Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Tổ chức hợp tác rừng châu Á đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát triển tài nguyên đa dạng sinh học tại VQG Cát Tiên

(SGTT) - Mới đây, đoàn công tác của Trung tâm Hợp tác lâm nghiệp Hàn Quốc - Mekong (KMFCC) do tiến sĩ Kong Young Ho, Giám đốc KMFCC, làm trưởng đoàn, đã có chuyến công tác tại Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên, để giám sát, đánh giá các hoạt động của Dự án “Bảo tồn và phát triển tài nguyên đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng VQG Cát Tiên” do Tổ chức hợp tác rừng châu Á (AFoCO) tài trợ.

Dự án “Bảo tồn và phát triển tài nguyên đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng VQG Cát Tiên” đã được triển khai từ ngày 8-7-2021 và được thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025 nhằm cải thiện công tác bảo tồn và phát triển tài nguyên đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng tại VQG Cát Tiên, gắn với cải thiện sinh kế bền vững cho cộng đồng vùng đệm. Dự án có tổng kinh phí 1.232.000 đô la Mỹ.

Ông Phạm Xuân Thịnh, Giám đốc VQG Cát Tiên, phát biểu trong buổi làm việc với Đoàn công tác KMFCC. Ảnh: Trần Vy

Mục tiêu của dự án còn nhằm nâng cao kiến thức, chia sẻ thông tin về giá trị đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng của VQG Cát Tiên cho các nhà quản lý và hoạch định chính sách ở địa phương, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và tác động xã hội đến đa dạng sinh học của VQG Cát Tiên.

Tiến sĩ Phạm Hữu Khánh, Trưởng phòng khoa học và hợp tác quốc tế VQG Cát Tiên, báo cáo lộ trình thực hiện dự án (18 kết quả, tổng 67 hoạt động) đã có 32 hoạt động hoàn thành, 18 hoạt động đang thực hiện, còn lại 17 hoạt động chưa thực hiện. Ảnh: Trần Vy

Để tăng cường hợp tác và triển khai các hoạt động tài trợ của AFoCO, Hàn Quốc đã thành lập Trung tâm KMFCC, có trụ sở chính tại Phnom Penh, Campuchia. Trung tâm này ngoài chức năng triển khai các hoạt động hỗ trợ cho các nước tiểu vùng sông Mekong trong quá trình trồng và bảo vệ rừng,còn thay mặt cho AFoCO theo dõi, hướng dẫn triển khai các dự án trên địa bàn ở 4 quốc gia tiểu vùng sông Mekong.

Trong chuyến công tác tại VQG Cát Tiên, phái đoàn của KMFCC đã tham gia rất nhiều hoạt động như họp báo cáo, khảo sát thực địa tại nhiều điểm thực hiện chương trình: rừng trà hoa vàng, khu vực lưu giữ mẫu lan rừng, khu vực trảng cỏ, Bàu Chim, Bàu Sấu…

Đoàn công tác KMFCC thăm Bàu Chim, VQG Cát Tiên. Ảnh: Nam Sơn

Ngoài ra, đoàn công tác của KMFCC cũng đã kiểm tra, giám sát tiến độ của các dự án liên quan đến quá trình nâng cao năng lực quản lý bảo tồn và thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, thử nghiệm các mô hình cải thiện sinh kế bền vững cho người dân sống ở vùng đệm.

Tiến sĩ Kong Young Ho, chia sẻ: “Được trải nghiệm thực tế cũng như tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của những người dân sống ở vùng đệm tại đây, tôi rất hạnh phúc. KMFCC cam kết sẽ phối hợp với AFoCO, VQG Cát Tiên và cộng đồng người dân địa phương để thực hiện dự án một cách hiệu quả nhất”.

Ông Lưu Tiến Đạt, chuyên viên chính của Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chia sẻ ý kiến với bà con vùng đệm ở VQG Cát Tiên. Ảnh: Nam Sơn

Theo ông Lưu Tiến Đạt, chuyên viên chính của Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dự án này là một trong những dự án thành công, sinh kế của bà con vùng đệm được cải thiện, từ chính những ý kiến góp ý hết sức tích cực của người dân địa phương.

Đoàn công tác KMFCC trực tiếp khảo sát thực địa. Ảnh: Nam Sơn
Tổ chức hợp tác rừng châu Á (AFoCO) do chính phủ Hàn Quốc chủ trì và sáng lập, bao gồm Hàn Quốc và 10 quốc gia ASEAN. Tổ chức được thành lập từ năm 2012, tiền thân là Hiệp định Hợp tác Lâm nghiệp giữa ASEAN và Hàn Quốc, và đến năm 2017 thì chính thức trở thành Tổ chức hợp tác rừng châu Á (AFoCO).
Việt Nam là một trong những quốc gia phê chuẩn hiệp ước này sớm nhất (chỉ sau Hàn Quốc). AFoCO hoạt động rộng khắp ở 10 nước ASEAN trong đó tập trung ở 4 quốc gia tiểu vùng sông Mekong: Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam.

Đinh Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối