(SGTT) – Sợi bún gạo trong ẩm thực Việt thường được quán ăn chế biến bằng hình thức xào với thực phẩm, rau củ. Hôm nay, cũng là sợi bún này nhưng nấu kiểu món nước, thức ăn kèm đa dạng có tên gọi chung là thập cẩm.
- Trưa nay ăn gì: Bữa trưa quốc tế với Tom Kha Kai, món ăn đặc trưng ẩm thực Thái Lan
- Trưa nay ăn gì: Đơn giản mà ngon món mì gói nấu sò điệp
- Trưa nay ăn gì: Bữa trưa văn phòng dậy vị cùng gà kho thơm
Theo đó, món ăn hôm nay có tên gọi là bún gạo nấu thập cẩm. Để món ăn chuẩn vị thì ba thành phần sau phải bảo đảm chất lượng, là: bún gạo, nước dùng và thịt thập cẩm. Đầu tiên, bún gạo ngon là được trụng vừa tới để giữ độ mềm, giòn. Quán ăn chọn bún khô để tăng thời gian bảo quản, còn người nội trợ nấu ăn tại nhà có thể chọn bún tươi giúp món ăn dậy vị hơn.
Về thập cẩm, đó là tên gọi chung cho sự đa dạng các loại thực phẩm nói chung trong món ăn thập cẩm. Tùy sở thích mà người nấu chọn một số nguyên liệu như thịt heo, thịt gà, thịt bò hay nhóm hải sản. Trong đó, phổ biến nhất là thịt bò, tôm sú, mực ống, trứng gà. Tưởng chừng, việc sử dụng quá nhiều nguyên liệu dễ khiến món ăn trở nên “rối” nhưng khi mọi người thưởng thức chúng lại hòa quyện mang đến hương vị khó quên.
Mỗi loại nguyên liệu phải đáp ứng hai tiêu chí: chọn mua loại ngon và sơ chế đúng cách. Nếu không, món ăn vừa không thơm ngon mà độ đẹp mắt cũng phần nào giảm. Ngày nay, quán ăn còn cho thêm một số loại thực phẩm nhập khẩu trong thập cẩm để mang đến cho thực khách trải nghiệm mới lạ hơn, như bò Mỹ, heo Mỹ hay tôm, cá hồi.
Nếu như sợi bún gạo ngon, thập cẩm tươi, phần nước dùng lại là yếu tố quyết định thành phẩm của tô bún gạo nấu thập cẩm thơm ngon. Hầu hết, xương ống heo là lựa chọn của quán ăn khi hầm lấy nước dùng bởi độ thanh ngọt của xương. Kết hợp thêm trong đó là ít củ cải trắng thả vào nồi nước cho thêm vị thanh.
Khi thực khách gọi món, người nấu lần lượt trụng bún gạo, cho vào tô, chan nước dùng và xếp thịt thập cẩm lên mặt trên. Dọn lên cùng tô bún gạo là đĩa rau sống kèm chén nước mắm mặn.