Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024

Thơm hương bánh thuẫn ngày tết

(SGTT) – Tháng Chạp, mấy đứa cháu bắt đầu kể lể chuyện nhà này nhà nọ đang làm bánh tết. Nội tủm tỉm cười rồi tìm trong chạn cái khuôn bánh thuẫn, đem rửa sạch sẽ. Chọn ngày Chủ nhật, ai nấy đều ở nhà, nội kéo mấy đứa cháu ra trước sân và bắt đầu bày biện bếp lò đổ bánh.

Lựa mớ trứng gà mới đẻ hôm trước, nội giao mấy đứa nhỏ đập vào cái thau sạch. Nội bảo trứng tươi thì bánh mới ngon và thơm. Đánh trứng gà cho thật bông, rồi từ từ cho đường vào, tiếp tục đánh đều đến khi hỗn hợp bông lên, chuyển thành màu trắng ngà.

Bây giờ có máy đánh trứng, hoặc chí ít cũng là cây phới lồng. Còn ngày đó là cây đũa to được chẻ tư ở một đầu, nhét mẩu gỗ nhỏ vào giữa cho phồng ra rồi buộc túm lại phần đầu đũa thành cây đánh trứng. Trộn đều bột năng và bột bình tinh rồi đổ vào thau trứng đã đánh bông, khuấy liên tục để hỗn hợp bột quyện hẳn vào nhau. Đánh càng mạnh và đều tay thì lúc đổ bánh mới ngon.

Cho thêm vani và bột nở vào và tiếp tục trộn thành một thau bột sánh dẻo, mịn màng, không vón cục là được. Hai nguyên liệu cuối này sẽ giúp bánh thơm và nở đẹp theo hình dạng của khuôn.

Hoàn tất công đoạn chuẩn bị bột là mấy đứa nhỏ cũng đã nhen xong bếp than. Đợi lửa hừng, đặt khuôn lên bếp cho nóng rồi quét một lớp dầu ăn quanh khuôn để khỏi dính bánh. Khuấy bột thêm một vòng cho đều, nội múc từng muỗng bột khéo léo rót đầy vào từng khuôn, đậy nắp lại.

Nắp khuôn bánh thuẫn cũng khá đặc biệt khi được thiết kế như một cái khay úp ngược, bằng phẳng để có thể đặt than lên trên nắp. Than trên than dưới như vậy sẽ khiến lửa nóng sẽ bao phủ toàn bộ khuôn, giúp bánh được chín đều.

Chừng cỡ 5 phút mở nắp ra, cẩn thận thì lấy que tăm xiên vào bánh, nếu rút ra mà bột không dính vào tăm nghĩa là bánh đã chín. Nhưng với tay nghề lâu năm, nội chỉ cần nghe mùi thơm, nhìn màu bánh là đã quyết đoán nhấc khuôn xuống, úp ngược và trút bánh ra cái rột. Cái khuôn gang nặng trịch, nóng rẫy, sơ sẩy là bỏng nên chỉ có nội mới làm được khâu cuối này.

Rót bột cho đầy từng khuôn. Ảnh: Việt An
Bánh chín bên ngọn lửa hồng liu riu. Ảnh: Việt An

Mẻ bánh đầu tiên đương nhiên là dành cho đám cháu đã háo hức từ mấy bữa nay. Cũng may là khuôn có đến 12 bánh nên không đứa nào thiếu phần. Bánh thuẫn ăn nóng hay nguội đều ngon, nhưng hấp dẫn nhất vẫn là bánh mới ra lò, lúc đó mùi thơm bay ngào ngạt, vừa ăn vừa thổi phù phù.

Bánh mềm mịn, xốp mà không bở, thoảng hương ngọt dịu của đường, thơm ngậy của trứng và bột, cực kỳ gây kích thích. Bánh ngon thì phải nở phồng như bông hoa năm cánh, phía trên là màu vàng ươm đẹp mắt, phía dưới vàng nâu như đài hoa bao bọc. Nội bảo, tết đến, đâu đâu cũng nở hoa cho tươi tắn, may mắn cả năm nghen con.

Đổ bánh ra một cách khéo léo sẽ giữ được nguyên mẻ bánh thành một bông hoa to. Ảnh: Việt An

Còn vài mẻ cuối, nội đem hong trên bếp than liu riu cho tới khi vỏ bánh khô giòn, như vậy bánh sẽ để được lâu hơn. Chờ bánh thật nguội, đem bỏ vào hộp, để dành tới tết. Một phần đưa lên bàn thờ cúng ông bà, phần còn lại để đãi khách đến chúc tết và cho mấy đứa cháu.

Từng cái bánh thuẫn be bé xinh xinh. Ảnh: Việt An

Bây giờ, mấy đứa cháu đã lớn, bận rộn với công việc. Dù nay chỉ có ra chợ mua bánh làm sẵn nhưng đến tết, trong nhà sẽ có một khay bánh thuẫn để con cháu cùng thưởng thức. Thói quen cũ không thay đổi bởi nội đã dặn, phải giữ lại chút hương xưa tết Việt.

Việt An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Trưa nay ăn gì: Thơm lừng bún gạo cật heo, có...

0
(SGTT) – Sau những ngày tiệc tùng cuối tuần, bữa trưa đầu tuần chọn một món dễ ăn từ nguyên liệu cho đến cách...

Trưa nay ăn gì: Thưởng thức bánh canh khô, món ăn...

0
(SGTT) – Trong văn hóa ẩm thực vùng miền, bánh canh khô là món ăn đặc trưng của người dân xứ Huế. Khi nấu...

Trưa nay ăn gì: Dễ ăn món bún gạo nấu thập...

0
(SGTT) – Sợi bún gạo trong ẩm thực Việt thường được quán ăn chế biến bằng hình thức xào với thực phẩm, rau củ....

Nồi lẩu hương vị đồng quê cùng thịt cá ngát

0
(SGTT) – Cá ngát là loại cá thân quen trong những bữa cơm gia đình Việt. Hôm nay, chúng được ứng dụng trong món...

Đầu xuân lại nhớ tô bún ốc vị quê nhà mẹ...

0
(SGTT) – Người ta thường nói, món bún ốc thưởng thức ngon miệng là khi trời se lạnh. Vậy nhưng, trong ký ức của...

Ớt Ariêu, vị tiêu Amót – gia vị đặc sắc núi...

0
(SGTT) - Để có hương vị món ăn thơm ngon và đặc sắc, người Cơ Tu vùng núi rừng Trường Sơn (Quảng Nam) thường...

Kết nối