Chủ Nhật, Tháng Năm 5, 2024

Quy hoạch taxi có cũng như không

Lê Anh

TPHCM đã có quy hoạch taxi nhằm khống chế số lượng xe. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra cho thấy quy hoạch có cũng như không vì số lượng xe taxi đăng ký và xe hợp đồng dạng taxi đã tăng gấp ba lần so với con số quy hoạch. Các biện pháp khống chế không có tác dụng, dẫn đến tình trạng quy hoạch bị vỡ.

Lượng xe tăng mạnh

Từ năm 2010, TPHCM đã có chủ trương khống chế số lượng taxi là 12.654 xe. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, số lượng xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi tham gia kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng tăng cao. Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, tính đến ngày 30-6-2017, sở này đã cấp phù hiệu xe hợp đồng cho các xe 9 chỗ trở xuống là 23.820 xe cho 282 đơn vị vận tải.

Như vậy, lượng xe ô tô 9 chỗ trở xuống hoạt động trên địa bàn TPHCM (chủ yếu hoạt động khu vực trung tâm thành phố) là 34.880 xe (gồm 11.060 xe taxi + 23.820 xe hợp đồng) đã vượt gần ba lần số lượng taxi được khống chế trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, còn một lượng xe đáng kể chưa kiểm soát được như xe không đăng ký kinh doanh tham gia hoạt động phần mềm Uber (xe gia đình nhàn rỗi), xe từ các tỉnh khác.

Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe taxi trên địa bàn TPHCM đến năm 2025 được xây dựng từ năm 2013 và đang trong quá trình thẩm định. Theo đó, thị phần của vận tải hành khách công cộng bằng taxi là 4,22% trong giai đoạn trước năm 2020 và 4,44% trong giai đoạn từ 2020 đến 2025.  Số lượng xe taxi dự kiến là 14.464 xe (từ 2015 đến 2020) và 16.524 xe (từ 2021 đến 2025).

Thế nhưng, Sở GTVT TPHCM cho biết, lượng xe chở khách dưới 9 chỗ ngồi tăng quá nhanh không chỉ phá vỡ quy hoạch taxi mà còn tạo áp lực mạnh lên đường sá, dẫn đến tình trạng kẹt xe nghiêm trọng.

taxiHiện nay, số lượng xe taxi đăng ký và xe hợp đồng dạng taxi đã tăng gấp ba lần so với con số quy hoạch. Ảnh: Lê Anh

Muộn còn hơn không

Theo các chuyên gia, việc để số lượng xe taxi và xe hợp đồng tăng quá nhanh thì trách nhiệm trước hết thuộc về Sở GTVT TPHCM.

Ông Phạm Sanh, một chuyên gia giao thông, cho rằng quy hoạch taxi tại TPHCM bị phá vỡ, trách nhiệm chính thuộc về Sở GTVT TPHCM vì đây là cơ quan quản lý vấn đề này. Ông cho rằng khi thấy số lượng xe hợp đồng tăng quá nhanh, gây ảnh hưởng đến giao thông thì sở phải kiến nghị lên cấp có thẩm quyền để khống chế lượng xe chứ không thể để tăng hơn gấp ba lần như hiện nay. Hơn nữa, xe hoạt động dạng hợp đồng mới chỉ được Bộ GTVT cho thí điểm chứ chưa chính thức, nên việc điều chỉnh là hợp lý.

Ông Lê Trung Tính, nguyên trưởng phòng quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT TPHCM, cho rằng đang có sự mâu thuẫn giữa chủ trương khống chế số lượng taxi và lượng xe chở khách dạng hợp đồng. Đối với taxi, nhiều năm nay chính quyền thành phố có chủ trương khống chế số lượng xe do hạ tầng quá tải, không có bãi đậu, thiếu diện tích mặt đường… Tuy nhiên, hiện nay loại xe hợp đồng dạng Grab, Uber lại được phát triển thoải mái về số lượng thì sẽ dẫn tới phá vỡ quy hoạch taxi.

Trước tình hình tăng quá nhanh của lượng xe chở khách dưới 9 chỗ (bao gồm cả taxi và xe kinh doanh bằng phần mềm Uber và Grab), TPHCM đang ráo riết tìm các giải pháp để hạn chế số lượng xe kinh doanh chở khách dưới 9 chỗ.

Hồi tháng 7-2017, trong buổi làm việc với Bộ GTVT tại TPHCM, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ chính quyền TPHCM. Theo đó, thành phố sẽ báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố tạm dừng cấp phù hiệu đối với xe ô tô 9 chỗ trở xuống tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Việc cấp phù hiệu chỉ được thực hiện khi đã có quy hoạch phương tiện giao thông và vận tải đường bộ trên địa bàn TPHCM và hạ tầng giao thông đã được đầu tư phù hợp với sự phát triển của các loại xe.

Về đề xuất giải pháp quản lý xe taxi và xe hợp đồng, ông Phạm Sanh cho rằng trước tình hình hiện tại chưa mở rộng được đường sá, phải tìm cách giữ nguyên hiện trạng quy hoạch số lượng taxi hoặc không cho tăng quá mức. Nếu không tình hình kẹt xe sẽ ngày càng nghiêm trọng khó kiểm soát.

Bên cạnh đó, cần điều phối, sắp xếp lại giờ hoạt động các loại xe cho hợp lý để đảm bảo hài hòa việc đi lại của người dân. Ví dụ, giờ cao điểm người dân đi làm thì phải tăng xe buýt giảm taxi vào trung tâm, hoặc giờ cao điểm chỉ cho một lượng xe taxi và xe Grab, Uber nhất định đi vào trung tâm.

“Còn giải pháp khống chế số lượng xe taxi và xe hợp đồng hiện nay làm thì đã muộn. Tuy nhiên, muộn còn hơn không”, ông Sanh nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bữa sáng Sài Gòn: Đổi vị với món ốc của dì...

0
(SGTT) - Ngoài các món phở, hủ tiếu, bánh canh... thực khách hãy thử đổi vị bữa sáng bằng một chầu ốc gồm nhiều...

Gợi ý 4 kiểu trang điểm nhẹ nhàng đi chơi cuối...

0
(SGTT) - Cuối tuần là dịp mà nhiều cô nàng dành thời gian cho những cuộc hẹn hay xuống phố dạo chơi. Một chút...

Nhiều người ngại sinh con: ‘báo động đỏ’ cho nguồn cung...

0
(SGTT) - Tỷ lệ sinh bắt đầu giảm trong bối cảnh dân số ngày một già đi khiến các nhà lãnh đạo lo ngại...

Ghé ‘xứ Tiên’ thăm làng cổ Lộc Yên

0
(SGTT) - Làng cổ Lộc Yên thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, gây ấn tượng với du khách bởi những...

Trưa cuối tuần thử lẩu vịt om măng

0
(SGTT) – Với vị chua thanh đặc trưng từ măng, hòa quyện cùng vị ngọt thịt vịt, lẩu vịt om măng hứa hẹn mang...

Đến Gia Lai ngắm những ‘ô màu’ vàng xanh trên ruộng...

0
(SGTT) – Ngoài miền Bắc, thì ít ai nghĩ rằng đại ngàn Tây Nguyên cũng được “điểm xuyết” bởi những thửa ruộng bậc thang...

Kết nối