Thứ Hai, Tháng Năm 13, 2024

Những mảng màu…

Thanh Thương – 

Đêm, mất ngủ, tôi lướt web và nghĩ đến những mảng màu.

OG2O900

Màu trắng

“Nếu đủ 100.000 like, L.H sẽ cởi bỏ tất cả quần áo trên người”. Đó là dòng thông báo trên Facebook của một cô gái trẻ tên N.T.L.H. Thế rồi, vào một ngày cuối tháng 11, cô nàng đã “livestream”, nghĩa là quay video trực tuyến, cho những người theo dõi Facebook thấy cảnh cô cởi đồ! Tới lúc quan trọng nhất thì Facebook cảnh báo và màn kịch của cô nàng bị hạ. Trên Facebook của L.H, người ta không khó để nhìn thấy những cảnh khoe thân lộ liễu và những lời mời khiêu khích.

Đây chỉ là một trong số những cô gái trẻ dùng Facebook như một nơi để khoe cơ thể. Đa phần họ đều có lượt theo dõi rất lớn, hơn cả những fanpage có chất lượng trên facebook. Màu da “trắng như bông bưởi” của L.H sẽ là nỗi ám ảnh của những người cha, người mẹ có con nằm trong hàng ngàn người đang theo dõi Facebook của cô này.

Màu xanh dương

Hưởng ứng phong trào nói là làm, N.T, một Facebooker 21 tuổi tuyên bố sẽ nhảy từ tầng bốn của tòa nhà Bitexco xuống đất nếu có đủ một triệu like. Thông tin này đã giúp cho T. có 400.000 lượt like, và vì không đủ like nên cậu ta không nhảy lầu. Theo như T. giải thích trên một tờ báo mạng, T. làm vậy “để dân mạng coi chơi cho vui”. Trước đó, một nam thanh niên cũng đã quay livestream trên Facebook cảnh tẩm xăng vào người, đốt, rồi nhảy cầu để thực hiện lời hứa khi đã đủ 40.000 like.

Tòa tháp màu xanh dương cao nhất thành phố Bitexco bỗng trở thành nơi ghi dấu ấn, không phải của những người trẻ Việt Nam thành công đang làm quản lý trong tòa nhà tài chính này, cũng không phải của những người đang hăng say thuyết phục đối tác mua hàng bên trong tòa nhà mà là những người trẻ vô công rỗi nghề, những người đang bỏ mặc cuộc đời cho đám đông nhàn rỗi trên Facebook quyết định.

Màu đỏ

SGTT_Nhung-mang-mau

Tôi có người cô dạo này hay mất ngủ. Con cô, một cậu bé đang học cấp hai, đã trở nên hư hỏng vì nghiện mạng xã hội và game online. Lúc còn nhỏ nó là một đứa con ngoan ngoãn, ít cãi lời cha mẹ. Hai vợ chồng cô tôi đều là giáo viên nên kèm cặp nó rất kỹ, ít khi cho nó ra ngoài chơi, dĩ nhiên việc học hành cũng được theo dõi gắt gao.

Nhưng khi vào cấp hai, chiếc dây ràng buộc đó khiến nó cảm thấy ngột ngạt, nó lén đi chơi game online với bạn ở bên ngoài, rồi nghiện lúc nào không hay. Sau đó, chẳng những mê game, nó còn sinh tật ăn cắp tiền của bố mẹ, sắm điện thoại thông minh để chơi game online và tham gia các chiêu trò trên mạng xã hội. Nó cũng lấy cắp tiền để “bơm máu” cho game, để mua vật dụng cho các nhân vật. Mỗi khi ba mẹ nhắc nhở là nó dọa tự tử. Cuối cùng cô vẫn chưa tìm ra cách xử lý nào cho phù hợp.

Màu đỏ của các xy lanh máu trong game đã trở thành nỗi đau của những người làm cha mẹ. Nhiều người đã phải mang con mình đi cai nghiện game, nhưng việc này không dễ dàng. Tại TPHCM cũng đã có nhiều lớp cai nghiện phải ngưng tuyển sinh, vì khi quay về môi trường cũ, chuyện tái nghiện game còn nhanh hơn so với nghiện ma túy. Tương lai của những đứa trẻ này thật đáng lo ngại, bởi những thói hư tật xấu đang ngấm dần trong máu của chúng với những hình ảnh bạo lực, khả ố trong game. Tự bao giờ, thế giới trong game trở thành thế giới thực của chúng.

Màu đen

Bạn tôi, một bác sĩ chữa bệnh tâm thần, dạo này tự dưng hay rủ tôi đi nhậu. Bạn bảo thường xuyên bị căng thẳng. Vì bệnh nhân ngày càng đông, trong đó bệnh nhân trẻ tuổi ngày một nhiều, với căn bệnh chủ yếu là hoang tưởng. Khi họ vào bệnh viện thường là trong trạng thái nói nhảm những điều không có trong thế giới thực. Họ mắc chứng nghiện game online, sống cuộc sống trong game và dùng rất nhiều cụm từ của thế giới mạng. Việc điều trị không dễ dàng, vì bệnh viện là nơi chữa bệnh, tức chỉ giúp bệnh nhân an thần, chứ không dễ giúp họ quay về cuộc sống bình thường.

Màu đen u tối là màu tương lai của những người trẻ mắc bệnh hoang tưởng nặng. Bạn tôi day dứt, xót xa trước những bước lùi của nhiều người trẻ vốn sinh ra trong những gia đình kinh tế ổn định, cha mẹ có địa vị xã hội. Hơn ai hết, bạn tôi hiểu rằng con đường mà cha mẹ mong họ đi sẽ khó khi nào có thể trở thành hiện thực khi vết trượt đã dài đến mức này.

Màu hồng

Tôi lại kể về một người bạn khác của tôi, hiện đang là giám đốc truyền thông một công ty lớn. Nhiều người biết đến chị không phải nhờ chức danh này mà là từ công việc khác. Chị đã 50 tuổi, nhiều năm nay chị tham gia làm tình nguyện viên cho Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về giá trị sống. Công việc của chị là giúp đỡ nhiều người sống tích cực hơn. Những người đã lầm lỡ trong cuộc sống, dang dở công việc và cả những người sau cai nghiện tìm đến trung tâm, sau đó tìm lại được giá trị của đời mình. Chỗ chị sinh hoạt cũng là nơi nhiều người trí thức, doanh nhân bỏ thời gian của mình để “chữa lành vết thương tâm hồn” cho nhiều người mà không thu bất cứ khoản phí nào.

Màu hồng là màu mà chị muốn mang đến cho những người chưa tìm ra lối thoát cho con đường phía trước của mình. Có thể những nỗ lực của chị, của những người bạn khó làm thay đổi một thực trạng của nhiều người trẻ hiện nay, song nó đang nhen nhúm lên một tia hy vọng, rằng nếu muốn, những người lầm lỡ vẫn có nơi để tìm đến, như một sự an ủi về tâm hồn.

Màu vàng

Hàng loạt thông tin trên mạng được xem là rác. Những loại rác này nằm xen kẽ trong những trang web đọc truyện, xem video, trong mạng xã hội, thậm chí là trên cả các ấn phẩm báo chí.

Cần có những công cụ phân loại “rác thông tin” và những biển cấm có nền vàng để người lướt web có thể tránh click vào, để cha mẹ biết mà dặn dò con cái đừng xem. Những biển cấm này cũng nên có chế tài kèm theo nếu vi phạm. Tôi nghĩ đây là việc cơ quan quản lý nên xem xét thực hiện. Trên thực tế, cơ quan báo chí có thể bị tuýt còi vì đăng tin không phù hợp thuần phong mỹ tục, tại sao trên nhiều kênh thông tin khác thông tin rác đầy rẫy và được cập nhật liên tục lại không bị sao? Bởi lẽ, những tác hại của chúng là rất lớn, ảnh hưởng đến tâm lý, tư tưởng của con người, nhất là những người trẻ tuổi. Do đó, cần lắm những sự nỗ lực trong cách thức quản lý mạng để những trung tâm cai nghiện mạng không cần ra đời, để cho các bệnh viện tâm thần không phải đón chào những bệnh nhân hoang tưởng vì không thể sống cuộc sống bình thường.

Có thể lúc ấy, xã hội sẽ bớt chông chênh!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Dự kiến tháng 6 chọn xong nhà thầu trạm dừng cao...

0
(SGTT) - Theo kế hoạch, 8 trạm dừng trên cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 mở thầu vào...

Hơn 90.000 chứng chỉ ngoại ngữ cấp sai quy định của...

0
(SGTT) - Theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các chứng chỉ tiếng Anh Aptis và IELTS cấp sai quy...

Toàn cảnh depot Long Bình với góc nhìn từ trên cao

0
(SGTT) - Depot Long Bình nằm tại thành phố Thủ Đức, có diện tích trên 20 hec-ta. Đây là trung tâm điều khiển và...

Trưa nay ăn gì: Bữa trưa đầu tuần đơn giản cùng...

0
(SGTT) – Trong bữa trưa đầu tuần, một món ăn đơn giản, kết hợp thịt heo và sợi bún quen thuộc, thêm it rau...

Chuỗi đồ uống ngoại cạnh tranh giữ chỗ đứng, tìm “gu...

0
(SGTT) - Những thương hiệu đồ uống ngoại đầu tiên đã có mặt ở Việt Nam hơn 15 năm trước, tạo nên làn sóng...

Muôn sắc hoa Xuân ở Interlaken, Thụy Sĩ

0
(SGTT) – Là điểm du lịch nổi tiếng ở miền Trung Thụy Sĩ, Interlaken vào mùa Xuân được tô điểm bởi muôn sắc hoa,...

Kết nối