Tâm An -
Có những người mà công việc của họ tựa như những người đi gieo hạt giống, dù con đường họ đi không hề dễ dàng. Với họ, trên đời luôn có cái tốt và cái xấu, nên càng có nhiều cái tốt thì cái xấu sẽ bị chế ngự và giảm dần. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực loại bỏ những cái xấu, việc cần làm là gieo thật nhiều mầm thiện, rồi vun trồng để những hạt mầm đó sinh sôi. Tất cả không gì ngoài việc hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Những người gieo mầm
Mỗi ngày ra chợ đầu mối Hóc Môn (TPHCM) bán rau, ông Vũ Bình An cũng đều nghe những câu chọc ghẹo kiểu như: “A, chú VietGAP đây rồi! Nhưng rồi chú xem, rau của cháu sẽ bán hết trước rau của chú cho coi”. Những lời châm chọc ấy phát ra từ mấy cậu thanh niên chỉ cỡ tuổi con ông khiến ông buồn ghê gớm, nhưng ông cũng chỉ tặc lưỡi mặc kệ. Ông biết nói gì khi đúng như lời họ, rau của họ nhờ mướt hơn, bóng bẩy hơn, bắt mắt mà lại rẻ hơn, nên bao giờ cũng bán hết trước những bó rau trồng ở vườn nhà ông.
Bảy năm gắn bó với nghề trồng rau, ông chọn cách canh tác an toàn sau cái đận mất hết tất cả khi các xưởng may bạn hàng sụp đổ vì khủng hoảng kinh tế, quên luôn số tiền ông đã đầu tư vào nhà xưởng của ông. Hàng ngày, ông An phải đối mặt và đấu tranh với những mâu thuẫn như thế. Bao nhiêu lời chê cười, thậm chí cả những nghi hoặc của nhiều hộ nông dân khác, những người cũng đều là dân nhập cư vào thành phố, mướn đất trồng rau như vợ chồng ông.
Họ nói ông ra vẻ trí thức, trồng rau thôi có gì mà phải ghi ghi chép chép suốt ngày. Họ còn nói cách làm của ông là phi thực tế, vì nếu không phun thuốc và bỏ phân thì “lấy gì mà ăn”. Nhưng ông mặc kệ, bỏ ngoài tai và kiên định làm theo cách mà mình đã chọn dù cách canh tác đó tốn nhiều thời gian, công sức của hai vợ chồng ông. Vì ông nghĩ, ai cũng mưu sinh, cũng làm một công việc thì hãy làm việc gì có ích cho xã hội. Và ông tin, ở đời có nhân có quả, mà hậu quả thì rất nhãn tiền. Sống thiện, làm việc lành là cách để lại đức cho con cháu.
“Tôi vẫn thường nói với nhiều người cùng làm rau, rằng mọi người đừng vì đồng lợi nhuận trước mắt mà làm điều ác, sẵn sàng tưới phân, tắm thuốc vô tội vạ. Hãy nghĩ đến con cháu mình đang đi làm công nhân ở quê. Nếu ở ngoài đó, nó ăn phải rau ngậm thuốc như mình đang trồng, nó bị ung thư, nằm lay lắt đó thì sẽ đau khổ biết bao nhiêu. Mình không muốn gặp chuyện đó thì cũng đừng gây ra chuyện như vậy cho người khác”, ông kể.
Ông Vũ Bình An mà tôi kể là một trong số hàng trăm nông dân trong mạng lưới liên kết mà Công ty nông sản bền vững Sinh Lộc (Mavita) đã gầy dựng và phát triển được trong hơn 5 năm qua. Gọi là mạng lưới liên kết vì Mavita hợp tác với các nông dân trồng rau, trái cây, từ Hóc Môn (TPHCM), Đà Lạt (Lâm Đồng) đến Phan Thiết (Bình Thuận) để thu mua sản phẩm với giá cam kết rồi phân phối ra thị trường qua kênh siêu thị, cửa hàng.
Mô hình kiểu này cũng được rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp, nhất là các nhà bán lẻ làm. Tuy nhiên, Mavita đã làm khác đi để giải quyết những nút thắt vốn làm không ít người gặp khó khăn và bỏ cuộc giữa chừng, từ chuyện làm sao để người nông dân luôn có được chất lượng và giá bán nông sản ổn định, làm sao hạn chế được rủi ro trong sản xuất, tăng được năng suất, tăng chất lượng nhưng giá thành sản xuất lại giảm, đến chuyện làm sao đáp ứng được nhu cầu vừa muốn sản phẩm chất lượng nhưng giá phải hợp lý của người tiêu dùng.
Đó là chuỗi những ngày Trần Minh Chí, người sáng lập Mavita, đến từng nhà vườn để tỉ tê với người trồng rau, nói về tác hại của những loại thuốc bảo vệ thực vật đang bán tràn lan trên thị trường. Nếu làm không đúng cách, thuốc bảo vệ thực vật không chỉ có hại đối với người ăn rau mà còn với chính người trồng vì thuốc ngấm vào da, vào đất, vào nước. Anh Chí nói về phương pháp canh tác mới, dùng côn trùng để diệt côn trùng, dùng các hóa phẩm sinh học để bồi bổ cho đất mà không gây hại. Tất nhiên, chẳng phải ai cũng nghe, cũng thay đổi những thói quen, tập tục đã thành nếp theo thời gian. Nhưng anh vẫn nói, cho rằng chỉ cần một người thay đổi là vui rồi vì đó là hạt mầm sẽ có ngày sinh sôi.
Là “dân sinh học”, anh Chí hiểu rằng trong hệ sinh thái luôn có cân bằng sinh học. Không có cái gì là xấu hết và cũng không có gì là tốt hết. Cái tốt và cái xấu luôn đan xen với nhau. Vấn đề là nhân rộng những cái tốt để át dần cái xấu. Nhìn rộng ra, xã hội và con người cũng vậy. Không bao giờ chỉ có người tốt, và cũng không bao giờ chỉ có người xấu. Thiện và ác luôn song hành.
Vì vậy, điều khả thi nhất là giúp càng nhiều người hướng thiện sẽ giảm dần những người xấu, xã hội sẽ dần tốt lên. Đó là việc mà bất kỳ ai, là bạn, là tôi, tùy khả năng và môi trường sống của mình có thể làm. Làm gì đó để thay đổi, hơn là ngồi và chán ghét, bất mãn trước những điều trái khoáy, xấu xa của xã hội.
Và kẻ đi gieo chữ
Tính đến nay đã 20 năm kể từ ngày anh Nguyễn Quang Thạch bỏ lại phía sau những thứ mà nhiều người có thể mơ ước: công việc ở một ban quản lý dự án của Nhà nước, phụ trách nhiều dự án ODA lớn. Anh bỏ lại cuộc sống ổn định và bình thường, kể cả sự quan ngại về sức khỏe - bị bong võng mạc và đã hỏng hẳn một mắt - để dấn thân đi làm “cách mạng thư viện”, gọi theo cách của anh. Đó là công cuộc đưa sách về nông thôn để học sinh có sách đọc, để khuyến khích tinh thần tự đọc, tự học, bổ sung vào khoảng trống giáo dục hiện nay.
Mong muốn làm “cách mạng thư viện” này của anh xuất phát từ những điều anh thấy ở khắp các vùng quê, rằng trẻ con và người nông dân ở nông thôn “khát” sách. Khát không chỉ vì họ không có tiền mua sách, không có cơ hội tiếp cận kho tri thức của nhân loại mà còn vì không ít người đóng vai trò dẫn dắt cộng đồng ở nông thôn chưa hiểu hết vai trò của sách trong giáo dục.
Ít đọc sách khiến không ít người dân nông thôn, trẻ em ở các làng quê bị thiếu hụt kiến thức xã hội. Trong khi đó, các tệ nạn xã hội như nghiện ma túy, cờ bạc, hay trò chơi điện tử… ngày càng tăng lên. Nhìn rộng ra xã hội, đạo đức ngày càng xuống cấp, người vô cảm với người, anh em, vợ chồng sẵn sàng xuống tay tàn ác với nhau.
“Tất cả đều do thiếu tri thức. Nâng cao được dân trí là giải quyết được bài toán tổng thể của xã hội. Khi dân trí tăng lên, các khuyết tật xã hội sẽ giảm dần. Chúng ta đưa vào tâm trí trẻ những cuốn sách dung chứa những giá trị phổ quát như sự trung thực, trách nhiệm xã hội, tình yêu thương con người hay những sáng chế thì đầu ra là hành động, thái độ sống chứa đựng những giá trị ngang bằng sách vở hoặc lớn hơn”, anh Thạch xây dựng cơ sở lý luận như vậy khi bắt tay làm “Sách hóa nông thôn”.
Lúc anh bắt đầu, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người cho rằng anh Thạch có vấn đề về đầu óc, từ ông trưởng phòng giáo dục một huyện ở tỉnh Thái Bình đến vợ người bạn làm giáo viên cho anh tá túc những ngày đầu tiên đi làm cách mạng thư viện. Nhưng lòng anh vẫn vững như cái tên của mình, anh Thạch vẫn bước tới, không để cho những dị nghị, những vất vả hàng ngày và cả những cơn đau thể xác chiến thắng.
Đến hôm nay, trên hành trình của mình, anh Thạch đã bớt đơn độc hơn khi đã có nhiều người hiểu và chia sẻ với anh. Số tủ sách đã lên hơn 20.000 cuốn. Sách đã đến các lớp học, dòng họ, xứ đạo, nhà chùa, gia đình, đồng nghĩa với khoảng một triệu người nông thôn có cơ hội tiếp cận sách. Số lượng sách đã tăng rất nhanh sau khi anh thực hiện chuyến đi bộ Hà Nội – Sài Gòn vào năm 2015 để kêu gọi 500.000 người đóng góp 240.000 đồng/năm cho chương trình “Sách hóa nông thôn”.
Sau chuyến đi bộ này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đáp lại sự vận động của chương trình Sách hóa nông thôn, khuyến khích nhân rộng tủ sách đến từng lớp học, và nay đã được nhân rộng trên toàn quốc. Chương trình Sách hóa nông thôn cũng đã nhận được giải thưởng của UNESCO và Thư viện Quốc hội Mỹ.
Anh Thạch cho biết, niềm hạnh phúc đối với anh là sự thay đổi nhận thức trong xã hội. Mọi công dân có thể tham gia, tạo kênh truyền bá tri thức đến mọi trẻ em và người lớn bằng lương tâm và trách nhiệm đối với tương lai đất nước. Nhiều thành viên trong xã hội, gồm cả người dân và chính quyền, đang cùng nhau xóa nạn đói sách ở nông thôn.
Song, vẫn còn đó nhiều trăn trở. Hơn 14 triệu trẻ em Việt Nam và khoảng 500 triệu trẻ em trên thế giới vẫn đói sách. Đó là lý do anh Thạch thấy mình và nhiều người cùng chí hướng phải tận tâm không ngừng nghỉ và nỗ lực nối kết trong và ngoài nước hơn nữa để có thể huy động được sự tham gia của hàng triệu người vào cuộc cách mạng thư viện.
Và anh tin, với sự chung tay góp sức của mọi người, tình trạng đói sách ở nông thôn Việt Nam và ở các nước nghèo sẽ được giải quyết trong những năm tới.
Tôi xin dừng câu chuyện nhỏ của mình ở đây, và xin mượn lời của anh Thạch thay cho lời kết: “Gió chỉ đi một chiều, lửa có vật cháy mới lan xa, nước chỉ chảy từ chỗ cao xuống thấp, nhưng sự tận tâm, lòng yêu thương có thể lan tỏa mọi hướng”. Vâng, hãy để gió cuốn tình yêu bay đi, để tình lan tỏa trong cuộc sống này.