Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024

Quyền được thông tin đầy đủ

Tự Phong

Như vậy là cây trồng biến đổi gen (GMO) đã có hành lang pháp lý để phát triển trên diện rộng trong thời gian tới. Mặc dù cây trồng GMO chỉ tập trung làm thức ăn chăn nuôi, nhưng nhiều người vẫn còn băn khoăn về mặt sức khỏe khi sử dụng thực phẩm được nuôi từ nguồn nguyên liệu biến đổi gen.

Theo Hiệp hội Sản xuất thức ăn chăn nuôi, lâu nay Việt Nam phải nhập khẩu một lượng lớn bắp, đậu nành làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi từ những nước cho phép trồng cây biến đổi gen. Năm 2014, Việt Nam đã nhập hơn 4,6 triệu tấn bắp, tăng gấp hai lần về lượng, còn mặt hàng đậu nành có lượng nhập khẩu là 1,56 triệu tấn, tăng 20,5% so với năm 2013, theo số liệu của Bộ NN&PTNT. Điều này có nghĩa, dù muốn dù không, đã có một lượng lớn nguyên liệu có chứa GMO được nhập về Việt Nam thời gian vừa qua.

Không ít người thắc mắc, vì sao Việt Nam có nhập sản phẩm biến đổi gen về làm thức ăn chăn nuôi nhưng lại không “thông báo” để người tiêu dùng biết. Nhiều người cho rằng, khi trồng đại trà bắp GMO và sản phẩm dùng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm thì những sản phẩm như thịt, trứng… phải có dán nhãn với nội dung: sản phẩm có nguồn gốc biến đổi gen.

Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết không chỉ có Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới quy định sản phẩm biến đổi gen có hàm lượng đến một tỷ lệ nào đó khi bán cho người dùng làm thực phẩm đều phải dán nhãn. Nhưng sản phẩm biến đổi gen dùng làm thức ăn gia súc lại không có nước nào quy định cả, và quy định của Việt Nam cũng nằm trong xu hướng này.

Ông Vang lý giải, theo quy định hiện nay, người trồng bắp biến đổi gen rồi bán lại cho các trang trại nuôi heo không cần ghi nhãn trên bao bì sản phẩm. Còn các trang trại nuôi heo bằng bắp biến đổi gen này sau khi giết thịt, thịt heo không phải ghi câu: đây là heo được nuôi từ bắp biến đổi gen.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nguyễn Quốc Bình, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, cho rằng người tiêu dùng đang hiểu sai nội dung của Điều 43 trong Nghị định 69. Theo ông, gia súc, gia cầm được nuôi bằng bắp GMO không có nghĩa là chúng có chứa GMO. Đó là lý do tại sao nghị định không bắt buộc những người bán thịt gia súc, gia cầm nuôi bằng bắp GMO phải ghi nhãn là “sản phẩm có nguồn gốc biến đổi gen”.

Ông Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, khẳng định người tiêu dùng không thể nhận biết bằng mắt thường sản phẩm có GMO hay không. Chính vì vậy, Chính phủ mới có nghị định bắt buộc sản phẩm có nguồn gốc biến đổi gen khi nhập khẩu vào Việt Nam phải dán nhãn để người tiêu dùng lựa chọn. Nghĩa là doanh nghiệp khi nhập khẩu những sản phẩm GMO như bắp, đậu nành, khoai tây… phải ghi nhãn.

Được biết, hiện các nhà quản lý đang trong quá trình xây dựng một thông tư hướng dẫn về việc ghi nhãn đối với sản phẩm biến đổi gen sau khi cho phép trồng đại trà và sử dụng làm thực phẩm.

Thep Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), dù Việt Nam đã cho phép cây trồng GMO làm thực phẩm, nhưng trên thực tế ba giống bắp GMO chủ yếu là dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Loại bắp này được tạo từ giống nền là giống bắp lai NK 66, có nguồn gốc từ Thái Lan do Công ty Syngenta Việt Nam nghiên cứu lai tạo từ hai gống bắp có nguồn gốc nhiệt đới là NP5024 và NP5063. Năm 2002, giống này được khảo nghiệm và sau đó được Bộ NN&PTNT công nhận là giống quốc gia.

Như vậy, trong thời gian tới, nếu người dân chọn trồng ba giống bắp GMO nói trên thì sản phẩm sau đó chỉ có thể chế biến thức ăn chăn nuôi là chính, do bắp có lớp vỏ dày, rất khó ăn; ngược lại với giống bắp nếp, vốn được người dân trồng để làm thực phẩm hàng ngày, thường có vỏ mỏng, có vị béo và ngọt khi ăn.

[box type=”download”] Tiến sĩ Phan Thế Đồng, giảng viên Khoa Khoa học công nghệ của trường Đại học Hoa Sen TPHCM:

Hầu hết các mối quan tâm đến thực phẩm biến đổi gen (GMO) là những tác động tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng, về nguy cơ tiềm ẩn trong các sản phẩm GMO, tùy thuộc vào loại sinh vật được biến đổi gen. Hiện nay tại Mỹ chỉ chấp nhận những sản phẩm GMO trên thực vật.

Những mối nguy tiềm ẩn trong những sản phẩm được chế biến từ nguyên liệu biến đổi gen bao gồm nguy cơ gây dị ứng mới, nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm gia tăng, chất lượng dinh dưỡng giảm, và nguy cơ bị lờn thuốc gia tăng.

Gen di truyền được biến đổi theo hướng có lợi cho sản xuất nông nhiệp, song cũng sẽ dẫn đến sự sản sinh ra các protein lạ trong sản phẩm, có thể gây dị ứng và ngộ độc cho người tiêu dùng. Sinh vật biến đổi gen có thể sinh ra các hợp chất không có lợi cho tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng. Do đó làm chất lượng dinh dưỡng bị giảm.

Đối với sinh vật biến đổi gen dùng trong sản xuất, chế biến thực phẩm, có thể sản sinh ra các dòng vi sinh vật thích nghi với điều kiện môi trường bằng cách sinh ra các hợp chất kháng lại vi sinh gây bệnh. Các hợp chất này tương tự như các kháng sinh và có thể còn lại trong sản phẩm thực phẩm, vì vậy có thể dẫn đến tình trạng lờn thuốc cho người tiêu dùng. Mặt khác các vi sinh vật biến đổi gen có thể truyền gen biến đổi này cho các vi sinh vật trong đường ruột từ đó gây nên tình trạng lờn thuốc.

Trên đây là những nguy cơ được đưa ra từ các cơ sở khoa học. Tuy nhiên do việc hạn chế sử dụng các sản phẩm GMO nên cho đến nay những nguy cơ trên chưa được thực tế xác nhận.

Vũ Yến ghi[/box]

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Hiểu đúng về thực phẩm biến đổi gen

0
(SGTT) - Thực phẩm biến đổi gen là vấn đề gây tranh cãi triền miên trong ngành nông nghiệp thế giới nhiều năm qua,...

Thực phẩm biến đổi gen: lợi hại cân phân

0
Trang Quan Sen (*) Tăng năng suất và chất lượng cây trồng luôn là một trong những mục tiêu hàng đầu của con người. Với...

Mù mờ thực phẩm biến đổi gen

0
Vũ-Ngọc-Hùng Vấn đề thực phẩm biến đổi gen (Genetically Modified Organism – GMO) lại một lần nữa được xới lên sau khi Bộ Nông nghiệp...

Kết nối