Thứ Hai, Tháng Năm 13, 2024

Nghệ sĩ ảo thuật vẫn đang phát triển tự phát

Quỳnh Nga-

Có lẽ đã khá lâu, nghệ sĩ ảo thuật Việt Nam hiếm khi xuất hiện trong các chương trình biểu diễn lớn. Những tên tuổi như Z27, Tony Quang, Ali K3 đã lùi về quá khứ xa xôi. Do đó, cứ ngỡ ảo thuật Việt Nam chỉ còn là hào quang của quá khứ, nhưng thực tế lại trái ngược, đời sống của ảo thuật đang rất  sôi động.

Với sự phát triển của các phương tiện truyền thông, ảo thuật không còn là những điều “ảo diệu” trong mắt người trẻ. Hiện có một số trung tâm mở các lớp dạy  ảo thuật cơ bản như Cung văn hoá Lao Động, trung tâm văn hoá  quận 3, quận Phú Nhuận. Chỉ sau một khoá học với học phí chừng 500-700 ngàn đồng, học viên đã có thể thao tác từ 5-7 tiết mục ảo thuật cơ bản.

Bên cạnh đó, các cửa hàng bán dụng cụ ảo thuật cũng phổ biến hơn. Bỏ ra từ 50-200 ngàn đồng, những bạn trẻ yêu thích ảo thuật đã có thể sở hữu một dụng cụ làm ảo thuật. Chỉ cần làm đúng những gì được hướng dẫn, “ảo thuật gia” đã có thể trổ tài. Và, từ những hướng dẫn cơ bản đó, “ảo thuật gia” không chuyên có thể biến hóa ra nhiều màn biểu diễn khác nhau, tuỳ theo sự khéo léo và khả năng sáng tạo của mỗi người.

Hoang-NghiemHoàng Nghiêm – một trong những gương mặt ảo thuật gia nổi trội ở lĩnh vực ảo thuật đồ lớn.

Đi theo con đường chuyên nghiệp

Với việc giờ đây ai cũng có thể làm ảo thuật, có thể mọi người sẽ nghĩ các nhà ảo thuật đang bị thu hẹp đất sống. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều diễn viên ảo thuật đang “sống khoẻ” với tài năng của mình.

Ảo thuật đang là tiết mục biểu diễn ở hầu hết các buổi tiệc gia đình và các sự kiện lớn của các công ty, trung tâm thương mại…. Với những bữa tiệc gia đình, chương trình ảo thuật đơn giản với thời lượng từ 10-15 phút có cát-sê dao động từ 400-800 ngàn đồng. Ở những sự kiện lớn của các công ty, thù lao có thể ở mức 10-20 triệu đồng, tuỳ theo tên tuổi của ảo thuật gia và độ khó của tiết mục.

Ngày càng có nhiều ảo thuật gia đi theo con đường chuyên nghiệp. Một trong những gương mặt nổi trội có thể kể đến là Hòang Nghiêm – thành viên của Hiệp hội ảo thuật quốc tế (IMS). Tốt nghiệp Đại học Văn Hoá TPHCM, nhưng sau một năm về công tác tại Trung tâm văn hoá quận 2 (TPHCM), Hòang Nghiêm quyết định theo nghề ảo thuật.

Cho đến nay, Hòang Nghiêm đang là một trong số hiếm hoi những nghệ sĩ theo đuổi bộ môn ảo thuật đồ lớn (sử dụng các đạo cụ có kích thước  lớn – NV) với những màn biểu diễn chuyên nghiệp, như cắt người làm ba, di chuyển đầu người, người bay 360 độ, người bay cao 4 m…

Ngoài khả năng thể biểu diễn, Hòang Nghiêm còn là người chế tạo nhiều loại dụng cụ ảo thuật. Điều này không chỉ giúp các nghệ sĩ ảo thuật Việt Nam chủ động hơn trong tập luyện tiết mục, mà còn giúp giảm chi phí so với việc phải đặt mua đạo cụ từ nước ngoài.

Một gương mặt khác là Vương  Lập Hòa. Tốt nghiệp khoa công  nghệ thông tin của Đại học Mở TPHCM, nhưng hiện nay nghề lập trình viên là nghề tay trái để Vương Lập Hòa không cảm thấy lãng phí những gì đã được học từ giảng đường. Còn nghề nuôi sống anh là ảo thuật. Mới 24 tuổi, Vương Lập Hòa đã là thành viên của Hiệp hội ảo thuật quốc tế IMS.

Hay, có thể kể đến một nghệ sĩ khác, là Vũ Lộc Tiến, một người 17 tuổi đã có 5 năm theo nghề ảo thuật. Quyết tâm đi theo con đường ảo thuật chuyên nghiệp, hơn một năm nay Lộc Tiến đã “tầm sư học đạo” với mong muốn được thử sức với ảo thuật đồ lớn – loại hình ảo thuật chưa phát triển nhiều ở Việt Nam do kinh phí đầu tư khá cao.

Nguyễn Trường Thiên Lộc, chàng trai 19 tuổi, cũng đã trở thành diễn viên ảo thuật chuyên nghiệp từ hai năm trước và đang có mặt ở nhiều sự kiện lớn của các công ty với mức cát-sê khá cao.

Chủ yếu tự phát

Hiện đã có những nghệ sĩ tài năng, nhưng nhìn chung, ảo thuật tại Việt Nam vẫn đang phát triển tự phát, mạnh ai nấy học, mạnh ai nấy làm. Do đó, có lo ngại rằng ảo thuật Việt Nam khó đi xa hơn.

Mặc dù cho rằng tài năng và sự khéo léo của các ảo thuật gia trẻ ở Việt Nam không thua kém thế giới, nhưng nghệ sĩ Kao Long – Chi hội trưởng Chi hội Xiếc – Ảo thuật (Hội Sân khấu TPHCM) bày tỏ sự băn khoăn khi loại hình ảo thuật chưa có sự quan tâm về mặt quản lý.

“Đa phần các ảo thuật gia trẻ hiện nay chỉ mới biết “photocopy” những tiết mục nổi tiếng mà chưa định hướng được cách để tạo cho mình một dấu ấn riêng. Do vậy, số lượng các ảo thuật gia trẻ nhiều nhưng sự đa dạng trong các tiết mục biểu diễn lại không nhiều”, ảo thuật gia K Tay – Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Ảo thuật ATG cho biết.

“Các tiết mục cứ giống nhau và lập đi lập lại, thiếu sự trau chuốt, thiếu tác phong chuyên nghiệp và cả thần thái cần có của một ảo thuật gia”, vị này nói thêm.

Hiện nay, các cuộc thi tài năng ảo thuật ở Việt Nam vẫn đang nằm “ẩn” trong những liên hoan xiếc. Cả nước cũng chưa có trung tâm đào tạo chuyên nghiệp dành cho ảo thuật.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bảy đóa sen ‘nở’ trên sông Hương mừng Đại lễ Phật...

0
(SGTT) - Ban Tổ chức Đại lễ Phật đản năm 2024 tỉnh Thừa Thiên Huế vừa hạ thủy bảy hoa sen giữa dòng sông...

Nhiều nước bắt đầu đánh thuế xe điện

0
(SGTT) - Các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu đang triển khai các loại thuế phí mới đối với xe điện. Động...

Dự kiến tháng 6 chọn xong nhà thầu trạm dừng cao...

0
(SGTT) - Theo kế hoạch, 8 trạm dừng trên cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 mở thầu vào...

Hơn 90.000 chứng chỉ ngoại ngữ cấp sai quy định của...

0
(SGTT) - Theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các chứng chỉ tiếng Anh Aptis và IELTS cấp sai quy...

Toàn cảnh depot Long Bình với góc nhìn từ trên cao

0
(SGTT) - Depot Long Bình nằm tại thành phố Thủ Đức, có diện tích trên 20 hec-ta. Đây là trung tâm điều khiển và...

Trưa nay ăn gì: Bữa trưa đầu tuần đơn giản cùng...

0
(SGTT) – Trong bữa trưa đầu tuần, một món ăn đơn giản, kết hợp thịt heo và sợi bún quen thuộc, thêm it rau...

Kết nối