NGỌC HÙNG -
Thị trường thực phẩm đang ghi nhận số lượng các cửa hàng bán thịt heo VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), hay còn gọi là “thịt sạch”, xuất hiện ngày càng nhiều trước thực trạng thịt heo chứa chất cấm. Tuy nhiên, để tránh tình trạng người bán treo bảng quảng cáo thịt sạch tràn lan nhằm thu hút người tiêu dùng, có thể trong thời gian tới các tiểu thương sẽ phải đăng ký treo bảng với cơ quan chức năng, chứ không phải cứ muốn treo là treo như hiện nay.
Mới đây, có thêm một điểm bán heo VietGAP được mở tại cửa hàng của Sở NN&PTNT TPHCM trên đường Hai Bà Trưng, quận 1. Ảnh: Thành Hoa
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị bên lề hội nghị triển khai việc kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi tại các tỉnh phía Nam tổ chức tại TPHCM hồi tuần rồi, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho biết để tránh tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó”, sắp tới bộ sẽ có quy định các tiểu thương, công ty kinh doanh thực phẩm nào muốn treo bảng thịt sạch phải đăng ký với cơ quan quản lý là sở NN&PTNT tỉnh, thành đó.
Việc đăng ký này, theo ông Dương, sẽ được cấp chứng nhận sau khi những tiểu thương và doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chứng minh được nguồn gốc sản phẩm là sản phẩm sạch, được nuôi trong môi trường kiểm soát dịch bệnh và không dùng các loại chất cấm.
Thật ra, không phải ngẫu nhiên Cục Chăn nuôi muốn đưa quy định này. Thời gian vừa qua, nhiều sản phẩm VietGAP làm ra không bán được, một phần do không có kênh phân phối riêng, một phần do nhiều tiểu thương lấy sản phẩm bình thường rồi đóng gói ghi VietGAP trên bao bì để bán cho người tiêu dùng. Điều này ít nhiều khiến người tiêu dùng bối rối với những sản phẩm sạch.
Những gì đang diễn ra cho thấy việc đưa sản phẩm sạch ra chợ cũng không đơn giản. Điển hình là trường hợp cửa hàng bán thịt heo VietGAP của Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ tại chợ Hòa Bình, quận 5, TPHCM. Chỉ một thời gian ngắn sau khi khai trương, các tiểu thương trong chợ đã tạo áp lực buộc quầy hàng của công ty này phải gỡ bảng thịt sạch xuống và phải ghi giá bán niêm yết nhỏ lại.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị qua điện thoại, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ, chủ cửa hàng bán thịt heo VietGAP tại chợ Hòa Bình, cho biết nhiều tiểu thương trong chợ, ngoài việc tạo áp lực để công ty phải tháo bảng thịt sạch, cũng treo bảng “thịt sạch” để cạnh tranh.
Tại chợ Hòa Bình, điều khiến người tiêu dùng khó nhận diện được thịt heo VietGAP là do các quầy, sạp bán thịt heo đều được thiết kế như nhau. Trên mỗi quầy đều có dòng chữ LIFSAP (Livestock Competitiveness and Food Safety Project) – dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm do Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam tài trợ để hỗ trợ cung cấp sản phẩm thịt từ trang trại đến bàn ăn. Ngoài việc hỗ trợ tiểu thương các chợ, trong đó có chợ Hòa Bình, trang bị hệ thống sạp bán hàng, LIFSAP có một phần hỗ trợ các hộ dân nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm thịt heo của các hộ dân này sẽ được phân phối ra thị trường thông qua các cửa hàng VietGAP của Công ty An Hạ.
“Mặc dù không treo bảng VietGAP, nhưng do các cửa hàng đều được thiết kế như nhau nên người tiêu dùng cứ nghĩ tất cả đều bán thịt heo VietGAP”, bà Thắm nêu thực trạng. Hơn nữa, giá thịt heo VietGAP và thịt heo thường gần như bằng nhau nên người tiêu dùng khó nhận diện khi mua ở những quầy thịt trong khu chợ này.
Theo một cán bộ Sở NN&PTNT TPHCM, cửa hàng thịt heo VietGAP được mở ra nhằm mục đích ban đầu là cung cấp một địa chỉ thịt sạch cho người tiêu dùng, nhưng thực tế đã phát sinh thêm những vấn đề cần giải quyết. Mặc dù giá bán ngang nhau, nhưng sạp treo bảng thịt heo VietGAP thường bán nhanh hết hàng hơn những quầy sạp khác trong chợ. Chính vì vậy mới có tình trạng tiểu thương tạo áp lực gỡ bảng của các sạp có dòng chữ VietGAP. Theo vị cán bộ này, vấn đề ở đây là sự cạnh tranh để bán hàng.
Bà Thắm cho biết, để tránh rơi vào tình huống tương tự như điểm bán hàng ở chợ Hòa Bình, tại hai điểm bán thịt heo VietGAP ở các chợ Tân Định (quận 1) và chợ Bà Điểm (huyện Hóc Môn), doanh nghiệp này đã mở cửa hàng ở phía ngoài chợ, thay vì bán trong khu vực kinh doanh thực phẩm như ở chợ Hòa Bình.
Ông Dương của Cục Chăn nuôi cho biết, do hiện nay chưa có những quy định nên không ai có thể cấm người khác treo bảng quảng cáo thịt sạch hay thịt VietGAP cả. Theo ông Dương, những cửa hàng chưa tham gia trong dự án LIFSAP vẫn có thể bán thịt sạch. “Chúng ta phải chấp nhận sự tồn tại của hai loại thịt, đó là thịt sạch đúng nghĩa và thịt sạch do quảng cáo”, ông Dương phát biểu.
[box] Theo số liệu thống kê sơ bộ của Sở NN&PTNT TPHCM, mỗi ngày TPHCM tiêu thụ khoảng 9.000-10.000 con heo (loại 100 kg hơi). Với tỷ lệ thu hồi thịt là 75%, mỗi ngày người tiêu dùng thành phố tiêu thụ từ 675 tấn đến 750 tấn thịt heo.[/box]
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang yêu cầu các đơn vị dưới quyền từ nay đến Tết Nguyên đán 2016 triển khai ở các tỉnh, thành những địa chỉ bán thịt an toàn và công bố rộng rãi để người dân biết. Dĩ nhiên, những điểm bán hàng này phải đảm bảo nguồn thịt bán ra là thịt sạch, an toàn và được Sở NN&PTNT các tỉnh, thành cấp giấy chứng nhận.