Chủ Nhật, Tháng Năm 12, 2024

Làm giàu từ nông nghiệp thông minh

Ngọc Hùng

Vài năm trở lại đây, khái niệm nông nghiệp công nghệ cao, hay gọi nôm na là nông nghiệp thông minh, đang dần trở thành cụm từ quen thuộc. Những người làm trong lĩnh vực này cũng rất đa dạng, từ một người nông dân học chưa hết tiểu học, một kỹ sư chế tạo máy đến những công ty có tiềm lực tài chính. Tất cả đều có thể làm giàu nhờ áp dụng khoa học, công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp.

Kẻ ngoại đạo

Bà Cao Thị Ten, nhà ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, có đến 30 năm kinh nghiệm nuôi gà. Công việc của bà dường như đã được lập trình sẵn, đó là thức dậy thật sớm, chuẩn bị cám gạo, bắp… rồi mang vào trại cho gà ăn. Trong suy nghĩ của bà, những thứ thuộc về công nghệ như máy tính, máy tính bảng… là những công nghệ cho giới trẻ.

Kiểm tra tình trạng sinh trưởng của hoa bằng phương pháp trồng công nghệ cao. Ảnh: Ngọc Hùng
Kiểm tra tình trạng sinh trưởng của hoa bằng phương pháp trồng công nghệ cao. Ảnh: Ngọc Hùng

Thế nhưng, kể từ khi chuyển sang nuôi gà thảo mộc (gà nuôi thả vườn, được cho ăn bổ sung nhiều loại thảo mộc để chống bệnh), bà Ten bắt đầu làm quen với công nghệ. Bà bắt buộc phải học cách sử dụng máy vi tính để nhập các thông số kỹ thuật, sử dụng phần mềm để pha trộn thức ăn theo công thức sao cho đúng tỷ lệ bao nhiêu cám gạo, bao nhiêu bắp, bao nhiêu loại thảo mộc… Chính nhờ sự hỗ trợ đắc lực từ máy tính, bà Ten đã trở thành một trong những người đầu tiên nuôi thành công gà thảo mộc dù trình độ học vấn chưa hết cấp 1.

Bà kể, những lứa gà thảo mộc đầu tiên cho thịt không đạt yêu cầu, vì thịt gà chẳng khác gì thịt gà bình thường. Nếu đúng là gà thảo mộc, thịt gà phải có mùi thơm, và khi ăn miếng thịt sẽ có vị thuốc bắc. Sau đó, bà nhận được sự hỗ trợ của Cục chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và khoa Chăn nuôi của trường Đại học Nông Lâm TPHCM về công thức lập bảng phối trộn thức ăn. Khổ nỗi, mọi thứ đều thực hiện trên máy tính, phải thông qua phần mềm.

Chẳng còn cách nào khác, bà bắt đầu làm quen với máy tính bằng cách mua đĩa, sách về tự học. Máy tính đã giúp bà tìm ra công thức phối trộn thức ăn và thảo mộc để cho ra những con gà có thịt thơm vị thuốc bắc. Đến nay, nhiều sinh viên khoa chăn nuôi của trường đại học trên, khi làm những đề tài về gà thảo mộc, phải chạy đến nhờ “cô giáo” chưa tốt nghiệp cấp 1 này dạy cách phối trộn thức ăn trên máy tính.

Quả thật, sự sáng tạo không giới hạn, ngược lại nó luôn đem lại thành quả cho những người có tâm huyết với nghề. Một trong những trường hợp điển hình là anh Nguyễn Thanh Trung, 33 tuổi, nhà ở tỉnh Lâm Đồng. Anh Trung vốn là một kỹ sư chế tạo máy, nhưng do hoàn cảnh gia đình, anh đã ở lại quê nhà để nối nghiệp làm nông của cha mẹ. Với bản tính tò mò, muốn cải tiến mọi thứ, nên khi được giao hai sào đất (2.000 m2) với áp lực phải nuôi sống gia đình có tới sáu miệng ăn, anh Trung nhận thấy chỉ có thể làm ra những sản phẩm chất lượng tốt mới hy vọng trụ được với nghề.

Thay vì trồng rau súp lơ và hoa cúc như hàng xóm, anh quyết định trồng dâu tây thủy canh, kiểu trồng trọt trên hệ thống giá treo, dùng xơ dừa thay đất và bón phân bằng một hệ thống ống dẫn nước đến trực tiếp từng gốc cây. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của cây dâu tây là nấm, và để diệt nấm anh phải phun thuốc hai ngày một lần. Điều này khiến giá dâu tây không cao.

Tuy nhiên, với chút vốn liếng tiếng Anh, anh Trung lên trang Google tìm tài liệu đọc, chỗ nào không hiểu, anh nhờ Google dịch giùm. Qua đó, anh thấy một số nước sử dụng nguồn điện để diệt bào tử nấm. Sau một thời gian mày mò, cộng với kiến thức học được ở trường, anh Trung cuối cùng đã tìm ra được cách diệt bào tử nấm bằng nguồn điện.

Nhờ vậy, vườn dâu tây của anh trồng không phải phun thuốc trừ nấm. Dâu thu hoạch có giá bán tại vườn là 280.000 đồng/kg, cao gấp năm lần giá dâu cùng loại trên thị trường. Chưa dừng lại ở đó, anh Trung cho biết đang thử nghiệm dùng sữa bò để trồng dâu tây theo cách làm của người Đài Loan, với kỳ vọng trái dâu tây sẽ có mùi thơm ngon hơn bình thường.

Đưa công nghệ cao vào nông nghiệp

Nếu như trước đây những người làm nông chủ yếu canh tác nhờ vào kinh nghiệm tích lũy qua năm tháng thì nay họ bắt đầu áp dụng cộng nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều người nhận ra rằng, ở thời đại mà mọi thứ đã kết nối thì dù muốn dù không họ vẫn phải làm quen với mạng Internet, những địa chỉ trang web và sống với nó mỗi ngày.

Trước nhu cầu này, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, bên cạnh việc hỗ trợ nông dân trên địa bàn thành phố về mặt kỹ thuật và thị trường đầu ra, đã xây dựng chương trình “Mỗi nhà nông một website”, qua đó giúp kết nối thông tin của nông dân, hợp tác xã, trang trại và các doanh nghiệp nhỏ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời tạo cầu nối cho việc xúc tiến thương mại.

Việc mỗi nông dân có một trang web sẽ giúp tiết kiệm chi phí tiếp thị truyền thống như fax, điện thoại, nhân viên tiếp thị, quảng cáo… Đây cũng là kênh cung cấp thông tin cho khách hàng một cách nhanh chóng, tiện lợi. Cùng với chương trình này là những lần hướng dẫn cho nông dân cách vào mạng Internet, cách sử dụng thư điện tử để giao dịch với khách hàng.

Thực tế cho thấy, một số công ty ứng dụng khoa học kỹ thuật để làm nông nghiệp đã gặt hái được những thành công ban đầu. Chẳng hạn, Công ty TNHH Lam Sơn – Sao Vàng (Lasuco) ở tỉnh Thanh Hóa đã áp dụng quy trình tưới nhỏ giọt cho cây mía, và cách này đã giúp tăng năng suất mía lên nhiều lần. Hiện nhiều nông dân ở miền Đông Nam bộ dưới sự hỗ trợ của Tập đoàn Thành Thành Công đã áp dụng mô hình nông nghiệp thông minh để canh tác mía, cụ thể là hệ thống tưới nước tự động cho cây mía.

Còn tại tỉnh Lâm Đồng, một trong những công ty đầu tư hệ thống nông nghiệp thông minh là Dalat Hasfarm. Công ty này trồng hoa trong nhà kính, trong đó hệ thống kiểm tra nhiệt độ, nước tưới được kết nối với máy tính để đảm bảo một môi trường thích hợp cho từng giống hoa khác nhau.

TPHCM là nơi đi đầu trong việc hiện thực hóa những ý tưởng đưa công nghệ vào nông nghiệp để giúp giảm chi phí đầu vào và tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Từ những thành công của thành phố, nhiều tỉnh thành khác như Hậu Giang, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Hà Nội… cũng đã thành lập các khu nông nghiệp công nghệ cao. Ở đó, mỗi sản phẩm nông nghiệp được trồng và chăm sóc bởi những cử nhân hóa học, sinh học hay kỹ sư nông nghiệp, thay vì chỉ có người nông dân như trước đây.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thủ phủ dừa Bến Tre ‘gồng mình’ chống chọi với xâm...

0
(SGTT) - Mặc dù giá dừa đang tốt hơn năm trước nhưng tình hình hạn mặn, mùa khô kéo dài đã khiến năng suất...

Áp dụng mô hình nông lâm kết hợp hướng đến tiêu...

0
(SGTT) - Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng như hiện nay thì nông lâm kết hợp là một mô...

Thúc đẩy nông nghiệp xanh từ nỗ lực thay thế thuốc...

0
(SGTT) - Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay thế hoá học để hiện thực hoá ngành nông nghiệp xanh là...

Đức hỗ trợ đào tạo nghề nông theo hướng phát triển...

0
(SGTT) - Ngành nông nghiệp không chỉ có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế mà cả với vấn đề biến...

Dược liệu Việt Nam vẫn xuất khẩu phần lớn ở dạng...

0
(SGTT) - Dù có nhiều tiềm năng nhưng dược liệu mới chỉ mang về nguồn thu khiêm tốn cho Việt Nam. Một trong những...

Kết nối dữ liệu cho sản xuất và kinh doanh nông...

0
Nhằm tập hợp các dữ liệu liên quan đến sản xuất theo hướng nông nghiệp xanh nên sẽ có một trung tâm Nông nghiệp...

Kết nối