Thứ tư, Tháng mười hai 11, 2024

Thực phẩm biến đổi gen: lợi hại cân phân

Trang Quan Sen (*)

Tăng năng suất và chất lượng cây trồng luôn là một trong những mục tiêu hàng đầu của con người. Với các phương pháp lai giống truyền thống người ta cần rất nhiều thời gian để hình thành một giống mới. Trái lại với công nghệ sinh học, cây trồng mục tiêu có thể được tạo ra nhanh và chính xác. Nhiều chuyên gia quả quyết rằng, thế kỷ 21 là thế kỷ của công nghệ sinh học, mà trong đó kỹ thuật di truyền đóng vai trò then chốt.

Tuy nhiên, việc áp dụng kỹ thuật di truyền trong nông nghiệp để sản xuất thực phẩm biến đổi gen (GMO) không chỉ mang đến lợi ích mà cũng đưa đến cho con người nhiều rủi ro, ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến cuộc sống và môi trường sống.

Thế giới trồng cây biến đổi gen ra sao?

Thực phẩm biến đổi gen được hiểu là thực phẩm có chứa cây trồng mà vật chất di truyền (gen) của chúng được thay đổi bằng kỹ thuật sinh học. Với phương pháp này người ta có thể cắt và chuyển một gen lạ có tính trạng mong muốn, không nhất thiết phải cùng loài như phương pháp truyền thống, vào giống cây trồng. Thí dụ, có giống bắp được ghép thêm một gen, lấy từ vi khuẩn Bacillus thuringiensis (Bt). Với gen này cây bắp Bt cũng có thể tạo ra một loại độc tố như vi khuẩn.

Một nông dân bên vườn bắp GMO được trồng tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.   Ảnh: Ngọc Hùng
Một nông dân bên vườn bắp GMO được trồng tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Ngọc Hùng

Theo phỏng đoán của các nhà khoa học, hiện nay có vài trăm giống cây đã và đang được nghiên cứu theo kỹ thuật di truyền, nhưng chỉ có một vài giống cây được trồng đại trà và có tính cách thương mại, chủ yếu là cây đậu nành (47%), cây bắp (32%), cây bông vải (14%) và cải dầu (5%). Các giống này chứa hoặc một gen chịu đựng được thuốc diệt cỏ Glyphosat hoặc một gen tạo chất độc Bt (15%) hoặc cả hai (28%). Theo ISAAA (Dịch vụ quốc tế tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp), diện tích trồng cây biến đổi gen trên thế giới vào năm 2014 là 181 triệu ha, chiếm 12,9% đất trồng trọt (1,4 tỉ ha). Như vậy 87,1% đất trồng trọt trên thế giới vẫn trồng cây truyền thống.

Phần lớn các cây biến đổi gen được trồng ở Bắc Mỹ và châu Mỹ La tinh với tổng cộng 82,8%, dẫn đầu là Hoa Kỳ với 40%, Brazil với 23%, Argentina với 13,4% và Canada với 6,4%. Tại châu Á có Ấn Độ với diện tích trồng 6,4% cây GMO. Tại châu Âu, ngoại trừ Tây Ban Nha với 131.537 ha, tương đương với 0,09% thì hầu hết các nước còn lại không hoặc trồng với diện tích không đáng kể các cây GMO. Riêng nước Đức từ năm 2009 đã không còn cho phép trồng bắp GMO.

[box type="bio"] (1) Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, ngày 25-4-2012, Điều 11 “Tổ chức, cá nhân lưu thông thực phẩm có chứa sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen trên thị trường với tỷ lệ lớn hơn 5% mỗi thành phần thì ngoài việc phải tuân thủ các quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa còn phải thể hiện các thông tin liên quan đến sinh vật biến đổi gen trên nhãn hàng hóa”. (Tại châu Âu, thực phẩm bày bán có thành phần GMO trên 1% phải ghi rõ trên bao bì).[/box]

Hai thí dụ cây trồng GMO

- Cây bắp chứa chất độc chống côn trùng. Bằng phương pháp kỹ thuật di truyền các nhà khoa học cắt và chuyển gen Bt của vi khuẩn Bacillus thuringiensis vào bộ gen của cây bắp vì vậy còn gọi là bắp Bt. Khi ấu trùng ăn vào, bắp Bt sẽ tạo trong ruột ấu trùng một loại độc làm thủng da ruột và gây tử vong. Lợi điểm của giống bắp Bt là nông dân bớt dùng thuốc chống côn trùng, ít ra trong thời gian đầu. Điểm bất lợi của giống bắp GMO là chất độc hiện hữu trong cây lâu hơn so với thời gian xịt thuốc chống côn trùng của nông dân. Do đó khả năng côn trùng quen thuốc sẽ cao hơn và có thể tạo ra các giống côn trùng mới kháng thuốc. Ngoài ra phấn hoa của cây bắp GMO có thể thụ phấn với các giống bắp truyền thống trồng gần đó, tạo ra nhiều tranh cãi về luật bản quyền và gây hại không ít cho các công ty trong nước sản xuất giống theo phương pháp truyền thống.

- Cây đậu nành chứa gen chịu đựng được thuốc diệt cỏ. Với phương pháp “bắn gen” sinh học để đưa gen kháng thuốc diệt cỏ Glyphosat, được lấy từ loài vi khuẩn đất Agrobacterium tumefaciens, vào bộ gen của cây đậu nành. Cây đậu GMO có thể kháng thuốc diệt cỏ Glyphosat. Với giống đậu nành mới, nông dân sử dụng thuốc diệt cỏ mà không phải lo cây (có gen kháng) bị thuốc gây hại và như vậy không cần phải tiết kiệm thuốc. Ngoài ra phương pháp “bắn gen” sinh học không chính xác, nên trong quá trình thực hiện có nhiều đoạn gen không kiểm soát được cùng bị đưa vào bộ gen cây trồng. Chúng có thể tạo ra những tính trạng không mong muốn và ảnh hưởng đến các quá trình sinh học tự nhiên của cây. Yếu tố này đưa đến nhiều tranh cãi của các nhà khoa học về sự tác hại của chúng đến sức khỏe, khi con người dùng trực tiếp hay gián tiếp (qua chế biến, động vật…) các sản phẩm này.

Kiểm soát việc dán nhãn thực phẩm GMO

Ảnh hưởng của thực phẩm GMO đến sức khỏe của con người như thế nào thì hiện nay là một vấn đề còn đang tranh luận và chưa ai, dù ủng hộ hay chống đối sinh vật GMO, đều có thể đưa ra một chứng minh khoa học rõ ràng để biện luận cho quan điểm của mình, ngoại trừ nghiên cứu về độc tố trên cây bắp ở loài chuột của nhà sinh học Pháp Gilles-Eric Seralin thuộc trường Đại học Caen cho vài dấu hiệu ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Trên thực tế, đây là vấn đề rất nhạy cảm liên quan đến cuộc sống của con người, vì vậy việc cho phép sử dụng bắp biến đổi gen (GMO) làm thức ăn cần được giới hạn về thời gian để dễ thay đổi khi có những dấu hiệu cụ thể, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Mặt khác người tiêu dùng cũng có quyền chọn lựa thực phẩm. Vì với mắt thường, người ta không phân biệt được thực phẩm truyền thống hay thực phẩm GMO nên việc dán nhãn hàng hóa trên bao bì là cần thiết để người tiêu thụ tự quyết định.

Tuy nhiên đây chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ, vì trên thực tế hàng hóa bày bán tại Việt Nam hầu như không dán nhãn và người dân cũng thiếu thông tin, mặc dù Nghị định về “Luật an toàn thực phẩm(1) đã xác định rõ, hàng hóa có thành phần GMO trên 5% phải dán nhãn. Như vậy, khi cho phép cây bắp GMO được trồng tại Việt Nam, Nhà nước cần có một cơ chế pháp lý nghiêm minh không chỉ đối với các công ty sản xuất giống GMO mà cả việc quản lý hàng hóa trên thị trường và nhất là cần có đầy đủ thông tin cho người tiêu dùng.

(*) Tiến sĩ sinh học

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối