Thứ Ba, Tháng Năm 14, 2024

Bán lẻ cạnh tranh, thực phẩm “lĩnh đòn”

Chánh Tài-

Cuộc chiến cạnh tranh giá cả trong ngành bán lẻ để giành khách mua sắm đã khiến nhiều công ty thực phẩm chới với theo. Tại Mỹ, nhiều công ty thực phẩm đóng gói đang đứng trước nguy cơ giảm doanh thu khi hàng loạt tập đoàn bán lẻ đòi tăng mức chiết khấu, theo Wall Street Journal.

Nâng mức chiết khấu

Hôm 31-8 vừa qua, Công ty súp đóng hộp Campbell Soup có trụ sở ở bang New Jersey (Mỹ) cho biết, doanh thu của công ty trong mùa đông này sẽ bị tổn thương do không đạt được thỏa thuận được với một tập đoàn bán lẻ lớn về mức giá khuyến mãi và không gian kệ hàng cho các sản phẩm súp đóng hộp. Những người nắm rõ vụ việc cho biết tập đoàn bán lẻ này là chuỗi siêu thị Walmart, một khách hàng quan trọng (VIP) mang lại 20% doanh thu hàng năm cho Campbell Soup.

Các gã khổng lồ bán lẻ thực phẩm như Walmart hay Target cũng như các chuỗi siêu thị nhỏ hơn như Sprouts Farmers Market đang chạy đua tìm các phương kế lôi kéo khách mua sắm giữa lúc tình hình cạnh trang ngày càng khốc liệt. Mới đây, tập đoàn thương mại điện tử Amazon quyết định thâm nhập sâu hơn vào ngành kinh doanh thực phẩm vốn đã đông đúc đấu thủ qua thương vụ thâu tóm chuỗi cửa hàng Whole Foods trị giá 13,7 tỉ đô la Mỹ.

Các công ty thực phẩm đóng gói đang vật lộn với tình hình doanh thu ngày càng sa sút trong nhiều năm qua khi nhiều khách mua sắm từ bỏ các thương hiệu truyền thống, chuyển sang lựa chọn thực phẩm tươi hơn và lành mạnh hơn. Giờ đây, các tập đoàn bán lẻ lại chồng chất thêm các khó khăn cho các công ty thực phẩm đóng gói.

“Tình hình bán lẻ đang thay đổi”, Denise Morrison, Giám đốc điều hành Công ty Campbell Soup, nói với các nhà phân tích hôm 31-8 khi công ty thông báo tin không vui: doanh thu sụt giảm liên tục trong 11 quí.

Walmart đang thúc ép các công ty thực phẩm đóng gói tăng mức chiết khấu để giúp tập đoàn này có lợi thế cạnh tranh giá cả với các đối thủ khác. Các lãnh đạo của nhà bán lẻ lớn nhất thế giới này đã yêu cầu các nhà cung cấp phải giảm giá bán sản phẩm 15% so với mức giá mà họ dành cho các đối thủ.

Đồng thời, Walmart cũng chi hàng tỉ đô la Mỹ giảm giám giá bán ở một số sản phẩm nhất định nhưng không thông báo trước cho các nhà cung cấp. Điều này có nghĩa là Walmart chấp nhận các mức biên lợi nhuận thấp hơn. Khi một nhà bán lẻ giảm giá bán nhờ nhận được mức chiết khấu cao, nhà cung cấp sẽ gặp khó vì các nhà bán lẻ khác cũng yêu cầu họ tăng mức chiết khấu.

Bất đồng giữa nhà cung cấp và nhà bán lẻ về các điều kiện áp dụng mức giá khuyến mãi của các sản phẩm tại cửa hàng, siêu thị là chuyện thường tình. Nhưng gần đây, vấn đề này trở nên căng thẳng hơn khi các nhà bán lẻ cảm thấy bị dồn ép bởi sức nóng cạnh tranh.

Mathis Martines, Phó chủ tịch phụ trách bộ phận thương hiệu và chiến lược của Công ty tư vấn Concentric, cho biết các nhà bán lẻ thường kiên quyết yêu cầu nhà cung cấp tăng mức chiết khấu đối với các mặt hàng khó bán như súp đóng hộp. “Bạn đang chứng kiến sự sa sút của một số thương hiệu thực phẩm đóng gói lâu đời”, ông nói.

Irwin Simon, Giám đốc điều hành của tập đoàn Hain Celestial, chuyên kinh doanh thực phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân, cho biết các nhà bán lẻ từ nhỏ đến lớn đang đòi hỏi mức chiết khấu cao. “Ai cũng muốn bán nhiều hơn và ai cũng muốn giảm giá sản phẩm”, ông nói.

           anh1Một khách hàng mua sắm ở một siêu thị của tập đoàn bán lẻ thực phẩm Kroger ở thành phố Louisville, Mỹ.  Ảnh: Bloomberg


Quyền thuộc về ông lớn

Tỷ phú Warren Buffett, thành viên hội đồng quản trị của Công ty thực phẩm Kraft Heinz (Mỹ), cho biết cuộc giằng co giữa các thương hiệu thực phẩm và các nhà bán lẻ đã diễn ra trong nhiều thập kỷ nhưng khi các tập đoàn bán lẻ thực phẩm như Walmart, Costco Wholesale và Amazon ngày càng lớn mạnh hơn, các thương hiệu thực phẩm có ít quyền thương lượng. “Các nhà bán lẻ đang giành ưu thế trong hiệp đấu hiện nay”, ông nói trong cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình CNBC gần đây.

Các ông lớn ngành thực phẩm và hàng tiêu dùng như General Mills, Kellogg và Kraft Heinz cho biết 20% doanh thu hàng năm của họ đến từ Walmart. Điều này cho phép tập đoàn bán lẻ này áp đặt quyền mặc cả đối với các hãng thực phẩm lớn nhất nước Mỹ.

Ngày 28-8 vừa qua, sau khi hoàn tất thương vụ thâu tóm chuỗi cửa hàng Whole Foods, Amazon ngay lập tức thông báo giảm giá hơn 300 mặt hàng thực phẩm như chuối, trứng gà, bơ, thịt bò xay, cá hồi… ở 470 cửa hàng Whole Foods trên toàn quốc.

Các chuỗi siêu thị giảm giá của châu Âu như Aldi và Lidl đang ngày càng đắt khách ở Mỹ nhờ giảm giá bán nhiều mặt hàng thực phẩm. Còn Công ty Campbell Soup đang tìm cách đa dạng hóa sản phẩm bằng cách mua lại các thương hiệu như súp hữu cơ Pacific Foods, nước ép trái cây đông lạnh Bolthouse Farms.

Mark Smucker, Giám đốc điều hành Công ty thực phẩm J.M Smucker, cho rằng hiện nay, giá bán là yếu tố quan trọng đối với các nhà bán lẻ. “Họ đang cạnh tranh và họ cố tìm ra điểm khác biệt then chốt. Rõ ràng, giá bán sản phẩm cho họ là một trong những điểm khác biệt”, ông nói.

Chuỗi cửa hàng thực phẩm tươi, tự nhiên Sprouts Farmers Market, đối thủ của Whole Foods cho biết trong quí vừa qua, công ty đã buộc phải hạ giá và đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi vì mức độ cạnh tranh giá trên thị trường quá gay gắt. Tương tự, chuỗi cửa hàng Smart & Final Stores ở California cũng đã hạ giá bán ở nhiều mặt hàng chủ lực.

Giảm giá bán và tăng cường khuyến mãi kiểu như “mua một tặng một” là chiến lược quan trọng để thúc đẩy doanh thu, đặc biệt ở các mặt hàng có sức mua kém chẳng hạn như các suất ăn chuẩn bị sẵn hay ngũ cốc. Theo công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, khoản 40% hộp ngũ cốc và 33% suất ăn chuẩn bị sẵn ở Mỹ được bán với mức giá khuyến mãi,

Bob Goldin, một đối tác ở Công ty tư vấn ngành kinh doanh thực phẩm Pentallect cho rằng khuyến mãi là một vấn đề khó dứt bỏ trong ngành kinh doanh bán lẻ. “Việc giảm giá liên tục không chỉ làm giảm biên lợi nhuận của các bên mà còn khiến người tiêu dùng chỉ mua sắm khi có giá rẻ”, ông nói.

Ông cho rằng các hãng cung cấp thực phẩm như Campbell Soup và các thương hiệu khác có thể phản đối các yêu cầu tăng mức chiết khấu nhưng các nhà bán lẻ mới là người nắm lợi thế vì họ kiểm soát không gian kệ hàng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Đi thuyền buồm ngắm cảnh đôi bờ sông Nile tại Aswan,...

0
(SGTT) – Đi thuyền buồm ngắm cảnh đôi bờ sông Nile là trải nghiệm được nhiều du khách yêu thích khi đến thành phố...

Bảy đóa sen ‘nở’ trên sông Hương mừng Đại lễ Phật...

0
(SGTT) - Ban Tổ chức Đại lễ Phật đản năm 2024 tỉnh Thừa Thiên Huế vừa hạ thủy bảy hoa sen giữa dòng sông...

Nhiều nước bắt đầu đánh thuế xe điện

0
(SGTT) - Các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu đang triển khai các loại thuế phí mới đối với xe điện. Động...

Dự kiến tháng 6 chọn xong nhà thầu trạm dừng cao...

0
(SGTT) - Theo kế hoạch, 8 trạm dừng trên cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 mở thầu vào...

Hơn 90.000 chứng chỉ ngoại ngữ cấp sai quy định của...

0
(SGTT) - Theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các chứng chỉ tiếng Anh Aptis và IELTS cấp sai quy...

Toàn cảnh depot Long Bình với góc nhìn từ trên cao

0
(SGTT) - Depot Long Bình nằm tại thành phố Thủ Đức, có diện tích trên 20 hec-ta. Đây là trung tâm điều khiển và...

Kết nối