Thứ Hai, Tháng Năm 13, 2024

Ưu tư vì học ngoại ngữ hiếm        

BAN CAO – 

“Ra trường thì sẽ làm nghề gì?” là câu hỏi khá quen thuộc đối với các bạn sinh viên học chuyên ngành ngôn ngữ Tây Ban Nha, Đức, Ý… hay các ngoại ngữ có ít người học. Tuy nhiên trên thực tế, triển vọng nghề nghiệp của sinh viên ngoại ngữ hiếm là vô cùng lớn.

Học để đón đầu

53c33706_DSC02855

Sinh viên tham dự ngày hội việc làm Đức – Talent Biz cuối tháng 10-2015 tại TPHCM.

Trương Ngọc Nam, nữ sinh viên năm thứ ba của khoa Ngữ văn Tây Ban Nha (trường Đại học KHXH&NV TPHCM), cho biết cô chọn ngành Tây Ban Nha vì tiếng Tây Ban Nha đang khá trở nên phổ biến trên thế giới, mà người Việt còn khá bỡ ngỡ với ngôn ngữ này. “Mình muốn là một trong những người tốp đầu học tiếng Tây Ban Nha tại nước mình để mọi người bắt đầu chú ý và có cái nhìn đúng hơn về nó”, Ngọc Nam chia sẻ.

Theo cô sinh viên này, nhận định cá nhân của cô sắp tới, Hiệp định TPP có hiệu lực mà trong khối còn có một số nước nói tiếng Tây Ban Nha như Chile, Mexico, Peru… Như vậy, trong tương lai những người theo học ngôn ngữ này sẽ có lợi thế nhất định.  “Ra trường, mình có thể làm du lịch, thương mại, đặc biệt là biên-phiên dịch”, cô nói.

Cũng học ở ngôi trường này, Nguyễn Ngọc Trâm Anh hiện đã là sinh viên năm 4 khoa Ngữ văn Ý. Với cô, việc đến với tiếng Ý hoàn toàn là do yêu thích. Theo cô, việc làm cho sinh viên tiếng Ý là rất nhiều, có thể kể đến như du lịch, biên-phiên dịch, dịch phim, làm tại các công ty Ý. Khoa Ngữ văn Ý là một khoa mới của trường Đại học KHXH&NV TPHCM, và khóa của Trâm Anh là khóa đầu tiên ra trường. Hiện cô đang vừa học vừa làm thêm tại một doanh nghiệp của Ý.

Ông Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học KHXH&NV TPHCM cho biết hiện sinh viên ngoại ngữ của trường là khoảng 1.000 trên tổng số 2.800 sinh viên. Ông cho biết, sinh viên ngoại ngữ ra trường thường làm việc tại các công ty du lịch, thương mại, các cơ quan đại diện của nước ngoài tại Việt Nam hoặc công việc biên-phiên dịch.

Hiếm vẫn là hiếm

Một trong những ngành đang thiếu nguồn sinh viên biết ngoại ngữ hiếm hiện nay là ngành du lịch. Theo một thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong số hơn 6.700 hướng dẫn viên du lịch quốc tế tại Việt Nam, có tới 3.699 người chuyên tiếng Anh, 995 người chuyên tiếng Pháp, 961 người biết tiếng Trung Quốc. Trong khi đó chỉ có 431 người sử dụng tiếng Nhật, 375 người rành tiếng Đức, 147 người nói được tiếng Tây Ban Nha…

Cũng bởi vậy, hiện nhiều công ty du lịch khá chật vật trong việc tìm hướng dẫn viên dẫn đến việc phải từ chối nhiều nguồn khách từ Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Đức hay Tây Ban Nha… Anh Trần Phan Hiển, hiện đang làm freelance (hướng dẫn viên tự do) cho các công ty du lịch cho rằng, nghề hướng dẫn viên lúc nào cũng thiếu nhân lực biết ngoại ngữ hiếm, nguồn khách này vô cùng dồi dào mà người biết ngoại ngữ lại ít. Theo anh, do biết tiếng Đức nên được nhiều công ty du lịch “săn đón”, sẵn sàng trả lương cao và mỗi dịp lễ, tết là làm không xuể. “Sinh viên du lịch thì không có kỹ năng ngoại ngữ, mà sinh viên ngoại ngữ lại thiếu kỹ năng hướng dẫn viên”, anh nhận xét.

Bà Bùi Mỹ Hạnh, Trưởng khoa Ngữ văn Nga trường Đại học KHXH&NV TPHCM, cho biết sinh viên tiếng Nga của khoa đa số đều làm tại các khu du lịch tại Phan Thiết, Phú Quốc, Nha Trang… “Khi khu Vinpearl 2 tại Phú Quốc mới mở, doanh nghiệp này đã gọi điện đặt hàng sinh viên về làm”, bà nói.

Còn với việc làm tiếng Đức, thì theo kết quả khảo sát đầu quí 3-2015 của Hiệp hội Các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam, gần 50% doanh nghiệp Đức tham gia trả lời cho biết có nhu cầu tuyển sinh viên thực tập từ nay đến năm 2017. Đồng thời gần 60% doanh nghiệp Đức tham gia khảo sát cho biết sẽ hợp tác với các trường đại học, cao đẳng trong vòng ba năm tới.

Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, đại diện một doanh nghiệp Đức tại TPHCM cho biết, tuyển được sinh viên biết tiếng Đức là mừng rồi, chưa cần nói đến kinh nghiệm hay kỹ năng, bởi công ty sẽ cho đào tạo sau.

Hai ngoại ngữ  vẫn tốt hơn

Theo một ghi nhận nhỏ tại một lớp ngữ văn Pháp của trường Đại học KHXH&NV TPHCM, phần lớn các bạn sinh viên ra trường lại không làm các công việc liên quan đến tiếng Pháp. Họ thường chọn làm điều phối du lịch, học văn bằng hai về kế toán, quản trị kinh doanh hoặc quan hệ quốc tế. Chỉ có một số ít chọn dạy tiếng Pháp hoặc làm tại các công ty Pháp.

Lý giải nguyên nhân này, Phương Uyên, cô sinh viên vừa tốt nghiệp ngành ngữ văn Pháp, cho biết các công ty Pháp hiện nay cũng tuyển cả sinh viên biết tiếng Anh, nên các bạn bị cạnh tranh rất gắt. Nhiều công ty còn yêu cầu biết cả tiếng Anh và tiếng Pháp. Đồng thời, các doanh nghiệp khi tuyển dụng thì lại đòi hỏi sinh viên phải có kỹ năng chuyên ngành bên cạnh kỹ năng ngoại ngữ. Do đó, không ít sinh viên phải học văn bằng hai để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng.

Với sinh viên khoa Nga thì năm 2015 là một năm đầy biến động. Theo bà Hạnh, các sự kiện chính  trị giữa Ukraine và Nga đã làm giảm hẳn lượng hẳn khách Nga vào Việt Nam. Trong năm vừa qua, một loạt sinh viên khoa Nga làm du lịch đã không có việc làm, phải bươn chải làm việc khác.

Không những thế, cùng lượng khách Nga, số sinh viên theo học khoa này cũng giảm hẳn, mà theo bà Hạnh, lượng sinh viên tốt nghiệp giảm 10% năm 2015. “Sinh viên cảm thấy tương lai không ổn định, nhảy sang học ngành khác hoặc tiếng Anh, nhiều bạn do nản chí mà bỏ học giữa chừng”, bà nói.

Cũng theo bà Hạnh, tiếng Nga vào thời điểm hai, ba năm trước còn khá mạnh nhưng hiện nay đang chững lại, nhu cầu tuyển dụng bấp bênh. Vì vậy, ngoài tiếng Nga, sinh viên nên học thêm các tiếng khác như tiếng Anh hoặc văn bằng hai để tìm kiếm được nhiều cơ hội tốt hơn. “Nhiều thứ bấp bênh như vậy thì sẽ thiệt thòi nếu chỉ biết một thứ”, bà Hạnh bày tỏ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Đi thuyền buồm ngắm cảnh đôi bờ sông Nile tại Aswan,...

0
(SGTT) – Đi thuyền buồm ngắm cảnh đôi bờ sông Nile là trải nghiệm được nhiều du khách yêu thích khi đến thành phố...

Bảy đóa sen ‘nở’ trên sông Hương mừng Đại lễ Phật...

0
(SGTT) - Ban Tổ chức Đại lễ Phật đản năm 2024 tỉnh Thừa Thiên Huế vừa hạ thủy bảy hoa sen giữa dòng sông...

Nhiều nước bắt đầu đánh thuế xe điện

0
(SGTT) - Các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu đang triển khai các loại thuế phí mới đối với xe điện. Động...

Dự kiến tháng 6 chọn xong nhà thầu trạm dừng cao...

0
(SGTT) - Theo kế hoạch, 8 trạm dừng trên cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 mở thầu vào...

Hơn 90.000 chứng chỉ ngoại ngữ cấp sai quy định của...

0
(SGTT) - Theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các chứng chỉ tiếng Anh Aptis và IELTS cấp sai quy...

Toàn cảnh depot Long Bình với góc nhìn từ trên cao

0
(SGTT) - Depot Long Bình nằm tại thành phố Thủ Đức, có diện tích trên 20 hec-ta. Đây là trung tâm điều khiển và...

Kết nối