Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Trải nghiệm leo đỉnh Hàm Lợn

Hà Bi –

Leo núi theo kiểu đi từng bậc thang lên đỉnh là chuyện bình thường và dễ dàng. Nhưng kiểu mò mẫm đường mòn từ ngọn núi này qua ngọn núi khác lại là một trải nghiệm khác biệt và thú vị với những người ưa thích du lịch khám phá.

Bài kiểm tra thể lực

Hàm Lợn là một ngọn núi thuộc dãy Độc Tôn ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội, với độ cao khoảng 460 m so với mực nước biển. Ngọn núi này cách Hà Nội chỉ chừng 40 km, không xa đô thị nhưng vẫn còn khá hoang vu. Bởi vậy nên nhiều bạn trẻ thích đến đây, tổ chức cắm trại bên hồ Hàm Lợn hoặc leo núi.

Nhiều bạn trẻ cho rằng leo lên đỉnh Hàm Lợn, mặc dù ngọn núi này không cao, nhưng sẽ giống như một bài kiểm tra thể lực cho một hành trình gian nan khác là leo đỉnh Fansipan, ngọn núi cao nhất Việt Nam nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn giáp hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Anh Thành Vinh (Sóc Sơn – Hà Nội) nhận xét: “Khác với Fansipan, Hàm Lợn không có một đường mòn chính thức nào cả, nên rất dễ lạc”. Thi thoảng đường đang đi đột ngột biến mất. Thay vào đó là những đám dương xỉ rậm rạp, bụi bặm, những bờ bụi cao quá đầu người. Đoàn leo núi luôn cần một người thông thạo địa hình và thành viên cần bám rất sát người dẫn đường này để tránh lạc.

Vượt qua các cánh đồng trước khi đến chân núi Hàm Lợn.
Băng qua các khoảng rừng dốc.
Nhiều đoạn thoải hơn, đường đi dễ.
Leo núi với hơn 5 kg đồ đạc trên vai thật sự là một thử thách.

Để chuẩn bị cho chuyến leo núi Hàm Lợn, những thành viên trong đoàn cần chuẩn bị đủ mọi thứ, từ đồ ăn, nước uống, bánh kẹo, thuốc men cho tới lều bạt, đèn thắp sáng… Ở đây không có dịch vụ porter (người khuân vác thuê), nên hành trang nặng tới mấy cũng phải tự mang. Hành trình tới đỉnh không có suối, nên việc đem đủ lượng nước là vô cùng cần thiết.

Mang vác trên vai hành trang nặng khoảng 5 kg trong điều kiện bình thường là chuyện không quá khó khăn. Nhưng khi leo núi, 5 kg đó lại trở thành “kẻ thù” muốn được vứt đi nhất. Đường lên núi dốc, trơn trượt, hoàn toàn hoang vu. Bàn chân người leo lúc nào cũng phải bám chặt vào giày, miết xuống đất để giữ thăng bằng. Người nào leo núi không quen, sẽ rất khó chịu. Có vô số kỹ năng cần học nếu bạn là người lần đầu leo núi, như cách uống nước sao cho vừa đỡ khát vừa không tốn, cách điều tiết hơi thở để giữ sức, đặt chân ở vị trí nào thì vững vàng…

Nếu như leo lên đỉnh núi khá gian nan thì khi xuống núi cũng vất vả không kém. Đi xuống thì nhanh hơn nhưng đôi chân cũng chịu nhiều “đau khổ” hơn cả. Độ dốc của Hàm Lợn khiến bạn luôn phải thúc mũi chân vào giày và miết vào đất để giữ người lại. Chuyện thi thoảng “dập mông” lết đi bằng bàn tọa, đi lên một đường, đi xuống bằng đường khác là điều khó tránh khỏi.

“Đoàn mình đi xuống thì hết sạch nước uống. Trời nóng rát khiến cổ họng khô như rang. Thực sự, lúc ấy mới hiểu thế nào là “khát khô cổ”, thế nào là sự quý giá của nước”, Tuyết, một cô gái lần đầu leo núi, than thở.

Mệt nhọc là thế, nhưng không khí dễ chịu và thoải mái trong rừng sẽ là phần thưởng quý giá đền đáp những giọt mồ hôi và đôi chân mỏi nhức. Cảnh sắc càng lên cao càng hữu tình với rừng thông rộng lớn, làng mạc, thôn xóm, sông núi nhỏ xíu như tranh họa đồ phía dưới.

Cắm trại trên đỉnh núi.
Từ trên cao nhìn xuống.

Một đêm trên núi

Các đoàn leo núi thường thích nghỉ lại một đêm trên núi để tận hưởng sự êm dịu của thiên nhiên. Trước khi trời chuyển sang nhá nhem, đoàn cần chọn được chỗ nghỉ bằng phẳng và an toàn. Đêm trên núi thường xuống rất nhanh và vì không có ánh sáng nhân tạo nên sẽ rất khó nếu lúc đó còn loay hoay dựng lều.

“Lều bạt xong xuôi, bọn mình ngồi quanh, vừa mệt, vừa đói, vừa… bẩn. Bữa tối trở nên ngon lành bởi năng lượng đã cạn kiệt sau một ngày leo bộ. Gió lồng lộng, chỉ một thoáng đã tan hết mồ hôi, cho cả đám cảm giác cơ thể… sạch sẽ như vừa tắm. Nhưng chỉ khoảng đến 8 giờ tối, xung quanh bỗng biến thành một cái… tủ lạnh, dù đang là giữa những ngày hè nóng nực nhất”, anh Hồ Viết Thịnh (Đống Đa, Hà Nội), người leo núi Hàm Lợn, nói.

Ngủ một đêm trên núi không dễ chịu như nằm giường ở nhà, bởi nền đất lổn nhổn sỏi đá, rễ cây. Nhưng đó cũng là một trải nghiệm thú vị. Buổi sáng trước khi mặt trời lên cao, không khí dịu mát. Các thành viên leo núi đều dậy sớm, giẫm lên cỏ còn ướt sương, nhìn bầu trời nhiều mây lãng đãng, hít căng lồng ngực thứ oxy thuần khiết của rừng xanh trước khi xuống núi.

Núi Hàm Lợn không phải là địa danh nổi tiếng nhưng ngày càng có nhiều bạn trẻ tới đây cắm trại hoặc leo núi rèn luyện thân thể. Vì là nơi không có khai thác dịch vụ, nên việc đảm bảo an toàn cũng như vệ sinh đều do bản thân tự lo liệu, bạn cần chú ý đi cùng những người có kinh nghiệm sinh tồn trong rừng sâu. Bạn cũng nhớ mang rác về để tránh làm tổn hại môi trường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

‘Giải nhiệt’ tại những dòng suối, thác nước gần Hà Nội...

0
(SGTT) - Những dòng suối, thác còn khá hoang sơ ở Hoà Bình, Tuyên Quang hay Thái Nguyên... là gợi ý để du khách...

Cao tốc từ TPHCM ra Nha Trang có 5 trạm dừng...

0
(SGTT) - Gần 400km cao tốc từ TPHCM đến Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà đã được bố trí 5 trạm dừng nghỉ tạm. Các...

Du khách đổ về bán đảo Sơn Trà ‘săn’ hoa tím...

0
(SGTT) - Những ngày cuối tháng 4, cây thàn mát mọc tự nhiên trên bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng lại nở...

Nha khoa thực hiện 120.000 ca cấy ghép implant nay đã...

0
Là tập đoàn y tế với nhiều chi nhánh tại Hàn Quốc, nha khoa Plan vừa qua đã khai trương phòng khám tại TP....

Chiêm ngưỡng bảo vật hơn 300 tuổi ở làng nghề Thổ...

0
(SGTT) - Bức cửa võng đình làng nghề Thổ Hà, xã Vân Hà (thị xã Việt Yên, Bắc Giang) có tuổi đời hơn 300...

Check-in núi đá giữa ruộng lúa ở Đồng Nai

0
(SGTT) – Toạ lạc tại huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, núi đá Chữ Thập là điểm check-in quen thuộc của nhiều người trong...

Kết nối