.

Trước đó 2 tháng, L. cùng nhóm bạn đi chơi ở Đà Lạt, và trên đường di chuyển, L. có bị trượt ngã. Sau đó, khi về nhà, L. thấy bầm ở chân và hơi sưng như nổi hạch nên cứ tưởng là hậu quả của việc bị té. Đến 10 ngày sau, những vết bầm ngày càng rõ và cảm thấy người hơi mệt nên L. được gia đình đưa đến bệnh viện khám. Khi đó, bác sĩ xác định L. bị khối u bạch huyết vùng xương chậu giai đoạn sớm, và yêu cầu L. nhập viện để điều trị hóa trị, xạ trị.

Thế nhưng, sau khi bàn bạc, gia đình L. từ chối điều trị ở bệnh viện vì sợ xạ trị, hóa trị làm cho L. bị rụng tóc, người xanh xao, đau đớn, ăn uống không được. Do vậy, gia đình đưa L. đến một thầy thuốc bốc thuốc nam uống và được cam kết: hạch biến mất sau 1 tháng uống thuốc. Tuy nhiên, qua 1 tháng, hạch vẫn còn nguyên, lúc này L. bắt đầu thấy hạch đau và có sốt, nhưng thay vì đưa L. đến bệnh viện thì gia đình vẫn theo lời thầy “uống thêm 1 tháng nữa hạch sẽ biến mất”.

Thuốc đông dược trôi nổi, không nhãn mác vẫn được rất nhiều người tin dùng.

Chưa hết tháng thứ hai , L. bắt đầu nổi hạch bẹn, cổ và ăn uống không được. Lúc này, gia đình đưa đến bệnh viện khám, bác sĩ cho biết ung thư đã di căn vào gan, phổi, não và không thể điều trị được. Vài ngày sau, L. bị hôn mê và đã tử vong vào đầu tháng 12-2017 khi mới 20 tuổi. Bác sĩ cho biết, nếu L. điều trị ngay từ đợt đầu đi khám bệnh thì bệnh có thể đã không tiến triển nhanh như vậy.

Trên thực tế, hiện có rất nhiều người lớn tuổi tin và tìm đến những cách trị bệnh “tự nhiên” như vậy. Mới đây, Khoa Cấp cứu thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM) tiếp nhận ông M., 80 tuổi, trong tình trạng “thập tử nhất sinh” cũng vì tùy tiện dùng thảo dược điều trị bệnh đái tháo đường (ĐTĐ).

Bác sĩ Nguyễn Viết Hậu đang khám cho cụ M.

Người thân cho biết, cụ M. bị ĐTĐ hơn chục năm. Trước đây, cụ M. phải tiêm insulin mỗi ngày và đường huyết rất ổn định. Nhưng hơn 1 tháng nay, được người quen mách “chích insulin mất công lắm, uống thuốc này mỗi ngày 1 viên là dứt bệnh tiểu đường luôn”. Vậy là cụ M. mua cả túi to “thần dược” là những viên màu nâu được đựng trong bịch nylon không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ. Mỗi ngày, cụ M. uống 1 viên theo hướng dẫn với niềm tin hết bệnh và “cải lão hoàn đồng”.

Cách đây vài tuần, cụ M. cảm thấy mệt mỏi, nôn ói và không ăn uống được. Gia đình đưa cụ đến BV ĐHYD TPHCM khám với triệu chứng nôn mửa và mệt mỏi kéo dài. Các kết quả xét nghiệm khiến bác sĩ và người thân của cụ M. bất ngờ: cụ M. bị suy thận cấp và toan máu nặng với pH = 6.8 (tình trạng toan máu nặng rất hiếm gặp, thường chỉ gặp ở người bệnh ngưng thở, ngưng tim). Xác định đây là trường hợp rất nặng, đe dọa tính mạng và có thể tử vong bất kỳ lúc nào, nên các bác sĩ đã tiến hành lọc máu cấp cứu ngay cho cụ M.

Bất ngờ hơn nữa, sau khi làm các xét nghiệm phân tích thành phần chuyên sâu của loại thuốc mà cụ M. sử dụng, các bác sĩ khẳng định đây không phải là thảo mộc đơn thuần mà chính là Phenformin, một loại thuốc trị ĐTĐ ở thập niên 50-70 của thế kỷ trước – hiện đã bị cấm lưu hành hơn 50 năm nay.

Bác sĩ Nguyễn Viết Hậu, Phó trưởng khoa Cấp cứu BV ĐHYD cho biết: “Thuốc Phenformin là thuốc hàng đầu trị ĐTĐ được đưa vào thị trường năm 1957 tại Mỹ, ban đầu là thuốc được ưa chuộng vì tác dụng rất tốt, nhưng bị cấm sản xuất và lưu hành từ năm 1973 vì ghi nhận hàng loạt ca tử vong liên quan đến nhiễm axít lactic khi dùng thuốc này.

Tình trạng nhiễm toan axít lactic rất dễ xảy ra khi người bệnh uống Phenformin kèm các thuốc giảm đau, kháng viêm trị đau nhức, lợi tiểu, trị huyết áp cao, hay người bệnh đã có bệnh thận mạn tính do ĐTĐ lâu năm,… Việc điều trị bằng thuốc này dễ xảy ra các tác dụng phụ, biến chứng gây tử vong, ngay cả ở người rất trẻ. Đôi khi diễn biến tử vong rất nhanh mà không tìm được nguyên nhân, thậm chí dẫn đến nghi ngờ bị đầu độc. Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đã cấm lưu hành thuốc này, nhưng vẫn có người trà trộn thành phần của thuốc vào các viên thuốc đông dược không nhãn mác.

Bác sĩ Hậu cũng khuyến cáo người bệnh ĐTĐ hay bất kỳ bệnh lý khác, dù có mong muốn điều trị bằng Đông y hay Tây y đều cần đến các cơ sở y tế có chuyên môn uy tín để được tư vấn điều trị và hướng dẫn sử dụng thuốc một cách khoa học; tránh việc tự ý dùng thuốc vì có thể làm tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn và dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Đi thuyền buồm ngắm cảnh đôi bờ sông Nile tại Aswan,...

0
(SGTT) – Đi thuyền buồm ngắm cảnh đôi bờ sông Nile là trải nghiệm được nhiều du khách yêu thích khi đến thành phố...

Bảy đóa sen ‘nở’ trên sông Hương mừng Đại lễ Phật...

0
(SGTT) - Ban Tổ chức Đại lễ Phật đản năm 2024 tỉnh Thừa Thiên Huế vừa hạ thủy bảy hoa sen giữa dòng sông...

Nhiều nước bắt đầu đánh thuế xe điện

0
(SGTT) - Các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu đang triển khai các loại thuế phí mới đối với xe điện. Động...

Dự kiến tháng 6 chọn xong nhà thầu trạm dừng cao...

0
(SGTT) - Theo kế hoạch, 8 trạm dừng trên cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 mở thầu vào...

Hơn 90.000 chứng chỉ ngoại ngữ cấp sai quy định của...

0
(SGTT) - Theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các chứng chỉ tiếng Anh Aptis và IELTS cấp sai quy...

Toàn cảnh depot Long Bình với góc nhìn từ trên cao

0
(SGTT) - Depot Long Bình nằm tại thành phố Thủ Đức, có diện tích trên 20 hec-ta. Đây là trung tâm điều khiển và...

Kết nối