Hoàng Xuân Phương -
Cuộc rút lui của công ty Uber khỏi Đông Nam Á đã được tiên liệu từ nhiều tháng trước. Tuy nhiên, diễn biến chuyển nhượng đã hé lộ thêm nhiều chi tiết thú vị trong chiến lược kinh doanh của Uber cũng như Grab ở thị trường này.
Cây bút Sherisse Pham đã bình luận ngay khi thương vụ được công bố trên CNN rằng động thái rút lui chiến lược cho thấy giới hạn của Uber trong tham vọng thống trị mảng dịch vụ đi chung xe. Trong hai năm 2008-2009, mô hình ở chung Airbnb và đi chung xe Uber đã nổi lên như những điển hình của dịch vụ dùng chung tài sản. Tuy nhiên, trong khi Airbnb đa dạng hóa sản phẩm và phát triển ổn định thì Uber bành trướng bất chấp sự va chạm với chính quyền địa phương, các công ty và nghiệp đoàn taxi truyền thống và với cả những đối thủ khác như Lift hay Grab.
Rút lui an toàn
Theo sau cuộc khủng hoảng văn hóa công ty và sự ra đi của nhà sáng lập Travis Kalanick, những vấn đề của Uber vẫn chưa hoàn toàn được giải quyết. Chính quyền nhiều nơi tỏ ra quan ngại đối với hoạt động của công ty công nghệ này. Uber bị đẩy ra khỏi London (Anh), và phải chấp nhận tuân theo luật pháp của địa phương để quay trở lại những nơi như Đài Loan hay Barcelona (Tây Ban Nha).
Ông Rajeev Misra, thành viên Ban giám đốc của Tổ hợp đầu tư - tài chính Softbank (Nhật Bản), cho biết Uber sẽ cắt lỗ ở những thị trường không sinh lợi, và tập trung về thị trường Mỹ, châu Âu, Nam Mỹ và châu Úc. Tuy nhiên, Uber vẫn quyết định bám trụ thị trường Ấn Độ mặc dù công ty cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của công ty bản địa Ola.
Thay đổi trong chiến lược
Uber đã đặt chân lên vùng Đông Nam Á cũng với tham vọng độc quyền và sẵn sàng đụng độ với các bên. Hệ quả tất yếu là Uber bắt đầu khủng hoảng trong khi đối thủ chính, Grab, lại nhận được nguồn vốn hào phóng từ Softbank và các nhà đầu tư lớn khác. Triết lý của Kalanick phá sản, thay vào đó là sự khôn khéo của ban lãnh đạo mới trong việc bán lại các chi nhánh đang chịu lỗ. Đây là bước đi cần thiết nhằm chuẩn bị cho tiến trình bán cổ phiếu ra công chúng. Trong thông điệp gửi đến nhân viên bằng e-mail theo sau sự kiện bán lại chi nhánh Đông Nam Á, Giám đốc điều hành Uber, Dara Khosrowshahi, nói: “Một trong những mối nguy hiểm tiềm tàng trong chiến lược toàn cầu của chúng ta là phải chiến đấu trên nhiều trận chiến với nhiều đối thủ”.
Với việc giao quyền sở hữu kinh doanh cho Grab đổi lấy 27,5% cổ phần sở hữu và việc ông Dara Khosrowshahi có chân trong Ban giám đốc công ty Grab, giới quan sát nghĩ đến một kiểu rút lui đầy khôn khéo của Uber. Tuy chịu thua Grab trong cuộc cạnh tranh thị phần, nhưng Uber nay đã giành được chỗ đứng ngay trong lòng công ty Grab. Điều này phù hợp với chiến lược biến đối thủ thành đối tác của Uber kể từ khi Dara Khosrowshahi thay Travis Kalanick đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành.
Nhà vua mới
Nhờ cuộc chuyển giao êm thấm, công ty công nghệ Grab có trụ sở tại Singapore nay ở vào vị thế độc tôn trong vùng Đông Nam Á. Thông tin từ cuộc chuyển nhượng cho thấy Uber đã bàn giao tất cả cơ sở kinh doanh tại tám nước Đông Nam Á, gồm Singapore, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Việt Nam, Myanmar và Campuchia. Grab cho hay họ đã triển khai dịch vụ gọi xe đến 191 thành phố trong vùng. Bên cạnh đó, Grab đã mở dịch vụ gọi xe hai bánh, dịch vụ cho thuê ô tô và nỗ lực mở rộng hệ sinh thái kinh doanh. Grab dự định mở dịch dịch vụ giao thức ăn GrabFood ngay sau khi sáp nhập Uber Eat, và đẩy nhanh tiến độ triển khai dịch vụ GrabPay làm nền tảng dịch vụ tài chính mới.
Anthony Tan, Giám đốc điều hành và là người sáng lập Grab, cho biết cuộc sáp nhập mở ra một giai đoạn mới với việc cắt giảm chi phí và tăng cường năng lực phục vụ khách hàng. Trên trang bbc.co.uk, nhà phân tích đầu tư Karishma Vaswani cho rằng Uber đã rất thận trọng khi đưa ra thông điệp trấn an khách hàng rằng đây là một cuộc sáp nhập bình đẳng. Tuy nhiên, người sử dụng dịch vụ đi chung xe hiện vẫn e ngại rồi đây Grab sẽ độc quyền tăng giá khi không còn đối thủ cạnh tranh.