Thứ Hai, Tháng Năm 20, 2024

Nông sản lạ “kiên nhẫn” chờ thị trường

VŨ YẾN – 

Củ cải đỏ baby, bí ngòi vàng, cà chua đen, bí đỏ baby Nhật, cà chua cam, cà chua trắng… ngay khi xuất hiện trên thị trường đã lập tức gây sự chú ý đối với người tiêu dùng, bởi được xem là những loại nông sản lạ, giá trị cao. Tuy nhiên, đến nay các mặt hàng này vẫn chưa được tiêu thụ mạnh mặc dù một số công ty cung ứng cho rằng tiềm năng thị trường khá lớn.

Nhu cầu chưa nhiều

IMG_8245Cà chua cherry là một trong những loại nông sản lạ được giới thiệu đến người tiêu dùng, tại một cửa hàng của HTX Anh Đào ở TPHCM.

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Công ty An Phú Đà Lạt, đơn vị cung ứng nông sản trong đó có những nông sản đặc biệt nói trên, cho biết đến nay công ty đang trồng và cung cấp 10-12 mặt hàng rau củ loại này. Theo ông, ban đầu người tiêu dùng đón nhận nhiệt tình, nhưng dường như họ mua do tò mò, ăn thử cho biết, chứ không mua thường xuyên. Hiện mỗi ngày công ty chỉ tiêu thụ 30-50 kg/loại đối với nông sản lạ, chiếm chỉ khoảng 10-15% tổng sản lượng nông sản nói chung của công ty cung cấp cho thị trường.

“Các sản phẩm nông sản này có giá trị dinh dưỡng cao hơn so với nông sản cùng loại chúng ta thường ăn. Tuy nhiên, vì nhu cầu thị trường chưa cao nên công ty vừa trồng vừa thăm dò thị trường, chờ đợi sức mua, trồng mang tính giới thiệu, quảng bá là chính”, ông Thành nói.

Công ty TNHH Nông sản thực phẩm Thảo Nguyên ở Đà Lạt cũng cung ứng ra thị trường hai loại nông sản lạ là củ cải đỏ và dưa leo baby. Ông Nguyễn Lam Sơn, Giám đốc công ty, cho biết hiện tại mỗi ngày tiêu thụ khoảng 50-100 kg của cải đỏ. Mặt hàng này đưa ra thị trường đã được ba năm nhưng mức tiêu thụ như vậy thì khá yếu. Còn dưa leo baby có khá hơn, năm đầu sức tiêu thụ chỉ khoảng 50 kg/ngày, nhưng một năm trở lại đây tiêu thụ khoảng 400-500 kg/ngày trong tổng lượng 12-15 tấn nông sản các loại.

Ông Nguyễn Công Thừa, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (Đà Lạt), cho biết HTX hiện bán khoảng 5 loại cà chua lạ, có giá trị cao, như cà chua đen, cà chua chocolate, cà chua bầu dục… Tuy nhiên sức tiêu thụ kém, chỉ khoảng 200 kg cho cả 5 loại, chiếm chưa tới 1/10 tổng lượng cà chua bán ra mỗi ngày.

Tương tự, anh Nguyễn Thái An, nhân viên cửa hàng Dalat Foodie, chuyên bán các loại nông sản Đà Lạt, cũng cho biết các loại nông sản lạ tuy có giá trị dinh dưỡng cao nhưng khó bán. Tại Dalat Foodie có ba loại nông sản lạ là cải keo, cải cầu vồng và bông cải baby, mỗi ngày chỉ cung ứng khoảng 20-30 kg/loại.

Kỳ vọng tiềm năng thị trường

Ông Thành của Công ty An Phú Đà Lạt cho rằng mặc dù hiện tại sức tiêu thụ chưa cao nhưng có tiềm năng thị trường lớn, bởi theo ông thì nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng luôn thay đổi, người tiêu dùng thường thích sản phẩm mới, lạ. Thêm vào đó, các loại nông sản này có giá trị dinh dưỡng cao nên sẽ ngày càng được ưu tiên lựa chọn.

Ông Thành cho biết nông sản lạ được công ty định hướng là sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, cố gắng có giá hợp lý, để người tiêu dùng có thu nhập trung bình cũng có thể sử dụng. Hiện tại giá bán các sản phẩm này cao hơn cùng loại khoảng 20-30%.

“Ngoài các loại nông sản đang cung ứng trên thị trường, An Phú Đà Lạt cũng chuẩn bị khoảng 40 loại hạt giống, sẽ triển khai trồng trong thời gian thích hợp để có sản phẩm đưa ra thị trường vào những dịp đặc biệt như lễ, tết”, ông Thành nói.

Theo ông Sơn của Công ty Thảo Nguyên, khó khăn của doanh nghiệp sản xuất các loại sản phẩm này không nằm ở chuyện canh tác, chăm sóc mà nằm ở chuyện tìm thị trường, tạo nhu cầu tiêu dùng, để các loại nông sản lạ trở thành thực phẩm thường xuyên chứ không chỉ dùng thử, dùng cho biết.

“Thổ nhưỡng, khí hậu Việt Nam khá thích hợp để trồng một số loại nông sản lạ với nguồn giống chủ yếu từ nước ngoài. Tuy nhiên, để tìm thị trường cho nó thì không đơn giản”, ông Sơn chia sẻ.

Theo các đơn vị nói trên, sản phẩm chủ yếu bán trực tiếp vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, còn với các chợ và hệ thống nhà hàng, khách sạn thì lượng tiêu thụ rất ít, chủ yếu để quảng bá sản phẩm.

“Sắp tới, cùng với các sản phẩm nông sản khác, chúng tôi sẽ đưa vào ứng dụng truy xuất nguồn gốc, dựa trên mã gắn trên mỗi bao bì sản phẩm các loại nông sản lạ, để tạo niềm tin cho người tiêu dùng”, ông Thừa của Anh Đào nói thêm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Lung linh hoa đăng trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè...

0
(SGTT) - Tối 19-5, hàng ngàn người dân, Phật tử đã đổ về chùa Pháp Hoa (quận 3, TPHCM) để tham gia nghi thức...

Gamuda Land chính thức công bố dự án Eaton Park

0
(SGTT) - Ngày 18-5, tại TPHCM, Gamuda Land đã chính thức công bố dự án căn hộ cao cấp Eaton Park. Gamuda Land công...

Về miền Tây ăn món… Tây

0
Về miền Tây sông nước ăn gỏi tép bông điên điển, cá lóc nướng trui… là bình thường. Trong chuyến đi đầu tháng 5...

5 công thức nước ép 2 thành phần giúp da sáng...

0
(SGTT) - Nước ép từ trái cây và rau củ là hỗn hợp tự nhiên giàu vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa thiết...

Giao rùa biển quý hiếm từ thông tin của báo SGTT...

0
(SGTT) - Ngày 19-5, Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang cho biết, cơ quan này vừa tiếp nhận và bàn giao 1 cá...

Thăm bảo tàng động thực vật ở Thảo Cầm Viên

0
(SGTT) – Bảo tàng động thực vật là điểm đến được nhiều du khách ghé thăm khi đến Thảo Cầm Viên (quận 1, TPHCM)....

Kết nối