Thứ hai, Tháng mười hai 2, 2024

Ghé ‘xứ Tiên’ thăm làng cổ Lộc Yên

(SGTT) - Làng cổ Lộc Yên thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, gây ấn tượng với du khách bởi những ngôi nhà cổ trăm tuổi, ẩn mình dưới vườn cây xanh mát. Có thể vì không gian thanh bình hoặc do ngôi làng toạ lạc tại địa danh gắn với nhiều chữ "Tiên", mà khi đến nơi này, nhiều du khách thường gọi lạc vào "xứ Tiên".
Theo TTXVN, làng cổ Lộc Yên gắn với cuộc khai hoang, lập làng vào thế kỷ thứ 15-16. Đến thời Tây Sơn, làng Lộc Yên mới chính thức được khai sinh, với tên gọi ban đầu là Lộc An và sau này là làng Lộc Yên. Làng hiện có tổng diện tích tự nhiên khoảng 279 hec-ta. Ảnh: Trúc Nhã
Nhà tại làng Lộc Yên được thiết kế theo kiểu thức nhà ở cổ truyền Quảng Nam, loại nhà ba gian hai chái. Nhà được dựng nên từ nguyên liệu chính là gỗ mít vườn, một loại cây ăn quả đặc sản Tiên Phước. Ảnh: Trúc Nhã
Hiện nay, làng Lộc Yên còn khoảng 50 ngôi nhà cổ trên trăm năm tuổi, nằm ẩn mình trong những vườn cây xanh mát. Ảnh: Trúc Nhã
Đa phần những ngôi nhà ở đây đều được xây dựng với địa thế lưng tựa vào núi, mặt hướng ra đồng lúa. Ảnh: Trúc Nhã
Những hàng cau được trồng dọc theo con đường lát đá. Ảnh: Trúc Nhã
Giếng làng Lộc Yên cũng là nơi du khách có thể dừng chân khám phá khi đến làng cổ này. Ảnh: Trúc Nhã
Năm 2019, làng cổ Lộc Yên được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia. Ảnh: Trúc Nhã

Theo TTXVN, ngày xưa Tiên Phước được gọi là vùng đất “thập ngũ tiên sa”, cái tên gắn với sự tích về chuyện 15 nàng tiên trên trời giáng trần xuống chơi ở xứ này. 15 nàng tiên ấy mỗi nàng ở một nơi, nay thành 15 địa danh có chữ “Tiên” ở đầu gồm: Tiên An, Tiên Cẩm, Tiên Cảnh, Tiên Châu, Tiên Hà, Tiên Hiệp, Tiên Lãnh, Tiên Lập, Tiên Lộc, Tiên Mỹ, Tiên Ngọc, Tiên Phong, Tiên Sơn, Tiên Thọ và thị trấn Tiên Kỳ.Làng cổ Lộc Yên thuộc về “nàng” Tiên Cảnh, cái tên gợi tả về chốn "bồng lai tiên cảnh" và có lẽ cũng vì thế ,mà người ta thường hay gọi đây là "xứ Tiên". Làng tọa lạc trong một thung lũng với địa thế xung quanh được bao bọc bởi các dãy núi Rừng Cấm, Đá Bàn, Hố Chò, Rừng Gấm… Dưới chân các dãy núi có sông, suối “dẫn thủy nhập điền”, chảy quanh co, bao bọc ngôi làng.

Trúc Nhã

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối