Thứ Ba, Tháng Năm 14, 2024

Lúng túng chuyện nuôi bò bán sữa

TỰ PHONG –

TPHCM là địa phương dẫn đầu về sản xuất sữa khi có tổng đàn bò sữa bằng 50% tổng đàn cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua, sữa bò của nông dân ở huyện Củ Chi nói chung và một số địa phương không bán được, buộc họ phải bán đàn bò. Vì sao?

Sữa đạt chuẩn mới bán được

DSC_0082Đa phần công ty đều ký hợp đồng mua bán sữa với người nuôi bò sữa và đi liền với đó là những yêu cầu về chất lượng sản phẩm.

Hiện Củ Chi có gần 75.000 con bò, trong đó, bò sữa vào khoảng 58.700 con. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, nhờ giá sữa ổn định nên người nuôi bò sữa có lãi. Và so sánh với những mô hình chăn nuôi khác, bò sữa vẫn là mô hình có hiệu quả kinh tế, vì thế, người dân liên tục tăng đàn.

Đối với những công ty sản xuất kinh doanh sữa, TPHCM là một trong những vùng nguyên liệu lớn cho sản phẩm sữa tươi nguyên chất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, không vì nhu cầu cần sữa tươi để sản xuất sữa mà các công ty này sẵn sàng mua cho hết tất cả sữa bò của người dân.

Hiện mỗi công ty đều có những tiêu chuẩn về vi sinh, về chất lượng sữa và căn cứ theo đó để có giá mua phù hợp. Nếu chất lượng sữa tốt, tỷ lệ tạp chất, vi sinh thấp, nông dân không những bán được giá cao nhất mà còn được thưởng từ công ty. Ngược lại, lượng sữa nào không đảm bảo, công ty sẽ từ chối mua.

Đa phần những công ty như Vinamilk, FrieslandCampina Việt Nam đều ký hợp đồng mua bán sữa với người nuôi bò sữa và đi liền với đó là những yêu cầu về chất lượng sản phẩm. Dĩ nhiên, những công ty này sẽ tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc bò sữa để người nuôi bò sản xuất được sữa có chất lượng đạt chuẩn.

Trong những hợp đồng mua bán sữa, các công ty thường có ràng buộc là người nuôi bò sữa chỉ bán cho duy nhất công ty và sẽ từ chối mua nếu phát hiện nông dân đang ký hợp đồng với công ty nhưng lại “lén lút” bán cho công ty khác.

Một vấn đề nữa là nếu nông dân tự ý cắt đứt hợp đồng để bán sữa cho công ty khác (với giá cao hơn) nhưng sau đó muốn quay lại ký hợp đồng thì thường bị công ty từ chối. Lý do các công ty đưa ra là muốn tạo cho người nuôi bò sữa tính chuyên nghiệp và tôn trọng hợp đồng.
Thực tế cũng cho thấy khá nhiều nông dân nuôi bò sữa hiện nay ở TPHCM chưa thực sự đầu tư bài bản, còn chạy theo phong trào, nghĩa là thấy người khác nuôi có lời nên cũng nuôi theo, trong khi thiếu trang bị kiến thức, kỹ thuật. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM cũng nhận định là đang có hiện tượng người dân nuôi bò sữa tự phát, không có hợp đồng mua bán với công ty sữa. Những hộ dân này có hai cách để bán sữa, thứ nhất là nhờ những hộ dân đã ký hợp đồng với các công ty sữa bán giùm. Cách thứ hai là đàm phán với công ty sữa để bán sữa.

Trước đây, người nuôi bò sữa ở TPHCM hay Bình Dương, Long An thường chỉ có hai lựa chọn là bán cho Vinamilk hoặc bán cho FrieslandCampina Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian gần đây, người nuôi bò còn có một lựa chọn nữa là bán cho những công ty, hợp tác xã khác. Một trong số này là hợp tác xã sản xuất-chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội, Củ Chi.

Theo mô hình mua bán sữa của hợp tác xã, chỉ những xã viên của hợp tác xã mới bán được sữa. Hiện mỗi ngày hợp tác xã nói trên mua khoảng 20-25 tấn sữa tươi cho các xã viên và 80% lượng sữa tươi này là bán cho Công ty Bò sữa Long Thành, Đồng Nai.

Tuy nhiên, đầu ra của hợp tác xã là bán cho công ty bò sữa Long Thành nên có thời điểm hợp tác xã cũng phải từ chối nhận xã viên mới vì lo ngại nguồn sữa tươi thu mua mỗi ngày không bán hết. Hợp tác xã này cũng đang chuẩn bị ra mắt thương hiệu Sữa tươi Củ chi nhưng bước đầu chỉ sản xuất khoảng 5 tấn mỗi ngày nên tính ra lượng sữa mua vào không tăng lên bao nhiêu.

Cân nhắc cung cầu

Theo một số hộ dân nuôi bò sữa, năm 2016, người nuôi bò sữa có hợp đồng ký với công ty cũng gặp khó khăn trong việc bán sữa. Đơn cử như trường hợp những nông dân đã ký hợp đồng với FrieslandCampina Việt Nam, công ty thực hiện chính sách tăng giá mua nhưng lại giảm lượng sữa mua vào.

Cụ thể, bản hợp đồng gửi các hộ nông dân bán sữa cho FrieslandCampina Việt Nam có nêu rằng công ty sẽ trả thêm cho mỗi ký sữa đạt tiêu chuẩn chất lượng một khoản hỗ hợ là 3.350 đồng và kèm theo đó là một lượng sữa kiến nghị công ty sẽ mua. Lượng sữa kiến nghị mà công ty đưa ra nếu căn cứ trên hợp đồng ký cho năm 2016 là giảm 10%.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, một nông dân có hợp đồng bán sữa cho FrieslandCampina cho biết công ty cho phép ông bán lượng sữa sản xuất dư thừa (sau khi đã bán theo hợp đồng năm 2016) cho những công ty khác.

Tuy nhiên, khi được hỏi liệu Vinamilk có mua sữa dư thừa của những hộ dân đã ký hợp đồng với FrieslandCampina Việt Nam không, phía Vinamilk cho biết thường là không vì chưa có chính sách này.
Vinamilk cho biết, thời gian qua có nhiều hộ nông dân muốn bán sữa cho công ty nhưng lúc đó do hệ thống chứa chưa xây dựng kịp nên chưa thể mua và chỉ có thể mua khi đã xây dựng xong hệ thống dự trữ sữa. Tuy nhiên, công ty chỉ mua sữa sau khi cân nhắc những điều kiện đi kèm, tức là sẽ mua nhưng không phải mua bằng mọi giá, cứ có nông dân bán sữa là công ty mua.

Đó cũng là một trong những thực tế như trường hợp vừa qua nông dân nuôi bò sữa ở huyện Củ Chi không bán được sữa nên phải bán bớt đàn bò.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Đi thuyền buồm ngắm cảnh đôi bờ sông Nile tại Aswan,...

0
(SGTT) – Đi thuyền buồm ngắm cảnh đôi bờ sông Nile là trải nghiệm được nhiều du khách yêu thích khi đến thành phố...

Bảy đóa sen ‘nở’ trên sông Hương mừng Đại lễ Phật...

0
(SGTT) - Ban Tổ chức Đại lễ Phật đản năm 2024 tỉnh Thừa Thiên Huế vừa hạ thủy bảy hoa sen giữa dòng sông...

Nhiều nước bắt đầu đánh thuế xe điện

0
(SGTT) - Các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu đang triển khai các loại thuế phí mới đối với xe điện. Động...

Dự kiến tháng 6 chọn xong nhà thầu trạm dừng cao...

0
(SGTT) - Theo kế hoạch, 8 trạm dừng trên cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 mở thầu vào...

Hơn 90.000 chứng chỉ ngoại ngữ cấp sai quy định của...

0
(SGTT) - Theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các chứng chỉ tiếng Anh Aptis và IELTS cấp sai quy...

Toàn cảnh depot Long Bình với góc nhìn từ trên cao

0
(SGTT) - Depot Long Bình nằm tại thành phố Thủ Đức, có diện tích trên 20 hec-ta. Đây là trung tâm điều khiển và...

Kết nối