Chủ Nhật, Tháng Tư 28, 2024

Nữ doanh nhân Bắc Giang hỗ trợ nông dân tiếp cận chuyển đổi số

(SGTT) – Thương lái Nguyễn Thị Thành Thực – người từng ví nông sản Việt như “cô gái quê danh giá” đã khởi xướng xây dựng HTX Dịch vụ nông nghiệp đầu tiên tại Bình Phước (gọi tắt là HTX) từ tháng 22022.
Ra mắt Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước. Ảnh: Thắng Trân

Đây là HTX do một số nông dân tiêu biểu cùng góp sức thành lập với sự hỗ trợ của nữ doanh nhân Bắc Giang – Nguyễn Thị Thành Thực. Tháng 2-2022, bà Thực từng thân chinh đến Bình Phước, gặp gỡ và trao đổi với các nông dân tiêu biểu về đường hướng thành lập HTX với sứ mệnh liên kết, hỗ trợ các nông gia ứng dụng số vào sản xuất.

Ngay sau đó, cũng trong tháng 2-2022, nhờ sự kết nối của địa phương, các nông dân tiên tiến đã làm việc với Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân thị xã Phước Long và ra mắt Ban Vận động thành lập HTX gồm sáu thành viên, trong đó có sự tham gia của ông Trần Quốc Duy, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch (TT XTĐT,TM&DL) tỉnh Bình Phước.

Ông Duy và doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực đều cho rằng mục tiêu lớn nhất của việc thành lập HTX là tạo liên kết giữa những nhà sản xuất, nhà kinh doanh để hỗ trợ xây dựng thương hiệu, sản phẩm cho nông sản Bình Phước. Bà Thực nhấn mạnh những nông gia nào không thể ‘tự đi một mình’ thì cần đi cùng nhau dưới mô hình liên kết chuỗi.

“Thấy rõ những giá trị xã hội mà HTX mang lại, các nông dân tiên tiến đều thống nhất cùng Ban Vận động thành lập HTX, bắt đầu từ thực nghiệm một số hoạt động trên nông trại của các thành viên trong Ban Vận động, sau đó tiến đến triển khai rộng rãi cho các thành viên của HTX tham gia trong việc kết nối, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp”, ông Duy bày tỏ.

Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực (giữa) tham gia hoạt động trưng bày của HTX Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước. Ảnh: Thắng Trân

Quy trình thành lập HTX đã hoàn thành vào tháng 5-2022. Qua đó, HTX có bộ khung gồm 12 nhân sự nòng cốt (ba lãnh đạo và chín thành viên). Giám đốc HTX là nông dân ưu tú Đặng Dương Minh Hoàng, chủ Nông trại Thiên Nông (huyện Bù Gia Mập, Bình Phước) – một thanh niên rất tâm huyết trong xây dựng thương hiệu cho nông sản, nhất là quả bơ Bình Phước.

HTX có chức năng phổ cập sổ nhật ký điện tử vườn cho nông dân, giúp địa phương hệ thống hóa số liệu, chủ động kết nối cung – cầu; tư vấn về vật tư, phân bón, kỹ thuật chăm sóc và thiết kế vườn; sử dụng công nghệ trong chăm sóc vườn; xây dựng chuỗi kết nối nông dân với kênh thu mua cuối cùng, giảm bớt khâu trung gian, mang lại tính ổn định cho nông sản.

Theo anh Đặng Dương Minh Hoàng, mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị luôn là vấn đề cản trở cho bước tiến của nền nông nghiệp Việt Nam. Vì vậy, bên cạnh đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng thị trường nội địa, chuyển đổi số sẽ giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa sản xuất, giảm chi phí, thông tin minh bạch, chính xác, kết nối cung – cầu, khắc phục tình trạng thiếu thông tin về thị trường.

Anh Hoàng kỳ vọng HTX sẽ góp sức để nâng tầm giá trị, thương hiệu của nông sản; tích cực xây dựng thị trường trong và ngoài nước cho nông sản, giúp nền nông nghiệp Bình Phước phát triển.

Anh Nguyễn Minh Hiếu, chủ sở hữu của Gia Bảo Ecofarm (thị xã Phước Long), Phó Giám đốc HTX, chia sẻ nhờ tham gia HTX anh đã có thể liên kết cùng các đơn vị giúp giải quyết khâu bảo quản giống với phương pháp ướp đông bằng nitơ; qua đó, anh lưu kho được tới hai năm, giảm thiệt hại về tài chính do hàng bị tồn đọng, hư hỏng.

Dịp này, HTX đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tácvới TT XTĐT,TM&DL tỉnh Bình Phước. Qua đó, hai bên sẽ phối hợp xây dựng chuỗi kết nối các hợp tác xã, nhà nông trong tỉnh với kênh thu mua cuối cùng, giảm bớt khâu trung gian, mang lại tính ổn định cho các sản phẩm của địa phương; từ đó góp phần xây dựng và phát triển thị trường trong và ngoài nước bền vững, ổn định cho nông sản.

Đồng thời, hai bên sẽ cùng tổ chức các hoạt động kết nối cung – cầu sản phẩm, dịch vụ khoa học công nghệ (KHCN), nhất là về chuyển đổi số giữa các nhà khoa học, tổ chức, doanh nghiệp KHCN trong và ngoài nước với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, hợp tác xã, nhà nông tại Bình Phước có nhu cầu áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong kinh doanh, sản xuất.

Bình Phước hiện có hơn 11.000 ha cây ăn trái; trong đó, cây có múi chiếm 16% tổng diện tích. Cây ăn trái đang góp phần mang lại giá trị kinh tế lớn cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Bình Phước đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn và từng bước hỗ trợ nông dân lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Việc ra đời HTX Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước sẽ giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất – kinh doanh, nông hộ tiếp cận với chuyển đổi số hiệu quả nhất nhằm tăng sức cạnh tranh, chủ động mở rộng thị trường đầu ra, thu hút nguồn khách hàng đa dạng ở mọi lúc, mọi nơi và giảm bớt khâu trung gian để gia tăng lợi nhuận.

Thắng Trân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Học gì từ mô hình trồng nấm công nghệ cao của...

0
Tại Úc, sau nhiều năm làm việc trong lĩnh vực dữ liệu (data), với niềm yêu thích về nông nghiệp, hai tiến sĩ người...

Bình Phước mở rộng cửa đón nhà đầu tư Thái Lan...

0
(SGTT) - Nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư của các doanh nghiệp Thái Lan vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế...

Lá “quê” đi Tây

0
BẢO UYÊN - Lá khoai mì, lá dứa, lá sầu đâu... hiện đã được một doanh nghiệp ở TPHCM xuất khẩu sang thị trường các...

Làm giàu từ nông nghiệp thông minh

0
Ngọc Hùng Vài năm trở lại đây, khái niệm nông nghiệp công nghệ cao, hay gọi nôm na là nông nghiệp thông minh, đang dần...

Kết nối