Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Nuôi chim ở đô thị

NGUYÊN VỸ – 

Tùy chủng loài mà giá của những con chim cảnh để nuôi chơi tại Sài Gòn hiện phổ biến ở mức vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng. Theo giới chơi chim, không khó để tìm mua một con chim về nuôi nhưng nuôi thế nào là cả một vấn đề.

Chuẩn bị tinh thần

Đi qua công viên Tao Đàn (quận 1) mỗi sáng sớm, người ta rất dễ bị lôi cuốn bởi tiếng chim hót rộn ràng giữa màu xanh cây cỏ. Kèm theo đó là hình ảnh hàng trăm người chơi đang ngồi tề tựu để dợt chim bên những bàn cà phê. Ở đó, ngoài người chơi chuyên nghiệp thì cũng lắm người chỉ đến để cà phê và nghe chim hót, như một kiểu thưởng ngoạn.

Chuẩn bị cho chú họa mi lần đầu ra công viên tham gia dợt cùng “chúng bạn” – là những con chim của những người chơi khác, anh Văn Thành (nhà ở quận 3) cho biết, chỉ cần vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng thôi cũng có thể sở hữu một con chim tốt loại phổ biến. Tuy nhiên, người chơi phải tính đến những thứ khác xoay quanh con chim như phụ kiện, thức ăn, thuốc men… cho chúng mỗi ngày. Vì thế phải đặt kế hoạch mua sắm trước, tức là chuẩn bị kiến thức và tiền bạc thì mới tham gia vào “bộ môn” này được. “Không nhàn nhã như những người đi thưởng ngoạn, nuôi chim phải tốn công phu. Dù đam mê có tràn trề mà phải thường xuyên vắng nhà hoặc quá vướng bận công việc thì không nên nuôi chim”, anh Thành nói.

Tiếp đó, cũng theo anh Thành, người chơi phải xác định mình muốn nuôi chim để làm gì, rồi tìm hiểu kỹ về loài chim mình định nuôi. Vì theo anh, chim để nuôi cũng có nhiều loại như chim bổi (chim bắt ở rừng, ở đồng mới về), chim thuộc (đã được nuôi thuần dưỡng), chim non, chim chuyền (chim mới lớn đã có khả năng nhảy nhót, chuyền cành). Người nuôi chim tùy vào đó mà chọn nuôi để kinh doanh, để đi đấu giải, để nghe tiếng hót, có khi chỉ để ngắm màu lông đẹp. “Ở Sài Gòn, những loại chim có giọng hót hay được người chơi ưa chuộng hơn cả”, anh Thành cho biết.

7-2

Những con chim đang khoe giọng.

Hiểu mới chọn

Tại khu tập trung các loài chim chích chòe (có nơi gọi là chìa vôi) và chào mào (còn gọi là chóp mào), người ta hay nghe những câu nói từ giới chơi chim như chim được mấy mùa, bao nhiêu mùa thì đấu? Ông Nguyễn Vĩnh Trí, một người chơi lâu năm tại khu vực này cho biết, mùa ở đây là mùa chim thay lông. Theo đó, nên chọn mua chim đã thay lông hoàn toàn, chúng sẽ dễ thích nghi với môi trường mới.

Cũng theo ông, người mới chơi có thể nuôi chim non, chim chuyền rồi tập cho dạn dần lên nhưng hơi mất thời gian. Cũng vì vậy mà nhiều người thường chọn mua chim thuộc hoặc chim bổi về chăm sóc, huấn luyện lại.

Ông Trí kể chuyện chơi chim của mình, kéo dài hàng chục năm. Ông cho biết từng làm thợ cả trong một xưởng cơ khí lớn ở Sài Gòn, ông đem cả chục lồng chim vào chỗ làm để tiện bề chăm sóc vừa theo dõi sự cố máy móc lúc tăng ca. Nhưng ông chủ xưởng không đồng ý. Thế là ông Trí xin nghỉ việc, về nhà mở quán bán nước, nuôi chim. Rồi mỗi dịp cuối tuần, từ quận 7, ông lại mang chim qua Tao Đàn ngồi tỉ tê với những người bạn thâm giao.

Một người chơi lành nghề, ông Trí đưa ra tiêu chí chung để đánh giá và lựa chọn chim trong ba chữ: thanh, sắc, bộ. Thanh tức tiếng hót phải tròn, rõ, chim phải hót siêng miệng và nhiều âm điệu; sắc là hình vẻ bên ngoài hài hòa, cân đối, phù hợp với tầm mắt người chọn. Lông, cánh phải mượt, đều, sạch sẽ, ép sát vào thân. Chân và  móng không trầy xước…; bộ là dáng điệu và thần thái của chim, không nhút nhác, không ủ dột. Dáng bộ này lại liên quan nhiều đến tính nết của chim. Chim hiền, chim dữ sẽ quyết định chơi có hay hay không.

Ngoài ra, khi chọn mua chim cũng nên hạn chế những lỗi mà chim thường mắc phải như lộn vòng, ngoáy đầu, xù lông. Những động tác này làm mất dáng bộ của chim, đem đi đấu giải thường bị loại ngay từ vòng đầu. Đối với người mới bắt đầu nên chọn những loại chim dễ nuôi, không quá mắc tiền. Dễ nuôi thì có vành khuyên hay chim sâu vì thức ăn đơn giản. Muốn chim đẹp lại hay hót thì có chích chòe, chào mào. Họa mi là loài có màu lông không đẹp nhưng hay hót và hót rất hay.

Theo ông Trí, nói về thú chơi này thì rất nhiều thứ phải kể đến. Với người chưa có kinh nghiệm cần tìm hiểu kỹ về loại chim mình định nuôi hoặc chọn ra một con chim tốt làm chuẩn để so sánh. “Nếu có thể, hãy mua của người quen hay người có kinh nghiệm để giảm thiểu rủi ro”, ông Trí khuyên.

Công phu khâu chăm sóc

4-2

Người chơi dợt chim trong công viên Tao Đàn.

Theo lời hướng dẫn của ông Trí, người viết sang quận 7 tìm gặp anh Hải chuyên nuôi chim để bán và đấu giải để hỏi thêm kinh nghiệm. Anh này nhận định: “Mỗi loài mỗi nết. Phải chịu khó tìm hiểu đặc tính, tâm lý của con chim mình đang nuôi mới có cách chăm sóc tốt và chim phát huy hết khả năng”.

Theo kinh nghiệm của anh Hải, chim sống trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, phải phát huy hết mọi bản năng để sinh tồn nên có nhiều người thích hơn những con chim sinh trưởng ở vùng đồng bằng, thức ăn phong phú. Thêm vào đó, chim vốn sống bầy đàn. Những con đầu đàn thường chứa nhiều tố chất như giọng hót hay, tính cách dữ dằn. Tìm được chú chim như thế càng có giá.

Nhưng nết của chim đôi khi lại khác nhau trong những hoàn cảnh khác nhau. Có con chim đứng một mình mới múa, hót nhưng khi đứng cạnh nhiều con chim khác lại rụt rè. Có chim ở chủ này không phát huy hết tố chất nhưng về chủ khác lại chơi rất hay, giá bán lại cao hơn. “Điều này do ảnh hưởng của công chăm sóc rất nhiều”, anh Hải chia sẻ.

Ở Sài Gòn, người nuôi chim đa số sử dụng lồng tre. Theo tư vấn của anh Hải, lồng chim phải rộng rãi, phù hợp về kiểu dáng, kích cỡ để chim bay nhảy được dễ dàng. Lồng không vênh, không lỗi và phải thường xuyên vệ sinh để diệt mầm bệnh. Nên đặt lồng ở nơi thoáng mát, tránh mưa hắt, gió lùa và ánh nắng gay gắt chiếu thẳng. Lúc chim vào mùa thay lông, phải đặt nơi yên tĩnh. Khi chim ngủ cần phải khoác áo lồng để hạn chế ánh sáng, gió và các yếu tố làm chim giật mình.

Chế độ ăn cho chim cũng phải khác nhau từng giai đoạn vì chim đang thay lông cần nguồn dinh dưỡng khác chim cần phải thúc để nhanh hót. Ngoài các loại thức ăn tự nhiên như như cào cào, sâu, trái cây tươi, có thể pha chế thêm thức ăn bột với trứng gà và một số thuốc để chim có hót giọng thánh thót hơn.

Với người ít bận rộn, nên chọn loại hũ đựng thức ăn, nước uống có cống tự động để giảm bớt thời gian thay và bổ sung hàng ngày. Mặt khác, cống tự động sẽ giảm bớt tình trạng chim làm vấy bẩn vào thức ăn, nước uống.

Để có chim hót hay thì phải tập cho chim hót thường xuyên, lâu ngày chim hình thành phản xạ. Cũng nên tranh thủ thời gian đem chim mình cùng đi dợt với chim của người khác để chim dạn hơn ở chỗ đông người. Và cho chim tắm để lông mượt mà hơn. “Nhìn chung, nết chim cũng giống như người. Nuôi được một con chim trở nên như ý là không dễ. Để làm được điều đó, người chơi chim phải thực sự đam mê”, anh Hải kết luận.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Muốn bảo vệ chim yến, phải bảo vệ các loại chim...

0
Vừa qua Chính phủ đã ban hành công điện về việc tăng cường ngăn chặn săn bắt trái phép chim yến để bảo vệ...

Ngôi chợ bán thứ mà phụ nữ nhìn e sợ

0
(SGTT) - Chợ côn trùng nằm bên hông Thuận Kiều Plaza (góc đường Hồng Bàng - Tân Hưng, quận 5, TPHCM) nổi tiếng với...

Chợ đặc sản “nhậu”

0
THÀNH HOA - Một ngôi chợ được “mọc” lên bên lề quốc lộ 62 thuộc thị trấn Thạnh Hóa, Long An thu hút khá đông...

Dạo chợ… nuôi chim cá cảnh

0
Gọi là chợ vì ở đây cảnh người mua kẻ bán tấp nập suốt ngày nhưng kỳ thực chẳng phải là chợ hẳn hoi,...

Kết nối