Thứ Ba, Tháng Năm 7, 2024

Tìm đường cho sản phẩm đặc trưng ĐBSCL

Trung Chánh

Thông qua hỗ trợ trưng bày sản phẩm và bán hàng, Câu lạc bộ Sản phẩm đặc trưng vùng đồng bằng sông Cửu Long – ĐBSCL (MekongSP Club) muốn đưa những sản phẩm độc đáo của vùng này đến với người tiêu dùng nhiều hơn.

Tuy nhiên, theo các ý kiến tại hội thảo “Cơ hội hợp tác giao thương với thị trường TPHCM thông qua kênh bán lẻ” được tổ chức tại Cần Thơ vào cuối tuần rồi, muốn thực hiện được điều này doanh nghiệp phải đẩy mạnh cải tiến mẫu mã, nâng chất lượng sản phẩm hơn nữa.

Tạo thêm kênh quảng bá, phân phối

Ông Nguyễn Phương Lam, Chủ nhiệm MekongSP Club, cho rằng dù có sự đa dạng cả về số lượng doanh nghiệp/cơ sở chế biến và chủng loại sản phẩm, nhưng việc khai thác thị trường, mở rộng kênh phân phối vẫn còn rất yếu. “Chính vì vậy, thông qua câu lạc bộ, chúng tôi muốn giúp những đơn vị có sản phẩm đặc trưng cải thiện được vấn đề này”, ông nói.

Thông qua việc mở các cửa hàng trưng bày, MekongSP Club muốn sản phẩm đặc trưng của ĐBSCL đến với người tiêu dùng nhiều hơn. Trong ảnh là sản phẩm đặc trưng của doanh nghiệp được trưng bày tại hội thảo.
Thông qua việc mở các cửa hàng trưng bày, MekongSP Club muốn sản phẩm đặc trưng của ĐBSCL đến với người tiêu dùng nhiều hơn. Trong ảnh là sản phẩm đặc trưng của doanh nghiệp được trưng bày tại hội thảo.

Ông Lam cho biết thêm, toàn vùng ĐBSCL hiện có khoảng 300 doanh nghiệp/cơ sở sản xuất sản phẩm đặc trưng với khoảng 2.000 chủng loại sản phẩm. Riêng câu lạc bộ, hiện có 76 hội viên với khoảng 200 sản phẩm các loại.

Ông Huỳnh Quang Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (ANTESCO), nói rằng hiện công ty này có một gian hàng trưng bày sản phẩm đặt tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, và ông gợi ý các doanh nghiệp cũng như Câu lạc bộ MekongSP có thể sử dụng nơi đây làm nơi quảng bá sản phẩm đặc trưng của các doanh nghiệp ở ĐBSCL.

Theo ông Vinh, khi trưng bày hay ký gửi bán sản phẩm ở gian hàng này, doanh nghiệp sẽ không phải tốn bất cứ một loại phí nào cả. Trong khi đó, nếu doanh nghiệp muốn mở cửa hàng riêng hay đưa sản phẩm vào các hệ thống siêu thị thì sẽ tốn nhiều chi phí.

Cũng theo ông Vinh, thời gian qua, sức tiêu thụ sản phẩm ở gian hàng này luôn ở mức khá, doanh số bình quân đạt khoảng 500-600 triệu đồng/tháng. “Hàng năm, An Giang có nhiều lễ hội, thu hút hàng trăm ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, cho nên đây sẽ là nơi giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm rất thuận tiện”, ông nhận định.

Còn bà Dương Thị Kim Duyên, Thư ký của MekongSP Club, thì cho biết hiện câu lạc bộ đã liên kết với một đối tác nước ngoài, xây dựng một gian hàng chuyên trưng bày sản phẩm đặc trưng ở quận 7, TPHCM, để các doanh nghiệp có thêm kênh đưa sản phẩm đến quảng bá. “Ở gian hàng này, chúng tôi sẽ không trực tiếp bán lẻ, mà thông qua đối tác nước ngoài để phân phối sỉ sản phẩm cho hệ thống bán lẻ ở TPHCM và xuất đi nước ngoài”, ông Lam của MekongSP Club cho biết thêm.

Tuy nhiên, theo ông Lam, sản phẩm muốn đưa vào trưng bày tại hệ thống trên bắt buộc phải là sản phẩm của doanh nghiệp hội viên MekongSP Club và phải được công bố tiêu chuẩn chất lượng. “Doanh nghiệp phải tốn phí thuê chỗ (định mức thuê là 800.000 đồng/tháng đối với doanh nghiệp có ba sản phẩm đặc trưng; 1 triệu đồng/tháng đối với doanh nghiệp có 10 sản phẩm; 1,4 triệu đồng/tháng đối với doanh nghiệp có từ 11 đến dưới 20 sản phẩm), nhưng đơn vị cho thuê sẽ ký cam kết và bảo đảm tiền lãi bán hàng phải cao hơn mức doanh nghiệp bỏ ra thuê”, ông Lam nói.

Nâng chất lượng, cải tiến bao bì

Để sản phẩm đặc trưng của ĐBSCL đến được nhiều hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước, ngoài bị ảnh hưởng bởi yếu tố nhu cầu thị trường hay cách quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thì việc cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm luôn là yêu cầu hàng đầu.

Ông Lam của MekongSP Club, thừa nhận sức tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của ĐBSCL còn khá yếu. Ông cho rằng điều này là do sản phẩm thiếu đăng ký, công bố chứng nhận chất lượng; thứ hai, bao bì sản phẩm còn khá đơn điệu, không thu hút được người tiêu dùng. “Khi nói đến sản phẩm đặc trưng thì doanh nghiệp sản xuất chỉ nói đến ăn ngon thôi, chứ chưa chú trọng mẫu mã đẹp”, ông Lam nhận xét.

Theo ông Lam, sắp tới trong chương trình xúc tiến thương mại, MekongSP Club sẽ chú trọng hơn vào việc cải tiến mẫu mã vì khi có bao bì đẹp kết hợp trưng bày ở các siêu thị, quầy kệ tốt hơn, thì khả năng khách hàng chọn mua cũng cao hơn.

Cụ thể, đối với vấn đề cải tiến mẫu mã, ông Lam cho biết MekongSP Club sẽ nhờ đối tác chuyên về lĩnh vực này tư vấn theo từng nhóm ngành nhỏ, chẳng hạn ngành thủ công mỹ nghệ thì cần điều chỉnh gì ở khâu thiết kế; hoặc như sản phẩm đặc trưng mang tính tự nhiên hay sản phẩm đặc trưng mang tính chế biến thì có cách làm ra sao?…

Để thực hiện được điều này, ông Trần Hoàng Tuyên, cố vấn Câu lạc bộ MekongSP kiêm Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), gợi ý doanh nghiệp cần chú trọng áp dụng khoa học công nghệ mới, tức đầu tư các trang thiết bị, máy móc hiện đại hơn để sản phẩm sản xuất ra có sự đồng nhất về mẫu mã, chất lượng và thu hút được người sử dụng nhiều hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Dân thành thị chuộng đặc sản “xách tay”

0
HƯƠNG LAN - Bên cạnh các kênh phân phối truyền thống, đặc sản miền quê còn du nhập vào các thành phố lớn như TPHCM...

Tìm cơ hội quảng bá sản phẩm đặc trưng ĐBSCL

0
Lạc Long Mặc trời nắng nóng, hơn 160.000 lượt khách đã đến với lễ hội bánh dân gian Nam bộ 2015 và tham quan các...

Kết nối