Thứ Ba, Tháng Năm 7, 2024

TPHCM: Lò bánh tét, bánh chưng ‘sáng đêm đỏ lửa’ phục vụ Tết

(SGTT) – Các lò bánh chưng, bánh tét tại TPHCM những ngày này đang hối hả thực hiện công đoạn gói, nấu bánh để kịp đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong dịp Tết Nguyên đán.

Lượng đơn đặt hàng bánh tét, bánh chưng tại các cơ sở sản xuất bánh tăng cao trong những ngày giáp Tết. Ngoài gói bánh theo cách thủ công, nhiều lò đã đầu tư các thiết bị, máy móc để hỗ trợ trong khâu đóng gói, nhằm đảm bảo chất lượng, tạo dựng uy tín trên thị trường.

Để thực hiện số lượng bánh tét lớn giao cho khách trong dịp Tết, gia đình chị Thanh Bình, chủ cơ sở làm bánh tét tại huyện Hóc Môn, TPHCM tất bật gói bánh từ đêm và nấu đến sáng hôm sau. Ảnh: Thái Bảo
Gia đình chị Bình là một trong những nơi còn lưu giữ nghề truyền thống gói bánh tét tại TPHCM. Chị Bình cho biết đã nối nghiệp gia đình gần 40 năm nay. Ảnh: Thái Bảo
Thời gian nấu bánh vào “cao điểm” từ ngày 20 tháng Chạp đến đêm giao thừa. Những lò nấu bánh luôn đỏ lửa từ đêm đến sáng để kịp giao cho khách. Ảnh: Thái Bảo
Những đòn bánh tét khi nấu chín sẽ được treo lên để khô lá và nguội bánh, việc này góp phần giúp bánh lâu thiu. Ảnh: Thái Bảo
Những đòn bánh tét sau khi phơi cho ráo nước sẽ được xếp chồng lên nhau. Ảnh: Thái Bảo
Ngoài lò bánh tét của gia đình chị Thanh Bình, tại lò bánh chưng gia truyền của anh Văn Ước, chủ cơ sở bánh chưng Nguyễn Gia tại quận Tân Bình, TPHCM, các nhân công đang tất bật gói bánh. Dịp Tết này, người nhà của anh từ Phú Thọ cũng vào TPHCM để phụ nấu bánh, nhằm lưu giữ hương vị bánh chưng gia truyền của gia đình. Ảnh: Cẩm Quyên
Ngày thường, lò bánh chưng của anh Ước nấu từ 200 đến 300 cái. Nhưng vào dịp Cận Tết Nguyên Đán 2024, lò của anh Ước sẽ hoạt động hết công suất để phục vụ thị trường TPHCM với số lượng bánh làm ra có thể đạt từ 2.000 đến 3.000 cái/ngày. Ảnh: Cẩm Quyên
Thay vì nấu bằng bếp than hay bếp củi, anh Văn Ước chuyển sang nấu bánh chưng bằng bếp gas để đẩy nhanh quy trình sản xuất. Mỗi lò nấu được 100 đến 120 chiếc bánh, trong thời gian từ 8 đến 10 tiếng. Ảnh: Cẩm Quyên
Cơ sở sản xuất của anh Ước cũng đầu tư 5 máy hút chân không để đóng gói cho bánh chưng. Việc hút chân không nhằm tránh vi khuẩn xâm nhập vào bên trong bánh, hạn chế bánh bị ẩm mốc, đồng thời duy trì thời gian sử dụng bánh lâu hơn. Ảnh: Cẩm Quyên
Bánh chưng hút chân không có giá dao động từ 70.000 đồng đến 90.000 đồng/cái. Theo anh Ước, bánh chưng của lò ngoài phục vụ thị trường Tết  tại TPHCM, anh còn cung ứng sang các nước Singapore, Campuchia… nhằm mở rộng và kết nối thị trường tiêu thụ. Ảnh: Cẩm Quyên

Thái Bảo – Cẩm Quyên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề