Chủ Nhật, Tháng Năm 12, 2024

Cải lương cố gắng sáng đèn với sử Việt

Nguyễn Huy –

Giữa tháng 3 vừa qua, sân khấu cải lương tư nhân Lê Hoàng triển khai dự án cải lương sử Việt mang tên Hồn Việt. Toàn bộ các tiết mục trong chương trình này nhằm mục đích tôn vinh các anh hùng và ca ngợi những trang sử hào hùng của dân tộc.

Trước Hồn Việt, các nghệ sĩ gắn bó với nghề đã xoay trở trong khó khăn để tuồng tích sử Việt vẫn sáng đèn định kỳ đến với công chúng.

Chọn nhân vật lịch sử cho sân khấu

suviet Một trích đoạn cải lương sử Việt được trình diễn tại rạp Công Nhân.

Cải lương trên sân khấu đang khủng hoảng, điều này đã xảy ra từ khá lâu. Nghệ sĩ cải lương phải chạy đôn chạy đáo kiếm sống qua sô đám tiệc, tham gia gameshow truyền hình để được sống với nghề và để kiếm tiền mưu sinh đã trở thành bình thường hiện nay. Trong bối cảnh ảm đạm ấy, vẫn còn một số nghệ sĩ tâm huyết với cải lương. Họ không chấp nhận cải lương mất hẳn trên sân khấu nên lắm nghệ sĩ lao tâm khổ tứ để cho bộ môn nghệ thuật cải lương hấp dẫn hơn khi những người nghệ sĩ ấy không chỉ cố gắng giữ cho cải lương trên sân khấu, mà còn dùng cải lương để khơi gợi lên tinh thần dân tộc qua các vở có tuồng tích lịch sử Việt Nam.

Chương trình Về lại cội nguồn của nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Kim Tử Long đã hoạt động được khá lâu tại rạp Công Nhân. Đây là một chương trình tập hợp các trích đoạn lịch sử của Việt Nam thông qua câu chuyện cuộc đời của các anh hùng dân tộc, các nhân vật ghi dấu ấn đặc biệt ở nhiều triều đại như Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Tô Hiến Thành… Để duy trì hoạt động định kỳ, NSƯT Kim Tử Long đã phải đối mặt rất nhiều khó khăn.

“Làm cải lương lịch sử khó hơn nhiều so với thể loại tâm lý xã hội hiện đại. Thứ nhất, kịch bản phải bảo đảm tính chính xác của dữ kiện lịch sử. Thứ nhì, cần phục trang khá tốn kém. Thứ ba, diễn viên phải biết vũ đạo, điệu bộ và lối nói chuyện theo văn phong cổ. Tất cả những yếu tố này buộc diễn viên tập luyện công phu hơn và đầu tư tốn kém hơn”, nghệ sĩ Kim Tử Long cho hay.

Ông cho biết, trong tình hình khán giả không còn tha thiết đến rạp, việc sân khấu dám khai thác vào thể loại khó này là mạo hiểm nhưng cũng thể hiện sự trân trọng của người làm nghệ thuật với lịch sử nước nhà. “Chúng tôi hy vọng rằng những khán giả đã xem tuồng lịch sử Việt Nam trên sân khấu sẽ hiểu rõ hơn về tiền nhân và tự hào về lịch sử dân tộc. Từ đây, thế hệ trẻ sẽ nhìn lại rõ ràng quá khứ để không phải tôn sùng thái quá những nhân vật anh hùng trên phim ảnh nước ngoài đang tung hoành trong đời sống giải trí hiện nay”, ông nói thêm.

Còn chương trình Hồn Việt của sân khấu Lê Hoàng sẽ có từng chủ đề riêng cho từng tháng. Ở số đầu tiên, nhà sản xuất đặt tên là Hòn vọng phu. Theo đó, tiết mục mở màn có hai ca cảnh do các nghệ sĩ trẻ thể hiện. Kế đến nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết trình diễn ca cảnh Vọng chinh phu. Tiếp nối chương trình cặp đôi nghệ sĩ Chí Linh-Vân Hà hát trích đoạn của tuồng cải lương Tiếng trống Mê Linh. Sau cùng là tiết mục ca nhạc vũ kịch Hòn vọng phu qua phần trình diễn của hai ca sĩ Vỹ Khang và Hương Giang.

Cần sự hợp sức

Theo ông bầu trẻ Lê Hoàng, tại mỗi chương trình trong Hồn Việt sẽ giới thiệu đến khán giả chân dung của một vị anh hùng dân tộc khác nhau. Để có được những tuồng tích hay, hấp dẫn và phản ánh sống động cuộc đời của những nhân vật kiệt xuất, các nghệ sĩ ở sân khấu Lê Hoàng thường xuyên ngồi lại với nhau bàn bạc kịch bản cũng như sắp xếp các bài bản cải lương sao cho hợp lý. Tinh thần làm việc tập thể này là một phần quan trọng để Hồn Việt có động lực theo đuổi cải lương lịch sử Việt Nam phục vụ khán giả theo định kỳ chứ không phải gián đoạn lúc có lúc không. Cùng với đó, ở mỗi chủ đề, sẽ xuất hiện một nghệ sĩ có tên tuổi khác nhau để tạo sức hút cho khán giả.

Khi nghe đến kế hoạch trình diễn cải lương sử Việt Nam mang tính định kỳ, nhiều người có tâm huyết với cải lương băn khoăn do vào đầu năm ngoái,  Công ty Thái Dương – đơn vị chủ quản sân khấu Idecaf – đã phối hợp Hội Nghệ sĩ TPHCM thực hiện chương trình Tôi yêu cải lương nhưng chương trình có vẻ không thuận lợi. Đây là chương trình tôn vinh lịch sử Việt Nam nên ngay vở đầu tiên, đạo diễn – NSƯT Hoa Hạ đã miêu tả cuộc đời bi tráng của quận công – tả quân Lê Văn Duyệt.

Đây là một vở diễn được giới chuyên môn đánh giá hay cả nội dung lẫn phong cách trình diễn của nghệ sĩ. Điểm diễn được chọn là Nhà hát Bến Thành rất thuận tiện giao thông. Tuy nhiên, sau vở diễn đầu tiên, người ta không còn thấy vở thứ hai mở màn mà nhiều người đoán già đoán non là do tình hình bán vé không được khả quan.

NSƯT Kim Tử Long cho biết mình rất muốn xây dựng hẳn những vở tuồng lịch sử hoành tráng với điểm diễn trang trọng là Nhà hát TPHCM. Theo ông, làm được như thế thì tác động giáo dục sẽ hiệu quả hơn làm vở nhỏ tại các sân khấu nhỏ, tuy nhiên, vì giới hạn về mặt tài chính nên ước muốn này đành gác lại. “Nhiều năm trước tôi thường xuyên dựng tuồng sử Việt tại nhà hát thành phố và tạo hiệu ứng mạnh từ truyền thông đến khán giả”, ông kể lại kinh nghiệm của mình.

Theo một đạo diễn cải lương, giới cải lương vui mừng vì vẫn còn vài ông bầu quyết “sống chết” với cải lương, lại chọn cải lương tuồng tích sử Việt với ý định giáo dục tinh thần yêu nước, giúp công chúng trân quý lịch sử dân tộc. Nhưng suy cho cùng, đạo diễn này cho rằng các chương trình cải lương sử Việt hiện nay chỉ mới dừng lại ở thể loại trích đoạn tổng hợp, điều này cũng phản ánh thực tế cải lương vẫn èo uột trên sàn diễn, và phải bấu víu vào các chương trình truyền hình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Muôn sắc hoa Xuân ở Interlaken, Thụy Sĩ

0
(SGTT) – Là điểm du lịch nổi tiếng ở miền Trung Thụy Sĩ, Interlaken vào mùa Xuân được tô điểm bởi muôn sắc hoa,...

Tàu cao tốc TPHCM – Côn Đảo chạy từ 13-5

0
Từ ngày 13-5, Công ty Cổ phần tàu cao tốc Phú Quốc sẽ đưa vào hoạt động tuyến vận chuyển hành khách cố định...

Ngắm hoàng hôn trên đồi Vọng Cảnh

0
(SGTT) – Đồi Vọng Cảnh nằm ở phía Tây nam thành phố Huế, chân đồi tiếp giáp bờ sông Hương. Với khung cảnh thanh...

Dấu xưa trên bến Bình Đông

0
(SGTT) - Bến Bình Đông được ví như một “không gian di sản” với các dãy nhà đậm nét kiến trúc đặc thù của...

Chọn thịt gà, tôm làm điểm nhấn cho mâm tiệc trưa...

0
(SGTT) – Thịt gà và tôm là hai loại thực phẩm quen thuộc trong bữa cơm gia đình hay mâm tiệc. Hôm nay, chúng...

Bữa sáng Sài Gòn: Phở sườn bò cổng trường Trần Bình...

0
(SGTT) - Sườn bò là một trong những phần ăn kèm của món phở bò mà chỉ một số ít quán bán. Theo đó,...

Kết nối