Chủ Nhật, Tháng Tư 28, 2024

Ngọt chưa chắc đã là mật!

NHẬT LINH –

Nhiều người xem mật ong không chỉ là thực phẩm bổ dưỡng mà còn như một phương thuốc chữa bệnh. Chỉ có điều, tâm lý ưa chuộng mật ong rừng nguyên chất đã tạo đất sống cho những người bán những chai mật vàng óng, mà không ít trường hợp người mua không nhận ra đó không phải là mật ong rừng mà chỉ là những chai nước đường pha mật.

Sử dụng gần hết mới biết

Nhà có con nhỏ, thường xuyên dùng mật ong cho các bài thuốc dân gian chữa ho, cảm nhẹ, cộng với sở thích dùng mật ong trong chế biến món ăn và làm đẹp, chị Thu Hoài, nhà ở quận Thủ Đức, TPHCM thường tìm mua và tích trữ trong nhà 2-3 lít mật ong rừng nguyên chất. Lâu nay, chị thường mua mật ong của một người bạn quê ở tỉnh Nghệ An, người chuyên đi rừng lấy mật ong về bán. Mỗi lần mua chị phải đặt trước khá lâu, bởi không phải lúc nào cũng có mật. Giá mật cũng tùy theo mùa, trung bình 400.000-450.000 đồng/lít.

Mật ong không chỉ được bán trong siêu thị, cửa hàng, mà còn được bán trên các trang mạng và trên cả vỉa hè.  Ảnh: Thành Hoa
Mật ong không chỉ được bán trong siêu thị, cửa hàng, mà còn được bán trên các trang mạng và trên cả vỉa hè. Ảnh: Thành Hoa

Tuy nhiên, cách đây khoảng hai tháng, nhà hết mật vì không kịp đặt hàng, chị Hoài ghé vào một điểm rao bán mật ong rừng trên vỉa hè. Người bán khẳng định đó là mật ong rừng ở Đồng Nai, lại còn đưa cả sáp ong ra làm tin. Chị Hoài đồng ý mua một lít với giá 300.000 đồng.

Mang về sử dụng được nửa chai, chị thấy ở đáy chai có đóng một lớp đường khá dày. Nghi ngờ mật ong pha đường, chị đặt chai mật vào chậu nước nóng khoảng 70-80oC theo cách của những người có kinh nghiệm phân biệt mật ong thật-giả, lớp đường dưới đáy chai vẫn không tan ra. Lúc đó, chị Hoài mới biết đã mua phải chai mật ong pha đường.

“Vừa tiếc tiền, vừa bực mình, tôi quay lại nơi đã mua để tìm người bán thì họ đã chuyển đi nơi khác rồi”, chị Hoài cho biết. Theo chị, ngoài chất lượng không tự kiểm chứng, những người tiêu dùng như chị còn rối về giá bán. Cùng giới thiệu là mật ong nguyên chất rừng Tây Nguyên hay Tây Bắc, có nơi bán chỉ 70.000 đồng/lít, nhưng có chỗ tới 700.000 đồng, thậm chí cả triệu đồng/lít.

Còn chị Hồng, nhà ở quận 1, kể trong một lần đi du lịch tại Điện Biên, thấy người dân địa phương chào bán mật ong hoa thuốc phiện còn cả sáp, mẹ chị đã mua tổng cộng 20 lít, với ba loại mật có mức giá 500.000 đồng, một triệu đồng và hai triệu đồng/lít. Nhưng khi hỏi về chất lượng, mẹ chị nói không dám chắc vì không biết cách thử, nên chỉ tin người bán.

Trên thực tế, mật ong là sản phẩm phổ biến, được bán trong các hệ thống siêu thị, các cửa hàng trưng bày, trên các trang mạng và trên cả vỉa hè.

Không chỉ đa dạng về nguồn gốc, chủng loại mật ong cũng phong phú (mật ong hoa nhãn, hoa cà phê, mật ong hoa thuốc phiện…). Giá bán tùy loại, từ 70.000 đồng đến 2 triệu đồng/lít. Nếu có những sản phẩm có thương hiệu được đóng chai với nhãn mác đầy đủ thì cũng có loại mật “không tên” nhưng người bán quảng cáo là mật ong rừng nguyên chất.

[box] PGS.TS. Nguyễn Hoài Nam, cố vấn y khoa Bệnh viện quốc tế Minh Anh, TPHCM:

Mật ong pha đường, nếu sử dụng lâu dài sẽ có hại. Cụ thể, trẻ em có thể bị béo phì, người bệnh có thể bị tăng đường huyết, tăng huyết áp và rối loạn chuyển hóa lipid. Không chính xác 100% nhưng một số mẹo sau đây có thể giúp người tiêu dùng đánh giá chất lượng mật ong:

– Thử với nước: dùng một cây đũa sạch nhúng vào mật. Khi nhấc lên mật kéo thành sợi dài mà không đứt. Cho vào ly nước, sợi mật kéo dài đến đáy ly mà không bị tan (tan rất chậm). Nếu sợi mật đứt ngay hoặc tan nhanh là mật pha.

-Thử với giấy ăn hoặc khăn giấy: nhỏ một giọt mật lên khăn giấy, đợi khoảng 30 giây đến 1 phút. Nếu là mật pha sẽ thấm vào giấy rất nhanh, nước trong mật bị loang ra thành vòng rộng.

– Thử với lửa: dùng một miếng vải thấm mật rồi bật lửa. Nếu mật cháy ngay là mật tốt, nếu không cháy ngay là mật pha nước đường (có nước nên khó cháy).

– Thử với cọng hành lá: đổ ít mật ong ra chén, cắt một cọng hành lá nhúng một đầu vào mật, để 3-7 phút. Nếu đầu cọng hành bị héo thì đó là mật tốt.[/box]

Chưa hẳn rừng là tốt

Ông Phùng Hữu Chính, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển ong (Hà Nội), cho biết mật ong có hai loại: mật ong rừng lấy từ những tổ ong tự nhiên trong các vùng rừng núi và mật ong nuôi trong những trang trại. Theo ông, sản lượng mật ong rừng không nhiều, một năm cả nước chỉ có khoảng 100 tấn.

Ông Chính cho rằng mật ong rừng nguyên chất chưa hẳn có giá trị dinh dưỡng cao hơn mật ong nuôi, vì mật ong rừng chỉ đạt giá trị dinh dưỡng cao nhất và thơm ngon khi chín, tức là toàn bộ tổ ong được đậy nắp. Trên thực tế, nhiều người dân đi vào rừng cứ thấy tổ ong là khai thác, nhiều khi không biết mật còn non, chưa chín. Đó là chưa kể, người bán làm giả bằng cách pha nước đường vào mật ong. Việc phân biệt mật ong thật-giả, mật ong nuôi hay mật ong rừng đối với người tiêu dùng là rất khó.

Bà Nguyễn Phương Lan, Giám đốc Công ty TNHH Zemlya, cũng cho rằng mật ong đang bán đại trà trên thị trường là mật ong nuôi chứ không thể là mật ong rừng nguyên chất. Bởi mật ong rừng do người dân khai thác có số lượng không nhiều, còn tùy vào những mùa hoa của mỗi vùng. Bà Lan khuyên người tiêu dùng nên mua ở những nơi có thương hiệu, có địa chỉ sản xuất rõ ràng để có thể đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như có thể truy xuất nguồn gốc nếu có vấn đề xảy ra.

Bác sĩ Trần Văn Năm, Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM, cho biết theo Đông y, mật ong có vị ngọt, tính chất không nóng không lạnh (tính bình), có tác dụng tăng lực, giải độc, nhuận trường. Mật ong giúp cải thiện hội chứng trào ngược axit dạ dày thực quản, làm lành vết thương, trị bỏng, kháng dị ứng trong vài trường hợp, bổ sung dinh dưỡng. Tuy nhiên, cũng không nên thổi phồng tác dụng của mật ong, đặc biệt là tác dụng của mật ong rừng. Bởi trên thực tế chất lượng và công dụng mật ong nuôi và mật ong rừng không khác nhau.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bữa sáng Sài Gòn: Quầy xôi ghẹ vỏ giòn đang ‘gây...

0
(SGTT) - Hơn một tháng gần đây, cộng đồng ẩm thực TPHCM không ngừng thích thú và chia sẻ những thông tin về món...

Huế giới thiệu ẩm thực truyền thống đến du khách

0
(SGTT) – Trong kỳ nghỉ lễ 30-4, du khách đến Huế sẽ có dịp thưởng thức các món ăn, đồ uống truyền thống địa...

Sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài đón hơn 209.000 khách...

0
(SGTT) - Trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ dịp 30-4 và 1-5, tức 27-4, sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất...

Đầm hoa lục bình hút khách check-in ở Hà Nội

0
(SGTT) - Những ngày đầu Hè, hoa lục bình đua nhau nở tím biếc tại một đầm nước ở quận Long Biên, thành phố...

6 món ăn nên thử khi ghé thăm Đồng Nai dịp...

0
(SGTT) - Trong kỳ nghỉ lễ 30-4, nếu du khách chọn khám phá những địa phương lân cận TPHCM, thì Đồng Nai là một...

Lên Tủa Chùa ngắm cầu treo Pa Phông

0
(SGTT) – Nằm ở huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, cầu treo Pa Phông là điểm đến được nhiều du khách khám phá trong...

Kết nối