Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024

Người nuôi lo chất lượng cá giống

Trung Chánh

Sau 20 năm tham gia xuất khẩu, ngành nuôi cá tra đã có những bước phát triển đáng kể. Thế nhưng, nhiều người trong ngành đang băn khoăn về chất lượng cá tra giống. Trước vấn đề này, Viện kinh tế và quy hoạch thủy sản được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược phát triển cá tra giống chất lượng cao cho Việt Nam.

Vừa thiếu, vừa yếu

Trao đổi về vấn đề giống cá tra của Việt Nam, ông Huỳnh Đức Trung, đại diện Công ty cổ phần thủy sản Vĩnh Hoàn, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu hiện nay, cho biết về số lượng, cá tra giống bố mẹ ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có thể đáp ứng được nhu cầu sinh sản nuôi thương phẩm. “Nhưng cá (bố mẹ) có nguồn gốc hiện vẫn đang thiếu rất nhiều”, ông cho biết.

Dẫn chứng điều này, ông Trung cho biết, tính đến nay Vĩnh Hoàn đã nhận từ Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II (nhiều người quen gọi tắt là Viện II) tổng cộng 5.000 cá tra giống bố mẹ, trong đó có 3.500 con nhận từ dự án hỗ trợ của Chính phủ.

Ông Trung cho biết, số lượng cá bố mẹ hiện có của Vĩnh Hoàn mỗi năm cho sinh sản được khoảng 40-50 triệu cá giống, song cũng chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu phục vụ nuôi thương phẩm của vùng nuôi do đơn vị này quản lý. “Nói chung, bây giờ không đủ nguồn cá giống có nguồn gốc, thậm chí có thời điểm dân nuôi bao nhiêu là gom hết cũng không đủ”, ông Trung cho biết.

Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Mừng, đại diện Công ty sản xuất cá tra giống Mừng Liêm, cũng cho biết phần lớn cá tra giống bố mẹ của đơn vị được mua trôi nổi trên thị trường, kể cả cá từ Campuchia mang về. “Tổng đàn cá bố mẹ của tôi hiện có là trên 6.000 con, nhưng chỉ có 1.800 con có nguồn gốc (từ Viện II)”, ông Mừng nói.

Xét về tốc độ sinh trưởng, theo ông Trung, cá giống được sinh sản từ cá bố mẹ của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II cho tốc độ sinh trưởng nhanh khi nuôi thương phẩm và tỷ lệ phi-lê đạt cao, “nhưng cá vẫn chưa kháng được bệnh”, ông Trung nói.

Trong khi đó, theo ông Mừng, tỷ lệ hao hụt trong quá trình ươm từ cá bột lên cá giống là rất lớn, có lúc lên đến 85-90%, tức 100 cá bột thì nuôi lên cá giống chỉ đạt 10-15 con.

Điều đáng nói hơn, theo đánh giá của ông Trung, chất lượng cá giống trên thị trường đang ở mức đáng báo động do bị lạm dụng kháng sinh. “Mục đích của người ươm cá giống là giữ đầu con đạt càng nhiều càng tốt (ít hao hụt) nên họ sử dụng nhiều kháng sinh, nếu cá bị bệnh trong quá trình ươm giống”, ông Trung cho biết. Theo ông, khi nuôi thương phẩm từ con giống có sử dụng thuốc kháng sinh sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh và chất lượng cá thương phẩm. Khi cá phát sinh dịch bệnh phải sử dụng kháng sinh liều cao hơn mới trị được.

 catraNông dân Đồng Tháp đang cho cá tra giống ăn. Ảnh: Trung Chánh

Quy hoạch vùng nuôi cá giống

Trước thực trạng như nêu trên, Viên kinh tế và quy hoạch thủy sản (VIFEP) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao nhiệm vụ “chấp bút” thực hiện đề án “Liên kết sản xuất cá tra giống 3 cấp chất lượng cao cho vùng ĐBSCL”.

Theo giải thích của ông Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng VIFEP, sản xuất cá tra giống 3 cấp nghĩa là có sự tham gia của viện, trường (cấp 1); trung tâm giống cấp 1 của tỉnh (cấp 2) và cấp 3 là các vùng sản xuất giống của người dân. “Trong đó, viện, trường giữ vai trò nghiên cứu, lưu giữ nguồn gen và tạo ra đàn cá bố mẹ chất lượng cao; trung tâm sản xuất giống cấp 1 của tỉnh với sự tham gia của các doanh nghiệp sẽ nhận cá tra bố mẹ từ viện, trường và sau đó phân phối xuống cấp 3 để sản xuất giống”, ông Tùng cho biết.

Mục đích của việc xây dựng đề án nêu trên, theo ông Tùng, là để tăng khả năng cung cấp cá tra giống bố mẹ có nguồn gốc rõ ràng, qua đó tạo nguồn giống có chất lượng, sinh trưởng tốt, kháng được dịch bệnh để phục vụ cho nhu cầu nuôi thương phẩm, đáp ứng nguồn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, muốn hiện thực hóa được điều này, ông Trần Văn Long, chủ trại cá giống Nam Long, cho rằng nhất thiết phải có quy hoạch vùng chuyên sản xuất cá tra giống. Tại đó, người ươm giống được phép cải tạo ao nuôi để phục vụ sản xuất. “Nói thật, hiện nay, mỗi khi muốn cải tạo ao ươm cá giống, chúng tôi phải làm lén vì ngành tài nguyên môi trường biết là “bửa ngay” (ý nói xử phạt)”, ông Long cho biết.

Theo ông Long, ao ươm cá giống đạt tiêu chuẩn phải là ao nuôi có độ sâu 2 mét, chứ những ao ươm tận dụng ruộng lúa chỉ sâu 40-50 cm như hiện nay cá dễ gặp dịch bệnh khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi, dẫn đến lạm dụng thuốc kháng sinh. “Ao được quy hoạch, làm đúng độ sâu và đầu tư bài bản sẽ ít gặp dịch bệnh hơn”, ông Long nhận định.

Không chỉ đề xuất phải có quy hoạch vùng ươm cá giống, ông Long còn cho rằng việc này phải có sự thống nhất từ cấp tỉnh xuống địa phương. “Dù có bàn đến cỡ nào đi chăng nữa, nếu không có quy hoạch rõ ràng, chúng ta không phát triển được”, ông Long nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bữa sáng Sài Gòn: Mới lạ tô phở Cường Ký nấu...

0
(SGTT) - Ngoài hương vị phở miền Nam hay Bắc, món phở còn được một số người Hoa bày bán với những thức ăn...

Ở khách sạn, đi du thuyền ngắm pháo hoa tại TPHCM...

0
(SGTT) – Lưu trú, ăn uống tại những khách sạn ở khu vực trung tâm hay đi du thuyền trên sông Sài Gòn... là...

Ngân hàng số Cake thêm tính năng mã khóa bảo vệ...

0
Nhằm tăng cường thêm độ bảo mật cho người gửi tiết kiệm, Ngân hàng số Cake by VPBank vừa thêm tính năng bảo mật...

Trải nghiệm bánh bèo Huế, giá chỉ 35.000 đồng ở chợ...

0
(SGTT) - Bánh bèo là món ăn đặc trưng vùng miền Việt Nam, có nhiều cách biến tấu tùy thuộc mỗi địa phương. Trong...

Dòng người hối hả về quê, các cửa ngõ TPHCM bắt...

0
(SGTT) – Từ chiều 26-4, ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ 30-4, tại sân bay Tân Sơn Nhất, ga Sài Gòn,...

TPHCM có đủ các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng...

0
(SGTT) - Theo Sở Y tế TPHCM, các cơ sở thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn đã có đủ...

Kết nối